Kinh nghiệm truyền thông chính sách của Quảng Ninh

Tùng Anh - 08:00, 28/11/2022

TheLEADERHoàn thiện bộ máy làm công tác tuyền thông, củng cố đội ngũ làm công tác truyền thông cơ sở, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tổ chức thực hiện là bốn nhóm giải pháp đã được tỉnh Quảng Ninh triển khai.

Trở về Hà Nội từ chuyến công tác đến Quảng Ninh tham gia đưa tin về một sự kiện do tỉnh tổ chức để lắng nghe ý kiến từ phía các doanh nghiệp, đoàn phóng viên làm việc ở các cơ quan báo chí khác nhau không ngừng dành những lời khen cho công tác truyền thông của tỉnh này.

Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh kết nối thường xuyên với các đơn vị báo chí trên cả nước. Trang thông tin của tỉnh được cập nhật liên tục với nhiều nội dung và hình ảnh chất lượng. Khi cần thông tin ở tỉnh, Sở Thông tin - truyền thông tỉnh Quảng Ninh cũng hỗ trợ kết nối đến những lãnh đạo/đơn vị liên quan để cung cấp thông tin kịp thời.

“Quảng Ninh xây dựng cơ chế bắt buộc cung cấp thông tin tới các cơ quan truyền thông”, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc mới đây về công tác truyền thông chính sách do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong lãnh đạo, chỉ đạo có rất nhiều nhiệm vụ cần công khai minh bạch, cần sự ủng hộ và tuân thủ của người dân. Hơn thế nữa, tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu ban hành trung bình 60 - 70 nghị quyết liên quan đến chỉ đạo điều hành mỗi năm. Do đó, công tác tuyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc củng cố niềm tin của nhân dân, để nhân dân đồng thuận, ủng hộ và thực hiện.

Tỉnh Quảng Ninh đã tập trung triển khai bốn nhóm giải pháp: hoàn thiện bộ máy làm công tác tuyền thông, củng cố đội ngũ làm công tác truyền thông cơ sở, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tổ chức thực hiện.

Về bộ máy truyền thông, tỉnh đã sáp nhập bốn cơ quan báo chí của tỉnh trước đây gồm: Báo Quảng Ninh, Đài phát thanh truyền hình Quảng Ninh, Báo Hạ Long và Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh thành một cơ quan truyền thông duy nhất là Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh.

Bà Hạnh cho biết, việc sáp nhập được thực hiện vào năm 2018 nhằm thống nhất các đầu mối truyền thông. Trước đây, mỗi khi có chủ trương cần ban hành thì cần đến bốn tổng biên tập nhận thông tin rồi mới đến các phóng viên nay chỉ cần nhận lệnh của một Giám đốc Trung tâm.

Đây là mô hình đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm hợp nhất các cơ quan thông tin, báo chí cấp tỉnh. Từ khi thành lập trung tâm đến nay, các địa phương trên toàn quốc đã đến tham quan, tìm hiểu mô hình này của Quảng Ninh.

Về củng cố lại thông tin cơ sở để nâng cao năng lực thông tin, tỉnh Quảng Ninh đã thành tập Trung tâm Truyền thông và văn hoá, trang bị đài phát thanh, loa đài đến tận các xã các thôn với hệ thống kỹ thuật có dây và không dây, phù hợp cả khu vực biên giới và hải đảo. Việc này cũng cũng đã phát huy được việc truyền thanh đến tận các thôn, bản.

Tỉnh Quảng Ninh đã tích cực xây dựng lại đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên, dư luận xã hội… hiện nay tỉnh có khoảng 6.200 người. Ngoài đội ngũ 300 phóng viên, biên tập viên của Trung tâm Tuyền thông thì tỉnh đã phối hợp với hơn 40 cơ quan báo chí trung ương, các bộ, ngành.

Về cơ sở hạ tầng, Cổng thông tin điện tử của tỉnh thường xuyên được nâng cấp, hoàn thiện và khai thác tối đa. Hiện nay, Quảng Ninh có 5 cổng thông tin điện tử cấp một, 59 cổng thông tin điện tử cấp hai, 127 cổng thông tin điện tử thành phần cấp ba và các cổng thông tin điện tử liên cấp.

Hiện nay, mạng internet cáp quang đã bao phủ 98% địa bàn tỉnh phủ rộng khắp các xã, biển đảo, không có nơi nào không có sóng di động và sóng truyền hình.

Tỉnh cũng đầu tư nâng cấp bằng nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn hợp pháp để đầu tư hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh đồng bộ cho Trung tâm truyền thông tỉnh; đang chuẩn bị đầu tư khoảng 700 tỷ đồng xây dựng trụ sở Trung tâm truyền thông tỉnh hướng tới xây dựng tập đoàn truyền thông mạnh của tỉnh.

Quảng Ninh cũng đã xây dựng cơ chế bắt buộc cung cấp thông tin tới các cơ quan truyền thông. UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Văn phòng UBND tỉnh hàng tháng phải gặp mặt đầy đủ các cơ quan thông tấn báo chí để thông tin đầy đủ, khi có sự việc, Chánh văn phòng phải trực tiếp thông tin tới báo chí và tuyệt đối không để xảy ra khủng hoảng truyền thông.

Đều đặn chiều thứ Ba hàng tuần, Ban tuyên giáo tỉnh uỷ cùng Sở Thông tin - truyền thông sẽ chủ động thông tin tới các cơ quan truyền thông, không để các nhà báo bị thiếu thông tin

Có thể nói, tỉnh Quảng Ninh đã làm tốt công tác truyền thông chính sách. Vừa phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân, vừa đấu tranh không khoan nhượng với thông tin sai lệch trên địa bàn tỉnh. 

Hàng năm, Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ cũng có những cuộc khảo sát đo lường sự tin tưởng của nhân dân đối với sự lãnh đạo của tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh. Hiện nay, tỷ lệ tin tưởng của người dân tỉnh Quảng Ninh vào sự lãnh đạo, chỉ đạo là 96-98%. Tỉnh đã thay đổi thành công nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong việc chuyển đổi từ "nâu sang xanh".

Truyền thông chính sách có vai trò quan trọng trong mọi giai đoạn của quy trình chính sách, góp phần giúp cơ quan nhà nước xác định chính xác vấn đề và giải pháp chính sách, đồng thời tạo lập niềm tin của người dân, xã hội ủng hộ chính sách, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.