Kết quả kinh doanh tươi sáng của doanh nghiệp cảng biển

Trần Anh - 14:06, 26/10/2021

TheLEADERDù hoạt động cảng biển, đặc biệt là tại TP.HCM, chịu ảnh hưởng trong đợt dịch Covid-19 gần đây, triển vọng của các công ty cảng biển vẫn tươi sáng khi nhu cầu vận tải biển trở lại chu kỳ tăng trưởng với nguồn cung container khan hiếm.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Container Việt Nam (Viconship) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2021 ấn tượng với lợi nhuận trước thuế đạt xấp xỉ 150 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt 358 tỷ đồng tăng gần 50% so với cùng ký năm ngoái.

Dù hoạt động cảng biển ở các tỉnh miền Nam, đặc biệt là khu vực TP.HCM chịu ảnh hưởng trong đợt dịch Covid-19 gần đây, 2 cảng chính của Viconship là Green Port và VIP Green Port ước tính vẫn tăng trưởng sản lượng 14% trong quý 3/2021.

Tăng trưởng sản lượng duy trì ở mức cao một phần là nhờ Viconship đã chuyển chiến lược để giữ tàu cập các cảng chính và hạn chế chuyển ra cảng ngoài. Đây là một trong những lý do chính giúp Viconship cải thiện được biên lợi nhuận. Cụ thể, biên lợi nhuận trước thuế cải thiện đáng kể lên 31,5% trong quý 3/2021, so với mức 20,1% trong quý 3/2020.

Công ty Vận tải biển Việt Nam (Vosco) cũng công bố lợi nhuận quý 3 tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ. Cụ thể, trong quý 3 doanh thu thuần đạt 384 tỷ đồng, tăng 31,2%, lãi sau thuế đạt gần 186 tỷ đồng, tăng đột biến so với số lỗ 21 tỷ đồng ghi nhận trong quý 3/2020.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, Vosco lãi sau thuế hơn 408 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch đặt ra cho cả năm. Giải trình về kết quả kinh doanh tích cực, Vosco cho biết đội tàu của công ty hoạt động ổn định và hiệu quả, tận dụng cơ hội để tăng doanh thu và cải thiện kết quả kinh doanh. Bên cạnh đó công ty đang triển khai tái cơ cấu toàn diện, bao gồm tái cơ cấu tài chính, tổ chức và đội tàu nên đã cải thiện được kết quả kinh doanh chung.

Tương tự, Công ty Đầu tư và phát triển Cảng Đình Vũ cũng công bố báo cáo tài chính quý 3/2021 với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ.

Cụ thể, doanh thu thuần quý 3 đạt 156,6 tỷ đồng, tăng 10,6% so với quý 3 năm ngoái. Công ty cũng ghi nhận doanh thu tài chính đạt hơn 38,2 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ nhờ khoản cổ tức từ Công ty TNHH Tiếp vận SITC – Đình Vũ.

Khấu trừ các khoản chi phí và thuế, quý 3/2021 Cảng Đình Vũ lãi ròng 85,5 tỷ đồng, tăng gần 65% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 lợi nhuận sau thuế đạt 218,5 tỷ đồng, tăng hơn 14%.

Triển vọng của các công ty cảng biển trở nên tươi sáng khi nhu cầu vận tải biển trở lại chu kỳ tăng trưởng với nguồn cung khan hiếm. Nhóm phân tích SSI Research dự báo, lợi nhuận thuần sau cổ đông thiểu số quý 3/2021 của Công ty Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Hải An) có thể đạt 80 tỷ đồng, tăng tới 250% so với cùng kỳ.

Mặc dù sản lượng vận chuyển chịu ảnh hưởng nhẹ do giãn cách xã hội và sản xuất ở mức thấp, tăng trưởng cao có thể đến từ thị phần tăng, giá cước vận chuyển tăng và doanh thu tăng đáng kể từ cho thuê tàu.

SSI Researh nhận định, Hải An hưởng lợi từ chu kỳ đi lên của ngành vận tải, cùng với giá cước tăng và giá cho thuê tàu tăng. Hiện Hải An cũng đã khóa giá cước hợp đồng cho thuê tàu ở mức cao, giúp không còn lo ngại giá cước giảm trong 2 năm tới. Ứớc tính, lợi nhuận sau thuế của cổ đông thiểu số tăng 139% so với cùng kỳ trong năm 2021 và tăng 71% năm 2022.

Trước đó, trong tháng 9, HĐQT Công ty Hải An đã thông qua nghị quyết đóng mới 2 tàu và mua lại 2 tàu container. Mới đây, công ty đã công bố bảng giá cước vận tải mới tăng 36% so với quý 3 và tăng trung bình 46% so với đầu năm.

Nguyên nhân tăng giá cước của công ty là do nhu cầu vận tải container tăng mạnh trở lại trong quý 4/2021 khi hoạt động sản xuất dần trở lại sau các đợt giãn cách xã hội do Covid-19, trong khi nguồn cung trong nước khan hiếm do nhiều tàu container trong nước đã được cho thuê ra thị trường quốc tế trong năm nay.

Kết quả kinh doanh tươi sáng của doanh nghiệp cảng biển
Doanh nghiệp cảng biển có kết quả kinh doanh tươi sáng trong năm 2021

Một doanh nghiệp cảng biến lớn khác là Công ty Gemadept cũng dự báo lợi nhuận quý 3/2021 vẫn tăng hơn 20% so với cùng kỳ. Mặc dù sản lượng qua cảng giảm chung, khu vực Cái Mép lại duy trì tăng trưởng tích cực và sản lượng qua cảng Gemalink tăng đúng tiến độ. Cảng Hải Phòng cũng cung cấp dịch vụ mới, giúp bù đắp cho mức giảm một số cảng tại khu vực phía Nam.

Sản lượng qua cảng năm 2021 của Gemadept được hỗ trợ bởi hoạt động thương mại toàn cầu của Việt Nam phát triển mạnh, cùng với đó là cảng nước sâu mới Gemalink đi vào hoạt động.

Với giá định kinh tế phục hồi tốt trong quý 4/2021, các công ty phân tích dự báo sản lượng của Gemadept sẽ duy trì mức tăng trưởng mạnh mức 70% năm nay và 25% năm 2022.

Cụ thể hơn, cảng Gemalink đã tăng sản lượng nhanh chóng và triển vọng sẽ có thể chạy hết công suất và có lãi từ quý 4/2021. Sản lượng ước tính đạt 900 nghìn đến 1 triệu TEU cho năm 2021, giúp cảng Gemalink có lãi ngay trong năm đầu và đóng góp mức tăng thêm 50% vào tổng sản lượng hệ thống cảng của GMD. Dự kiến Gemalink có thể đạt công suất tối đa trong năm 2022 nhờ nhu cầu hàng hóa tăng mạnh mẽ ở khu vực Cái Mép.