Khi rác nhập ngoại nhiều gấp 4 lần rác nội cho ngành tái chế

Phạm Sơn - 06:59, 27/04/2022

TheLEADERCông cụ trách nhiệm thu gom, tái chế bắt buộc được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề đầu vào cho ngành tái chế, trong bối cảnh luồng rác thải nhập khẩu đang bị siết chặt.

Khi rác nhập ngoại nhiều gấp 4 lần rác nội cho ngành tái chế
Rác nhập khẩu được xử lý thuận lợi hơn cho tái chế.

Từng là điểm đến ưa thích của dòng phế liệu xuyên quốc gia, việc Trung Quốc hạn chế nhập khẩu nhựa đã đã làm đảo lộn luồng di chuyển phế thải toàn cầu. Các hãng tàu lớn như Maersk, MSC… đã ngừng nhận các chuyến hàng rác thải nhựa tới Trung Quốc kể từ năm 2020.

Mới đây, hãng tàu đến từ Pháp CMA CGM đã tuyên bố từ chối tất cả các chuyến hàng vận chuyển rác thải nhựa đến bất kỳ đâu trên thế giới. Lý giải cho động thái này, công ty cho biết việc vận chuyển rác nhựa không còn có giá trị kinh tế khi những “cường quốc nhập khẩu rác”, bao gồm cả Việt Nam, đang có những chính sách hạn chế nhập khẩu mặt hàng này.

Trước đó, một số lượng lớn container vận chuyển rác thải nhựa đã bị chặn và bắt buộc phải quay về điểm xuất phát khi đang trên đường cập cảng Việt Nam. Được biết, Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu về nhập khẩu rác, “sánh vai” cùng các nước khác trong khu vực như Indonesia, Malaysia…

Điều này tạo ra nghịch lý, khi dù thải ra lượng lớn rác nhựa, Việt Nam vẫn chi hàng tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu rác thải nhựa làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp tái chế.

Lý giải cho điều này, trao đổi với TheLEADER, một lãnh đạo ngành tái chế cho biết, rác thải nhập khẩu được xử lý, phân loại, đóng thành từng khối lớn, rất dễ để đưa vào dây chuyền quy mô lớn.

Trong khi đó, rác thải nhựa ở Việt Nam vẫn còn tương đối tạp nham, không được phân loại kỹ, dính đủ loại tạp chất, chỉ phù hợp để tái chế ở quy mô nhỏ, tự phát. Đây còn là nguồn cơn của biết bao chuyện buồn ngành tái chế, khi bị lên án về chất lượng sản phẩm, về việc xả thải ra môi trường…

Đâu là giải pháp?

Thực tế, sau khi các quốc gia thành viên đồng thuận việc sửa đổi Công ước Basel về vận chuyển chất thải nguy hại năm 1989, việc buôn bán rác thải nhựa xuyên quốc gia đã được kiểm soát vô cùng gắt gao.

Điều này là cần thiết để bảo vệ các quốc gia đang phát triển khỏi cuộc khủng hoảng rác thải nhựa vốn đang ngày càng nghiêm trọng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là ngành tái chế sẽ đi về đâu, khi rác nhập khẩu chiếm khoảng 80% đầu vào của ngành này.

Công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nút thắt này. EPR yêu cầu các doanh nghiệp phải có trách nhiệm thu gom, tái chế hoặc đóng phí tái chế bắt buộc đối với một số loại rác thải phát sinh từ sản phẩm của doanh nghiệp. Các sản phẩm nằm trong danh sách thực thi EPR bao gồm bao bì; săm lốp; ô tô, xe máy; pin và ắc quy…

Công cụ EPR mang hàm ý bắt buộc doanh nghiệp thay đổi thiết kế sản phẩm theo hướng dễ thu gom, tái chế; thiết lập các cơ sở phục vụ hoạt động thu gom, tái chế cũng như bổ sung nguồn vốn cho các hoạt động này.

Song song với đó, các quy định như phân loại rác bắt buộc tại hộ gia đình, thu phí rác thải theo khối lượng… trong luật mới cũng hướng tới việc tạo ra nguồn “rác thải sạch” làm đầu vào cho ngành tái chế.

Một số doanh nghiệp đã và đang có những bước chuẩn bị tương đối bài bản cho việc thực thi công cụ này, có thể kể đến nhóm thành viên Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) như Coca Cola, Mondelez Kinh Đô… Đây là nhóm doanh nghiệp phải thực thi EPR sớm nhất, kể từ năm 2024.

Một số thành viên của PRO Việt Nam là Nhựa Duy Tân và Tetra Pak cũng rót hàng tỷ USD vào ngành tái chế, cho thấy những tiềm năng hiện hữu của ngành công nghiệp này.

Động lực để doanh nghiệp tuân thủ, thậm chí là thực hiện vượt cả những quy định pháp luật đến từ phía áp lực của xu thế tiêu dùng bền vững. Người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi sản phẩm, dịch vụ họ sử dụng không chỉ có chất lượng và giá cả mà còn phải có trách nhiệm.