HSBC: Giới hạn sở hữu nước ngoài không còn là hạn chế

Hoài An - 15:21, 23/05/2022

TheLEADERTheo HSBC, mức sở hữu nước ngoài trong hầu hết các trường hợp trên thị trường chứng khoán Việt Nam không còn là yếu tố cản trở khối ngoại mua vào.

Một câu hỏi thường xuyên được đặt ra trong các nội dung thảo luận về các cổ phiếu của Việt Nam là trần sở hữu nước ngoài (foreign ownership limits – FOL).

Nếu nhà đầu tư nước ngoài mua tối đa hạn mức cho phép, họ chỉ có thể mua bán với nhau, và sẽ hình thành mức giá của khối ngoại, hoàn toàn độc lập với giá của trong nước.

HSBC trong báo cáo mới nhất cho biết tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài của VN Index là 44%, trong đó, khối ngoại hiện tại nắm giữ chưa tới một nửa giới hạn sở hữu, ở mức 20%.

“Rõ ràng, con số này chưa tính tới khả năng khối ngoại không quan tâm tới một số cổ phiếu – có thể do những mã này quá nhỏ hoặc thanh khoản quá kém – và phần nào lý giải nguyên nhân tỷ lệ sở hữu nước ngoài chưa đạt tới giới hạn”, HSBC phân tích.

Tuy nhiên, tình hình đó có thể sẽ không tiếp diễn.

Trong 30 mã thuộc rổ cổ phiếu VN30 Index, bẩy mã đã đạt giới hạn sở hữu nước ngoài, trong khi 12 mã có mức vốn hóa thị trường trên 5 tỷ USD, và 14 mã có giá trị thanh khoản trên 10 triệu USD/ngày. Tám công ty đã tăng mức sở hữu nước ngoài kể từ năm 2019.

“Nói một cách ngắn gọn, mức sở hữu nước ngoài trong hầu hết các trường hợp không còn là yếu tố cản trở khối ngoại mua vào”, HSBC nhấn mạnh.

Các Quỹ hoán đổi danh mục (Exchanged Traded Fund – ETF) cũng cho phép các nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận các công ty hạn chế room nước ngoài.

Tuy nhiên, giao dịch hoán đổi chứng chỉ quỹ ETF tại sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) ghi nhận giá trị chỉ ở mức 600 triệu USD cho cả năm 2021, và hiện mới ở mức 275 triệu USD kể từ đầu năm đến nay – còn xa mới tới mức 0,5% tổng giá trị giao dịch của cả thị trường.

Ngoài vấn đề về giới hạn sở hữu nước ngoài, trong nhận định mới nhất, HSBC đánh giá: “Khi nhắc tới tăng trưởng và lợi nhuận thì Việt Nam đã và đang trên đà thắng lợi”.

Thật vậy, trong vòng 10 năm qua, chứng khoán Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng vượt trội so với tất cả thị trường lớn trong khu vực, với quy mô thị trường tăng gần gấp bốn lần so với lúc khởi điểm năm 2012. Giá trị giao dịch gần đây vượt ngưỡng 1 tỷ USD/ngày.

Năm 2021, giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán vượt ngưỡng 350 tỷ USD, tương đương hơn 120% GDP của Việt Nam.

Tính đến năm nay, mặc dù đã giảm 10%, Việt Nam vẫn nhỉnh hơn một chút so với các thị trường khác. Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng kém sôi động của thị trường này không chỉ do lãi suất trái phiếu USD cao hơn và lệnh phong tỏa ở Trung Quốc, mà còn bởi một loạt các vụ bắt giữ đối với một số doanh nghiệp lớn gây ra tác động tiêu cực lên tâm lý thị trường.

HSBC: Giới hạn sở hữu nước ngoài không còn là hạn chế 1
Trong 10 năm qua, cổ phiếu của của Việt Nam đã vượt qua các nước châu Á (không tính Nhật Bản), chỉ trừ năm 2019 và 2020.

Chứng khoán Việt Nam cũng ghi nhận những thay đổi lớn về cơ cấu thời gian qua, như nhóm thống trị chuyển từ tiêu dùng sang các mã tài chính và bất động sản trong giai đoạn từ 2015 đến nay, hay thị trường không còn tập trung xung quanh một vài cổ phiếu lớn.

