Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, các bộ, ngành và địa phương cần xác định và ưu tiên đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với những lĩnh vực có tiềm năng thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp phụ trợ, những lĩnh vực Việt Nam chưa thể đáp ứng trong chuỗi cung ứng.
Sau hơn 2 năm đại dịch Covid-19, từng có nhiều thời điểm nền kinh tế Việt Nam phải đối diện với những thách thức chưa từng có. Trong bối cảnh đó, 90% doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam vẫn đạt hiệu quả kinh doanh, tình hình tài chính ở mức trung bình và cao, theo khảo sát do Bộ Kế hoạch và đầu tư cùng Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) phối hợp thực hiện.
Cũng theo khảo sát này, có đến 76% doanh nghiệp đánh giá trung bình và cao những chính sách hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh vượt qua giai đoạn khó khăn của Chính phủ, có thể kể đến như miễn giảm thuế, phí, bình ổn giá, hỗ trợ tiêm vaccine, hỗ trợ người lao động…
Có thể thấy, suốt gần 40 năm thực hiện đường lối mở cửa nền kinh tế, thu hút nhà đầu tư nước ngoài, cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đã trở thành một thành phần quan trọng của kinh tế Việt Nam. Bước ra từ những thời điểm khó khăn, niềm tin và sự đồng hành của doanh nghiệp FDI đối với tiềm năng phát triển của kinh tế Việt Nam được khắc họa rõ nét hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, thách thức chưa dừng lại. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nhiều khó khăn vẫn hiện hữu, với tính chất bất định, rủi ro, khó dự báo và chưa từng có tiền lệ. Đó là chi phí đầu vào tăng cao, thiếu hụt lao động cục bộ, cơ sở hạ tầng vẫn chưa đòng bộ cùng với hạn chế, vướng mắc trong công tác thực thi chính sách.
Đan xen với khó khăn và thách thức, nhiều cơ hội mới cũng xuất hiện. Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm đến hấp dẫn, an toàn, phù hợp với những nhà đầu tư quốc tế mong muốn đa dạng hóa và bền vững hóa chuỗi cung ứng.
Bối cảnh mới, tình thế mới đặt ra những yêu cầu mới trong thu hút FDI. Trao đổi với Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và đại diện cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng cho biết, chủ trương của Việt Nam là thu hút và hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường làm tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Cụ thể, Việt Nam ưu tiên các dự án FDI dựa trên 3 tiêu chí. Thứ nhất là dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển. Thứ hai là có sự lan tỏa, có cam kết hợp tác và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị. Thứ ba là thúc đẩy kinh tế số, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển bền vững của Việt Nam.
Để thực hiện định hướng trên, Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành và địa phương, trong ngắn hạn cần chủ động tiếp cận, nắm bắt, giải quyết vướng mắc cho nhà đầu tư, từ đó đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Giải quyết vướng mắc cho nhà đầu tư trên tinh thần trong phạm vi thì khẩn trương xử lý, ngoài phạm vi thì kịp thời báo cáo lên cấp có thẩm quyền để xử lý triệt để.
Đặc biệt, hỗ trợ doanh nghiệp tập trung vào giải quyết những khó khăn gây ra bởi đứt gãy chuỗi cung ứng, thông qua một số giải pháp như hỗ trợ mở rộng thị trường, đa dạng hóa đối tác, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Giải quyết vấn đề khan hiếm lao động cục bộ, nâng cao kỹ năng lao động, hỗ trợ người lao động.
Đối với công tác thu hút FDI, theo Bộ trưởng, cần xác định và ưu tiên những lĩnh vực có khả năng thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu, phát triển công nghiệp phụ trợ, bổ sung những phân đoạn Việt Nam chưa thể đáp ứng trong chuỗi cung ứng, bên cạnh việc thúc đẩy liên kết doanh nghiệp trong nước để tham gia vào chuỗi cung ứng.
