Kinh tế biển ĐBSCL: Lợi thế tĩnh và động vẫn còn... “tĩnh”
Trần Hữu Hiệp - Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ
Thứ tư, 19/07/2017 - 00:00
ĐBSCL là một trong số ít vùng trên thế giới có lợi thế đặc biệt về sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế biển, một trung tâm sản xuất hàng hóa lớn trong chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu.
Vị thế địa - kinh tế - chiến lược chưa được chú trọng
Về phát triển kinh tế biển, vùng ĐBSCL có 2 lợi thế quan trọng. Thứ nhất là tiềm năng tự nhiên (lợi thế tĩnh) với bờ biển dài chiếm 23% bờ biển cả nước, diện tích lãnh hải thuộc chủ quyền rộng, tài nguyên, nguồn lợi tự nhiên phong phú, đa dạng (thủy sản, khoáng sản, dầu khí, cảnh quan biển, đảo…).
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích gần 40 nghìn km2, dân số khoảng 18 triệu người, có hơn 340km đường biên giới trên bộ giáp Campuchia, là khu vực duy nhất của cả nước tiếp giáp biển Đông và biển Tây với bờ biển dài 750km, chiếm 23% chiều dài bờ biển cả nước; hơn 360 ngàn km2 vùng biển và đặc quyền kinh tế, có gần 200 đảo và quần đảo, đặc biệt là đảo Phú Quốc lớn nhất Việt Nam.
Thứ hai là có vị trí địa - kinh tế và địa - chiến lược (lợi thế động) do vùng này nằm gần tuyến hàng hải Đông - Tây, hiện diện nhiều nền kinh tế lớn của thế giới (mà hầu hết đều tham gia APEC), là một cửa ngõ quan trọng xét trên nhiều mặt, nhất là trong thời đại bùng nổ phát triển của châu Á – Thái Bình Dương.
Không gian phát triển của ĐBSCL không bó hẹp trong đất liền, mà mở ra trong một không gian biển rộng lớn, kết nối với một ASEAN năng động với 600 triệu dân, trong đó ĐBSCL là tâm điểm của bán kính 500 km nối liền các thành phố lớn trong khu vực.
Ngoài biển Đông, ĐBSCL có tiềm năng kinh tế biển Tây với điều kiện tự nhiên thuận lợi, không bị gió bão, có “hòn ngọc quốc gia Phú Quốc” gắn với vịnh Thái Lan, đang tạo ra thế “địa kinh tế - quân sự” mới. Hành lang ven biển vịnh Thái Lan dọc tuyến qua các tỉnh Chanthaburi, Trat (Thái Lan) qua các tỉnh Koh Kong, TP Kép, Shihanouk Ville, Kam Pot (Campuchia), rồi đến Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. Hành lang biển và hướng mở biển Tây đang mở ra một cánh cửa mới cho vùng ĐBSCL.
Mặc dù lợi thế thứ 2 - “tiềm năng động” ngày càng quan trọng trong xu thế vừa tăng cường liên kết, hợp tác, vừa xung đột lợi ích về biển trong khu vực và trên thế giới; nhưng ĐBSCL mới được đầu tư khai thác lợi thế thứ nhất. Chủ yếu là ngành kinh tế thuỷ sản, bước đầu có quan tâm đầu tư một số cảng, khí – điện.
Như trong hai ngành xuất khẩu chủ lực của nước ta là dầu khí và thủy sản, đạt kim ngạch nhiều tỷ USD/năm, thì ĐBSCL đóng góp quan trọng với 52% sản lượng, khoảng 66% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Nhưng nhìn chung kinh tế biển, nhất là các khu kinh tế ven biển, vận tải biển và dịch vụ, du lịch biển, đảo ở ĐBSCL còn ở trình độ thấp; đặc biệt là công tác qui hoạch yếu, điều tra cơ bản, phát triển khoa học – công nghệ biển, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng chưa đạt yêu cầu.
“Lợi thế tĩnh” hay “lợi thế động” trong điều kiện hợp tác và cạnh tranh, chỉ được phát huy thành hiện thực khi nó được đầu tư, khai thác có hiệu quả trong một chiến lược kinh tế biển hợp lý của vùng, gắn bó máu thịt với chiến lược chung cả nước.
