IMF kêu gọi lãnh đạo G20 tránh đưa ra chính sách thiển cận

Nguyễn Lê - 00:00, 19/07/2017

TheLEADERQuỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm thứ Tư đã kêu gọi các nhà lãnh đạo của nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới tránh đưa ra các chính sách "thiển cận", chỉ quan tâm đến lợi ích của quốc gia mình mà nên hợp tác với nhau để giải quyết những bất đồng về kinh tế và thương mại.

IMF kêu gọi lãnh đạo G20 tránh đưa ra chính sách thiển cận
Cảnh sát Đức trước hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức, ngày 5/7/2017. Ảnh: bilder.bild.de

Trong một thông điệp ngắn gọn trước Hội nghị thượng đỉnh G20 đầu tiên của Tổng thống Donald Trump ở Hamburg, Đức vào cuối tuần này, IMF cho biết trong một bản thông báo kinh tế cho các nhà lãnh đạo rằng, một hệ thống thương mại mở dựa trên luật lệ là điều quan trọng cho sự thịnh vượng của thế giới.

IMF cho biết: "Việc theo đuổi chính sách "một mất một được" (zero-sum) sẽ làm tổn thương tất cả các nước, như lịch sử đã cho thấy. Vì các chính sách quốc gia không tránh khỏi tác động qua lại trong một số lĩnh vực quan trọng, tạo ra những tác động lan tỏa mạnh mẽ giữa các quốc gia". 

"Nền kinh tế thế giới sẽ hoạt động tốt hơn khi các nhà hoạch định chính sách tham gia vào cuộc đối thoại thường xuyên và đưa ra các cơ chế thống nhất để giải quyết bất đồng"

IMF

Cơ chế của IMF đối với việc duy trì hợp tác đa phương diễn ra khi chính quyền tổng thống Trump đang cân nhắc động thái áp đặt thuế hoặc hạn ngạch mới với sản xuất thép dựa trên nền tảng an ninh quốc gia, đây là hành động chưa có tiền lệ kể từ khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được thành lập vào năm 1995.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ dự kiến sẽ chờ cho đến khi Hội nghị thượng đỉnh G20 kết thúc để đưa ra báo cáo của bộ này về ảnh hưởng của ngành công nghiệp thép đến an ninh quốc gia, trong nỗ lực thuyết phục Trung Quốc và các quốc gia khác cắt giảm lượng cung đang dư thừa trong ngành này. Bộ này cũng đang nghiên cứu về ngành nhôm ở Hoa Kỳ, đồng thời viện dẫn các điều khoản của luật thương mại năm 1962 của nước này.

IMF cũng cho biết, mặc dù sự phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn đang đi đúng hướng, với tốc độ tăng trưởng trong năm nay và năm tới dự kiến trong khoảng 3,5%, tuy nhiên với điều kiện không có sự gián đoạn thương mại lớn nào xảy ra.