Khu công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam có mạng 5G

Nhật Hạ - 13:52, 15/01/2021

TheLEADERYên Phong I tại Bắc Ninh trở thành khu công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam có mạng 5G từ ngày 14/1, nhằm phục vụ sản xuất công nghiệp.

Khu công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam có mạng 5G
Lễ khai trương mạng 5G tại KCN Yên Phong I, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Cổng thông tin tỉnh Bắc Ninh.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Phan Tâm nhận định việc phủ sóng 5G tại khu công nghiệp Yên Phong I là một bước đi đúng đắn để thử nghiệm những tính năng đặc biệt của công nghệ 5G ứng dụng trong sản xuất công nghiệp nhằm nắm bắt kịp thời cơ hội.

Đồng thời thu hút đầu tư FDI thế hệ mới, các dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ xanh có tính lan tỏa, gắn với các hoạt động chuyển giao công nghệ; góp phần xây dựng hạ tầng số hiện đại, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của các doanh nghiệp, đặc biệt tạo dựng khu công nghiệp có hạ tầng tiên tiến, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo đó, Bắc Ninh là địa phương thứ ba trên cả nước có mạng 5G sau Hà Nội và TP.HCM. Trong thời gian thử nghiệm, khách hàng ở khu vực phủ sóng 5G tại Bắc Ninh được miễn phí data 5G với dung lượng không giới hạn.

Mạng 5G tại khu công nghiệp Yên Phong I do Viettel cung cấp. Việc phủ sóng 5G tại khu công nghiệp Yên Phong I sẽ tạo tiền đề cho việc phủ sóng 5G toàn bộ khu công nghiệp lớn tại Bắc Ninh, cũng như toàn quốc, để sẵn sàng hạ tầng cho các ứng dụng có độ trễ thấp, điều khiển tự động trong công nghiệp, đại diện của Viettel cho biết.

Từ cuối năm 2020, Viettel đã thử nghiệm thương mại dịch vụ 5G trên quy mô rộng tại Hà Nội và TP.HCM. Cụ thể, ba quận Hà Nội gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng; và một số khu vực ở TP.HCM gồm phố đi bộ Nguyễn Huệ, UBND thành phố, chợ Bến Thành và trung tâm thành phố mới Thủ Đức.

Ngoài Viettel, hai nhà mạng Vinaphone và Mobifone cũng đang thử nghiệm thương mại 5G. Theo đó, Vinaphone thử nghiệm tại các khu vực trung tâm Hà Nội và TP.HCM. Còn Mobifone cung cấp dịch vụ thử nghiệm tại quận 1, TP.HCM.

Bộ Thông tin và truyền thông đặt trọng tâm năm 2021 thúc đẩy hoàn tất thử nghiệm, đẩy nhanh thương mại hóa, quy hoạch, đấu giá và cấp phép băng tần triển khai 5G. Công nghệ này dự kiến được cấp phép để triển khai chính thức tại Việt Nam trong năm nay.

Được biết, mạng viễn thông 5G cung cấp băng thông kết nối gấp 50 lần mạng 2G, 3G, 4G cộng lại, có khả năng hỗ trợ tốc độ cao vượt trội, độ trễ cực thấp và mật độ kết nối khổng lồ sẽ thay đổi cơ bản cách thức vận hành của xã hội số trong tương lai, đặc biệt những ngành như công nghiệp công nghệ cao, y tế, giao thông, giáo dục…

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2020 của Bộ Thông tin và truyền thông ngày 12/1, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhận định: "Nếu lần này chúng ta cũng phát triển nhanh 5G được như 2G, thời cơ sẽ lại về tay chúng ta. 5G sẽ thay đổi toàn bộ, không đơn thuần là tốc độ". 

Theo tính toán của PwC, vào năm 2035, 5G sẽ tạo ra 13.200 tỷ USD giá trị kinh tế trên toàn cầu và 22,3 triệu việc làm trong chuỗi giá trị này.