Giải bài toán “Ba thách thức”
Trước những thách thức chung, vùng ĐBSCL còn nổi lên 3 thách thức lớn. Một là, từ hiện trạng cho thấy, cách tiếp cận phát triển kinh tế biển của ĐBSCL thời gian qua chủ yếu dựa vào tư duy, cách làm của kinh tế nông nghiệp truyền thống. Trong khi vẫn chưa giải quyết được căn cơ mối quan hệ giữa phát huy lợi thế bậc nhất về nông nghiệp (sản xuất lúa gạo, thuỷ sản, trái cây) với kinh tế biển (vận tải biển, hậu cần logistic, du lịch biển, đảo, phát triển kinh tế biển để khai thác lợi thế và phục vụ nông nghiệp…).
Hai là, vấn đề qui hoạch, tổ chức không gian phát triển và đầu tư còn hạn chế. ĐBSCL là vùng giàu tiềm năng, nhưng nguồn lực đầu tư, đặc biệt là từ ngân sách và doanh nghiệp thấp, nội lực cho đầu tư phát triển thấp. Tài nguyên, nguồn lợi tự nhiên từ biển chủ yếu được khai thác từ “những cái sẵn có”, nhiều rủi ro, trình độ công nghệ thấp, hạ tầng yếu kém, thiếu liên kết vùng.
Ba là, thách thức trước biến đổi khí hậu, nước biển dâng và yều tố “cạnh tranh phát triển” ở biển Tây, trong khu vực vịnh Thái Lan và biển Đông – ĐBSCL. Đặc biệt yếu tố biến đổi khí hậu, nước biển dâng tàn phá khu vực ven biển và tình trạng xâm nhập mặn đang diễn ra ngày càng khốc liệt hiện nay.
Trong một tương lai còn xa, người đồng bằng vẫn phải tiếp tục gánh vác nhiệm vụ thiêng liêng đối với quốc gia là đảo bảo an ninh lương thực, nhưng ĐBSCL cũng có quyền và có khả năng để mở rộng cánh cửa phát triển vươn ra biển lớn, vượt lên “dấu chân” của nền nông nghiệp truyền thống để làm giàu từ biển.
Không gian phát triển mới, cách tiếp cận mới, khác căn bản cách tiếp cận phát triển kinh tế “đất liền”. Tái cấu trúc mô hình tăng trưởng vùng kinh tế nông nghiệp này, cũng cần phải đặt ra việc kinh tế biển nằm ở đâu và như thế nào. Kinh tế biển ĐBSCL cần được đầu tư, khai thác gắn với chiến lược kinh tế biển của nước ta để ĐBSCL không chỉ là vựa lúa, trái cây mà còn là vùng mạnh về biển.
Thực tế đang đòi hỏi, cần có một Chiến lược kinh tế biển của cùng ĐBSCL, gắn bó máu thịt với cả nước hơn là những chương trình hành động riêng lẻ của từng địa phương, thiếu liên kết nội vùng và liên vùng.
Vùng ĐBSCL rất cần có cơ chế tổ chức liên kết vùng trong qui hoạch đầu tư phát triển, liên kết các ngành kinh tế biển, liên kết thị trường hiệu quả. Chính phủ cần ban hành cơ chế pháp lý tăng cường liên kết, hợp tác theo nhu cầu và thực chất hơn các hình thức ký kết hợp tác kinh tế giữa chính quyền các tỉnh, thành với nhau thời gian quan chủ yếu mang tính cam kết, còn nặng hình thức và theo phong trào.
Từ các hình thức “liên kết nhà nước” giữa các chính quyền địa phương với nhau và với các bộ, ngành, cần chuyển sang chủ yếu liên kết doanh nghiệp, liên kết thị trường dựa trên nền tảng lợi ích.
Việt Nam không thể khai thác biển tốt nếu không khẳng định được sự hiện diện của mình trên đại dương với tư cách là một thực lực, một cường quốc biển. Mọi lời tuyên bố về chủ quyền chỉ mang lại lợi ích thực tế cho quốc gia khi nó gắn liền với thực lực và thông qua sự hiện diện sức mạnh quốc gia tại vùng có chủ quyền.
Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đề ra mục tiêu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên vì biển; đồng thời bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển
Toàn bộ mạng bay nội địa và đường bay quốc tế được mở lại, hiệu quả đường bay mới và cao điểm hè giúp Vietnam Airlines đạt kết quả kinh doanh tích cực.