Đáng chú ý, những nhà đầu tư thúc đẩy sự phát triển của thị trường lại là nhóm trong nước. Thị trường chứng khoán chứng kiến sự tham gia ồ ạt của nhà đầu tư cá nhân với số lượng tài khoản cá nhân tăng hơn hai lần trong trong giai đoạn tháng 12/2018 và năm 2021. Các nhà đầu tư trong nước chiếm tới 87% tổng giao dịch trên thị trường.

Vững vàng trong tương lai

Việt Nam sở hữu các động lực kinh tế nội tại vững vàng thúc đẩy thị trường chứng khoán trong thời gian tới, đơn cử như hoạt động xuất khẩu sôi động, đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ.

Việt Nam còn sở hữu lực lượng lao động trẻ và có trình độ, dịch chuyển nhiều tới các thành phố để tìm việc làm, cùng thị trường tiêu dùng lớn, hấp dẫn trong lĩnh vực tài chính và công nghệ tài chính.

Không chỉ vậy, Việt Nam vốn là một nền kinh tế chủ yếu dùng tiền mặt với phần lớn dân số chưa tham gia hệ thống ngân hàng. Tổng cộng 52 triệu người từ 15 tuổi trở lên chưa có tài khoản ngân hàng.

Các ngân hàng của Việt Nam từng gặp vấn đề vì nợ xấu nhưng nhờ tăng trưởng và khả năng sinh lời mạnh mẽ, cân đối tài chính đã tốt hơn so với một thập kỷ trước đây. Tỷ lệ nợ xấu bình quân trong tổng dư nợ của Việt nam hiện đang ở mức khoảng 1,7%, đã giảm từ mức 5% của năm 2012.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang nỗ lực cải tổ thị trường chứng khoán, và tiệm cận hơn với những tiêu chuẩn quốc tế.

Tháng 9/2018, FTSE đưa Việt Nam vào danh sách xem xét khả năng nâng hạng lên thị trường mới nổi, dự kiến vào tháng 9/2022. Việt Nam vẫn chưa được MSCI đưa vào danh sách xem xét, tuy nhiên nếu thực hiện các cải cách được yêu cầu, thì Việt Nam có thể đáp ứng những tiêu chí cần thiết trước tháng 5/2023 (trước đợt xem xét mới).

Việc lọt vào danh sách xem xét của MSCI có thể dẫn đến nguồn vốn đổ vào thị trường sẽ gia tăng. Tuy nhiên, hiện nay, các quỹ đầu tư nước ngoài cũng đã tiếp cận khá nhiều cổ phiếu của Việt Nam. 

Để được MSCI và FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi, Việt Nam phải giải quyết các vấn đề chính là giới hạn sở hữu nước ngoài, thiếu thông tin công bố bằng tiếng Anh, chưa có thị trường nội tệ ở nước ngoài.

Ngoài ra, còn nhiều hạn chế trên thị trường nội tệ trong nước, như đăng ký tài khoản bắt buộc, ký quỹ khi giao dịch và hạn chế trong chuyển quyền sở hữu ngoài hệ thống giao dịch.

Các vấn đề này sẽ được xem xét khi Việt Nam thông qua các luật mới về chứng khoán, đầu tư và doanh nghiệp, dù tiến độ còn từ từ.

Luật Chứng khoán 2019, có hiệu lực từ năm 2021, có một số điểm mới, trong đó bao gồm một hệ thống thanh toán - bù trừ giao dịch dưới mô hình Đối tác bù trừ trung tâm (Central Counter Party – CCP), và Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (Non-voting Depositary Receipt - NVDR).

NVDR cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm tình hình của những mã cổ phiếu đã hết room sở hữu nước ngoài mà không cần tham gia vào việc ra các quyết định của doanh nghiệp.

Hệ thống giao dịch mới KRX sắp tới được kỳ vọng sẽ cải thiện giao dịch, tiếp cận thông tin, và triển khai một loại các sản phẩm mới như giao dịch trong ngày và NVDR, cũng như hỗ trợ giao dịch và thanh toán hiệu quả. Điểm mấu chốt là nhà đầu tư sẽ không cần phải ký quỹ trước giao dịch khi mua chứng khoán.