IKEA và cuộc chiến chống lại trò chơi kinh dị của sudio Ziggy

Hường Hoàng - 13:02, 19/12/2022

TheLEADERThời gian gần đây, có thông tin cho rằng IKEA, một công ty nội thất nổi tiếng toàn cầu, đã gửi thư cảnh cáo hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (cease and desist letter) cho studio trò chơi Ziggy, sau khi công ty này công bố phát hành trò chơi điện tử có tên “Cửa hàng đóng cửa”.

Đây là một trò chơi điện tử kinh dị sinh tồn đang trong quá trình phát triển. Theo đó, trò chơi lấy bối cảnh một của hàng nội thất giống IKEA, có tên là “STYR”. Trong trò chơi, người tham gia sẽ khám phá, chế tạo vũ khí, xây dựng công sự và cố gắng sống sót trong cửa hàng.

Mặc dù trò chơi điện tử này chưa được phát hành, IKEA đã phát hiện ra rằng studio Ziggy đang xin tài trợ thông qua một chiến dịch gây quỹ trên nền tảng Kickstarter. Tổng cộng Ziggy đã huy động được hàng chục nghìn đô la trong một khoảng thời gian ngắn.

Ngay từ khi phát hiện ra, IKEA đã ngay lập tức gửi thư cảnh cáo và yêu cầu studio thực hiện một số thay đổi nhất định, bởi trong trò chơi có bối cảnh là “một cửa hàng với biển hiệu màu vàng và xanh lam với cái tên được viết theo lối Bắc Âu được viết trên nền tòa nhà hình hộp màu xanh lam, và những nhân viên bên trong mặc áo sơ mi có sọc dọc màu vàng giống hệt với nhân viên IKEA mặc, lối đi màu xám trên sàn nhà, đồ nội thất trông giống đồ nội thất IKEA và biển chỉ dẫn sản phẩm trông giống biển báo IKEA. Tất cả những điều trên khiến cho nhiều người liên tưởng rằng trò chơi này đã diễn ra trong một cửa hàng IKEA”.

IKEA và cuộc chiến chống lại trò chơi kinh dị của sudio Ziggy
Một cảnh trong trò chơi kinh dị "The store is closed" (Ảnh: Kickstarter)

Ziggy tự nguyện thực hiện những điều trong thư cảnh báo, tuy nhiên studio game cho rằng họ không nhận thức được rằng họ đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của IKEA khi thiết kế cửa hàng nội thất. Ziggy cho biết khi thiết kế trò chơi, họ không hề nghĩ đến cửa hàng nội thất IKEA khi thiết kế và thậm chí họ còn “mua các gói tài sản nội thất đã hết quyền sở hữu trí tuệ (generic furniture) để tạo trò chơi này”. Ziggy cho rằng họ chưa bao giờ đề cập đến Ikea, mà mối liên kết giữa cửa hàng nội thất trong trò chơi và IKEA là do người hâm mộ và báo chí nhận ra.

Quyền sở hữu trí tuệ

Thư cảnh báo của IKEA được viết dựa trên quyền sở hữu trí tuệ của hãng. Không giống như những vụ tranh chấp về bản quyền của các trò chơi điện tử khác, IKEA đã đưa ra những yêu cầu này viện dẫn Đạo luật Thương hiệu Hoa Kỳ, với quy định rằng bất kỳ một cá nhân, tổ chức nào sử dụng trái phép nhãn hiệu hoặc “bao bì thương mại” nào của doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại liên quan đến hành vi vi phạm đó.

Nhãn hiệu là dấu hiệu để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của công ty này với hàng hóa, dịch vụ của công ty khác, là chỉ báo về nguồn gốc kinh doanh, nhãn hiệu có thể là từ ngữ, logo, thiết bị hoặc các tính năng phân biệt khác hoặc là sự kết hợp của những yếu tố này, nên phản ứng của IKEA trong trường hợp này không phải là một hành động phi logic.

Trong trường hợp này, IKEA là một doanh nghiệp thường xuyên sử dụng và được biết đến là một hãng nội thất với “bảng hiệu màu xanh và màu vàng, viết tên theo phong cách Bắc Âu trên một tòa nhà giống như chiếc hộp màu xanh lam”.

Điều mà IKEA quan tâm đó là trò chơi đã sử dụng trái phép nhãn hiệu và bao bì thương mại của Ziggy sẽ có ảnh hưởng như thế nào đối với mối quan hệ giữa IKEA và khách hàng. Từ góc độ thương hiệu, ý định của Ziggy là gì không quan trọng. Điều quan trọng là công chúng sẽ nhìn nhận IKEA như thế nào sau khi mối liên hệ giữa hai bên đã được xác lập bởi báo chí.

Mặc dù nhiều người nghĩ rằng IKEA nên lấy làm hãnh diện khi có một bên thứ ba lấy họ làm nguồn cảm hứng để tạo ra sản phẩm, tuy nhiên IKEA có lý do chính đáng để ngăn chặn những bên khác sử dụng nhãn hiệu của hãng một cách trái phép.

Cụ thể, khi “lấy cảm hứng” từ IKEA hoặc các nhãn hiệu nổi tiếng khác, các bên thứ ba không chỉ giành được lợi thế cạnh tranh không công bằng, mà còn có thể vi phạm/hoặc làm mất nhãn hiệu của chính các nhãn hiệu nổi tiếng đó. Nếu IKEA không hành động khi các nhãn hiệu của hãng bị lạm dụng, những quyền về nhãn hiệu của hãng có thể bị giảm bớt hoặc mất hoàn toàn.

Điểm mấu chốt

Mặc dù hoạt động bảo hộ nhãn hiệu giữa các quốc gia (đặc biệt là trong việc bảo hộ những dấu hiệu chưa đăng ký) sẽ có một số điểm khác biệt nhất định, tuy nhiên hầu hết các nguyên tắc chung thường giống nhau. Do đó, dù ở đâu, các nhà phát triển trò chơi phải cẩn thận khi lấy cảm hứng từ những đối tượng, thương hiệu trong thế giới thực. Đó đơn giản chỉ là một trò chơi cho đến khi bạn nhận được thư cảnh cáo.

Rõ ràng, sở hữu trí tuệ không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với các sản phẩm vật lý trong thế giới thực, mà còn là một công cụ hiệu quả chống lại những hành vi vi phạm trong thế giới kỹ thuật số. Rõ ràng, chủ sở hữu nhãn hiệu có nghĩa vụ pháp lý phải bảo vệ chúng, nếu không họ có thể sẽ đánh mất nhãn hiệu của mình hoặc nhãn hiệu của họ sẽ bị coi là nhãn hiệu chung (generic trademark). Đó là một trong những lí do chính khiến IKEA thực hiện những động thái trên.