JICA: Nỗ lực nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp Việt Nam

Hương Giang - 09:34, 17/10/2022

TheLEADERSau Hàn Quốc, Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ hai trong 5 nền kinh tế lớn nhất tại Châu Á đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình đó, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết, quá trình triển khai các dự án hợp tác tại Việt Nam vẫn có những khó khăn nhất định.

JICA: Nỗ lực nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp Việt Nam
Ông Shimuzu Akira, Trưởng đại diện JICA Việt Nam, phát biểu trong họp báo giữa kỳ của JICA Việt Nam

Nỗ lực hỗ trợ Việt Nam tăng tỷ lệ nội địa hóa

Trong lĩnh vực công nghiệp, tầm quan trọng và đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu tăng mạnh kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Trước đây, các chuỗi cung ứng được hình thành tập trung ở một vài quốc gia chủ lực, nhưng hiện có xu hướng mở rộng ra nhiều nơi khác nhau.

Xu hướng này cũng xuất hiện ngay trong phạm vi Nhật Bản, và Việt Nam cũng đang trở thành một điểm đến triển vọng trong xu hướng mở rộng này, bởi Việt Nam là một trong những quốc gia có triển vọng trong mở rộng chuỗi cung ứng. Hiện tại, Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ hai trong 5 nền kinh tế lớn nhất tại Châu Á đầu tư vào Việt Nam, sau Hàn Quốc.

Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam hầu như không thay đổi nhiều so với khoảng 10 năm trước đây. Ví dụ: tỷ lệ nội địa hóa ở Trung Quốc là khoảng 60%, ở Thái Lan là gần 50%, còn ở Việt Nam tỷ lệ này chỉ trên dưới 30%, hầu như không thay đổi trong 10 năm trở lại đây. Nhận biết được tình hình đó, JICA hiện đang nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam.

Cụ thể là JICA hiện đang triển khai dự án cung cấp hướng dẫn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản, thông qua đó, tiếp nhận nhu cầu của các doanh nghiệp này và tìm kiếm các doanh nghiệp phù hợp, đồng thời hỗ trợ bổ sung về kỹ thuật các điểm còn thiếu sót. Việc hướng dẫn này sẽ do chuyên gia Nhật Bản đảm nhiệm.

Cùng với dự án trên, trong lĩnh vực đào tạo lao động có tay nghề (công nhân lành nghề), JICA đang lên kế hoạch cùng với Chính phủ Việt Nam xây dựng dự án vốn vay ODA hỗ trợ 13 trường đào tạo nghề. Nếu các thủ tục được hoàn tất và dự án được triển khai, JICA kỳ vọng công tác đào tạo lao động trẻ có tay nghề cao trong thời gian tới sẽ có những phát triển nhất định.

Một trong những đặc điểm trong các hợp tác của JICA là các chuyên gia Nhật Bản sẽ có mặt để hỗ trợ trong thời gian đầu, tuy nhiên, mục tiêu mà JICA luôn mong muốn hướng đến trong các hợp tác đó là cuối cùng chính người Việt Nam có thể truyền tải tri thức cho người Việt Nam.

Quá trình hợp tác còn nhiều khó khăn

Trong Covid-19, nhiều công trình công cộng tại Việt Nam bị đình trệ, các dự án của JICA trong đó có công trình tuyến đường sắt đô thị TP. HCM tuyến số 1 cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến các hoạt động đi lại trong nước cũng như xuất nhập cảnh bị hạn chế.

Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, hàng năm JICA có thể phái cử hàng chục chuyên gia sang Việt Nam công tác, đào tạo khoảng 300 học viên Việt Nam tại Nhật Bản, tuy nhiên trong thời gian dịch COVID-19, tất cả các hoạt động này đều phải thực hiện trực tuyến, 40 tình nguyện viên (TNV) JICA hoạt động tại Việt Nam đã phải quay về Nhật Bản vào thời gian đó.

Tuy vậy, JICA đã nỗ lực giảm thiểu tối đa các ảnh hưởng này đến hoạt động, khôi phục nhanh chóng hoạt động của các dự án nhằm hỗ trợ Việt Nam phục hồi sau đại dịch trong thời gian sớm nhất có thể, nhanh chóng triển khai việc phái cử lại tình nguyện viên.

Theo đó, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới mà JICA phái cử tình nguyện viên trở lại sau dịch COVID-19. Hiện nay, cùng với chính sách “sống chung với COVID-19” của Việt Nam, các hoạt động của JICA đã trở lại bình thường như trước khi dịch COVID-19 bùng phát.

Ngoài ra, ông Shimuzu Akira, Trưởng đại diện JICA Việt Nam cho biết, trong quá trình triển khai hợp tác tại Việt Nam nói chung, JICA còn gặp phải nhiều khó khăn, nhất là trong vấn đề thủ tục. Cụ thể, nhiều dự án bị đình trệ, giải ngân chậm trễ do sự phức tạp và chồng chéo trong các thủ tục theo nghị định, quy định của Việt Nam, nhiều dự án cần phải đợi lãnh đạo cấp cao phê duyệt đối với những thay đổi rất nhỏ trong dự án…

Đầu tư công đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam trong tương lai, vì vậy, JICA Việt Nam hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ có những quyết sách mới để thúc đẩy hoàn thành chắc chắn và hiệu quả các dự án đang triển khai, đồng thời hình thành các dự án mới phù hợp với chủ trương của Việt Nam.