Không dễ giảm nhiệt đà tăng của giá xăng dầu

An Chi - 10:15, 13/03/2022

TheLEADERTheo nhiều chuyên gia, trong bối canh giá xăng dầu trên thế giới liên tục tăng cao, nếu chỉ sử dụng các giải pháp như hiện nay là không đủ để giảm giá xăng dầu trong nước.

Nền kinh tế thế giới hồi phục nhanh trong khi sản lượng dầu tăng thêm không đủ để bù đắp cho nguồn cầu dầu đã khiến giá dầu thế giới liên tục tăng mạnh trong năm 2021. Sang đầu năm 2022, chiến sự giữa Nga và Ukraina càng khiến giá dầu tăng đột biến.

Tình hình trong nước, giá xăng dầu cũng liên tục tăng cao. So với cuối tháng 12 năm ngoái, mỗi lít xăng RON95 đã đắt thêm 7.020 đồng; E5 RON92 là 6.900 đồng, dầu diesel cao hơn 7.930 đồng; dầu hoả tăng 7.590 đồng và dầu mazut thêm 5.240 đồng. Với đà tăng này, giá xăng dầu đã tiến sát mốc 30.000 đồng/lít, cao nhất từ trước tới nay.

Cụ thể, giá xăng E5RON92 tối đa ở mức 28.985 đồng/lít; RON95-III ở mức 29.824 đồng/lít. Giá dầu diesel ở mức 25.268 đồng/lít, dầu hoả 23.918 đồng/lít, dầu mazut ở mức 20.987 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Bá Khang, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính quốc gia thuộc Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, việc giá xăng dầu trong nước tăng mạnh đang để lại nhiều hậu quả vô cùng lớn đối với nền kinh tế và an sinh xã hội.

Giá dầu tăng quá nhanh có thể sẽ "che lấp" những tác động tích cực của gói hỗ trợ về VAT cho một số mặt hàng dịch vụ. Giá dầu cũng là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng lạm phát trong hai tháng đầu năm.

Theo tính toán, giá xăng dầu giảm 1.000 đồng sẽ khiến ngân sách sẽ hụt thu khoảng 12.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu giá xăng tăng 10% sẽ có tác động trực tiếp làm lạm phát tăng khoảng 0,36%. Nếu giá xăng giảm 5% thì sẽ khiến lp giảm 0,6-0,7%.

Khẳng định giá xăng dầu trong thời gian tới sẽ còn tăng cao, do nhu cầu tăng cao sau đại dich, trong khi trữ lượng không tăng bởi thời gian qua thế giới không đầu tư vào thượng nguồn để khai thác dầu mỏ, sản lượng khai thác gần như đang ở mức cao nhất, ông Khang cho rằng, việc kiểm soát đà tăng của giá xăng dầu trong nước là hết sức cần thiết.

Việc điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường trong giá xăng dầu cần được nghiên, đánh giá kĩ hơn và đề xuất giảm mạnh hơn nữa để giúp giảm giá thành.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Xuân Định, Phó trưởng Phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), việc sử dụng quỹ bình ổn giá là công cụ hữu hiệu cho công tác điều hành giá xăng dầu trong nước. Trong thời gian qua, Chính phủ đã sử dụng quỹ này nhằm bình ổn giá xăng dầu. Đây là một trong những công cụ tốt trong quản lý điều hành nhằm ứng phó với các tình huống biến động lớn.

Mặt khác, giải pháp căn cơ hiện nay vẫn là phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu, không để thiếu hụt trong mọi tình huống. Đồng thời, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng tích trữ, tăng cường công tác điều tra giám sát để ổn định và góp phần bình ổn lạm phát trong năm 2022.

Bình luận thêm về giải pháp sử dụng quỹ bình ổn giá để ổn định giá xăng dầu, ông Nguyễn Bích Lâm, chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, thời gian qua hai bộ đã sử dụng rất tốt quỹ bình ổn. Tuy nhiên, trong bối canh giá xăng đang tăng cao, giải pháp này là không đủ để giảm giá xăng dầu trong nước, nên chăng, Chính phủ cần xem xét thêm các giải pháp khác. 

Xăng dầu có vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế, sử dụng trong hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh. Trong đó, có những ngành phần lớn sử dụng nguyên liệu là xăng dầu, như khai thác thủy sản, vận tài, khai thác than... 

"So với giá xăng dầu của một số nước thì giá xăng dầu của Việt Nam không cao bằng, tuy nhiên, khó có thể so sánh giá của nước ta với các nước khác. Bởi vấn đề là giá xăng dầu của Việt Nam phù hợp thế nào với tình hình kinh tế cụ thể trong nước để vừa có lợi cho Chính phủ, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, vừa có lợi cho người tiêu dùng cũng như cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, ông Lâm nhấn mạnh.

Để giảm giá xăng dầu trong bối cảnh hiện nay là rất khó, ông Lâm nhận định và cho rằng, Chính phủ cần có thêm các giải pháp để làm giá xăng dầu trong nước tăng nhưng không tăng quá cao như thế giới, tránh gây tổn hại cho nền kinh tế.

Vừa qua Bộ Tài chính đã đề xuất giảm mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít.bên cạnh đó có thể tính toán thêm việc giảm các thuế, phí...

Tuy nhiên, giải pháp này là không đủ để giảm nhiệt đà tăng của giá xăng dầu trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cao. Chính vì vậy, ông Lâm đề xuất Chính phủ cần có thêm các giải pháp giảm thuế, phí đối với mặt hàng này. 

Theo đó, các bộ, ngành cần chủ động hơn, trách nhiệm hơn phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành liên quan để xây dựng kịp thời các kế hoạch, giải pháp đúng, tốt, phù hợp với bối cảnh và tình hình kinh tế trong nước và quốc tế.

Các kế hoạch, giải pháp điều hành cần đánh giá và tính toán chính xác các tác động, hiệu quả. Các giải pháp cần đặt trong một tổng thể, dài hạn để đánh giá tác động, từ đó có giải pháp mạnh, như những đơn thuốc đủ liều thì mới giảm thiểu được tác hại và mang lại hiệu quả cao hơn cho nền kinh tế. Ví dụ về đề xuất giảm 1000 đồng đối với xăng và 500 đồng đối với dầu trong Thuế Môi trường.

Mặt khác, trước những biến động khó lường, tình hình kinh tế diễn biến nhanh, công tác điều hành cần kịp thời, đúng thời điểm, linh hoạt; khẩn trương triển khai thực hiện các kế hoạch, giải pháp vì giải pháp được thực hiện muộn vẫn là giải pháp nhưng đã không còn tác dụng với tình huống cấp bách hiện nay, vị chuyên gia này nhấn mạnh.