Để chuẩn bị cho làn sóng FDI sắp tới, cần chuẩn bị tốt những yếu tố như mặt bằng sạch, hoàn thiện hạ tầng, nâng cao năng lực tham gia cung ứng của doanh nghiệp nội, chuẩn bị nguồn cung lao động tay nghề cao, chuẩn bị sẵn những nội dung đàm phán, ưu đãi cho những nhà đầu tư chiến lược có tính lan tỏa.
Về dài hạn, hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính vẫn cần được tiếp tục làm tốt. Theo Bộ trưởng, cần lưu ý việc ban hành những chính sách mới nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, không được đặt thêm rào cản mới.
Bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, khuyến khích khởi nghiệp, áp dụng công nghệ mới để nâng cao năng lực cạnh tranh cho đất nước. Tập trung phát triển năng lực nội tại của doanh nghiệp, phát triển công nghiệp phụ trợ.
Về chính sách FDI trong dài hạn, Bộ trưởng nhấn mạnh tính cân đối, hợp lý, đảm bảo thu hút FDI theo đúng định hướng, quy hoạch cũng như yêu cầu phát triển.
Đối với các hiệp hội doanh nghiệp, tiếp tục trở thành cầu nối giữa Chính phủ và doanh nghiệp để kịp thời phản ánh vướng mắc, khó khăn và đề xuất hướng giải quyết, đề xuất chính sách phù hợp với thực tiễn.
Các hiệp hội cũng cần chủ động nghiên cứu, đánh giá thị trường cũng như những thời cơ, xu thế mới của nền kinh tế, đặc biệt là những yếu tố liên quan đến sản xuất và kinh doanh bền vững, từ đó cung cấp cho hội viên. Thúc đẩy sự liên kết giữa các hội viên, đại diện và tăng cường quyền lợi của hội viên trong các quan hệ trong và ngoài nước.
Đối với doanh nghiệp, Bộ trưởng đề nghị cần tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả, tuân thủ pháp luật, luôn đổi mới công nghệ và mở rộng đầu tư. Bên cạnh lợi nhuận, doanh nghiệp cũng phải dành sự quan tâm xứng đáng đối với các vấn đề như an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, quyền lợi người lao động, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Doanh nghiệp FDI cần đón đầu các xu thế kinh doanh mới, qua đó tiên phong chuyển đổi mô hình theo hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, kinh tế tuần hoàn.
Lãnh đạo ngành kế hoạch và đầu tư kỳ vọng những nhà đầu tư đang hoạt động tốt tại Việt Nam có thể là cầu nối để giới thiệu thêm nhà đầu tư mới. Trong quá trình tìm hiểu thị trường, nhà đầu tư có thể liên hệ với các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương để được hỗ trợ kịp thời.
So với con số 25,7% của tháng 7, mức tăng của góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại 8 tháng đã tụt mạnh, chỉ còn tăng 3,6%. Trong khi đó vốn đăng lý mới chưa hồi phục hoàn toàn sau 2 năm Covid, cùng với vốn điều chỉnh gần như đang ‘giậm chân tại chỗ’, dẫn đến mức giảm của tổng vốn đăng ký FDI so với cùng kỳ năm 2021 ngày càng bị ‘đào sâu’.
Thay vì cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), theo nhiều chuyên gia, các địa phương có thể lựa chọn thu hút FDI phù hợp với lợi thế, đặt vào bối cảnh phát triển kinh tế chung của vùng, khu vực, từ đó tạo ra tác động lan tỏa và lợi ích to lớn hơn rất nhiều.
Hội thảo “Hạnh phúc trong Giáo dục” 2024 là cơ hội để nhà lãnh đạo giáo dục, giáo viên, và phụ huynh cùng thảo luận, khám phá những giải pháp xây dựng môi trường học đường tích cực, bền vững.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông và tạo cú hích lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, dự án này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng tham gia của nhà thầu xây dựng trong nước.
Xây dựng môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập không chỉ mang đến nhiều cơ hội cho tất cả mà còn tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.