Các mô hình kinh tế tuần hoàn phù hợp với quan điểm chiến lược “thuận thiên” trong phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, từ đó giải quyết những thách thức lớn của vùng đất Chín Rồng.
Thời gian qua, Đồng bằng sông Cửu Long trải qua đợt hạn mặn nghiêm trọng. Tính đến nay, có bốn địa phương, bao gồm Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Long An phải công bố tình huống thiên tai cấp độ 4, tình huống khẩn cấp về hạn mặn, sụt lún và sạt lở đất do hạn hán.
Thực tế, hạn mặn không phải câu chuyện mới ở miền Tây. Tuy nhiên, nghịch lý là dù phải vất vả chống chịu hạn mặn cũng như các ảnh hưởng tiêu cực từ biến đổi khí hậu nhưng hoạt động canh tác nông nghiệp, hoạt động kinh tế chủ lực của vùng lại tiêu tốn rất nhiều nước ngọt và phát sinh lượng lớn khí thải.
Nghịch lý này tạo ra một nút thắt, không chỉ kiềm hãm Đồng bằng sông Cửu Long mà còn kéo vùng đất này đi xuống. Hệ lụy đằng sau đó là những vòng xoáy về cơ cấu kinh tế, lao động, ngân sách, khiến miền Tây trở thành vùng trũng của kinh tế, giáo dục, y tế.
Gỡ nút thắt bằng kinh tế tuần hoàn
Đảo ngược những “vòng xoáy đi xuống” của Đồng bằng sông Cửu Long, báo cáo kinh tế thường niên của vùng do Đại học Fulbright và Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, chỉ ra, nhiều mắt xích cần được phá vỡ, đặc biệt là mắt xích “tận khai tới mức thiếu bền vững” những lợi thế của tự nhiên trong canh tác nông nghiệp.
Phá vỡ mắt xích này đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ từ tầm nhìn cho tới thể chế, chính sách, ứng dụng khoa học, công nghệ, trong đó một trọng tâm là mô hình kinh tế tuần hoàn.
Theo chuyên gia, mô hình kinh tế tuần hoàn có thể được ứng dụng và tạo ra giá trị đa ngành cho Đồng bằng sông Cửu Long. Điển hình như đối với ngành thủy sản, kinh tế tuần hoàn mở ra cơ hội khai thác collagen, chitosan, chitin từ phụ phẩm tôm, cá tra, tiềm năng thị trường lên đến 5 tỷ USD mỗi năm.
Những giải pháp này không mới mà đã được một số doanh nghiệp lớn như Vĩnh Hoàn, Minh Phú, Việt Nam Foods, Sao Mai ứng dụng trong nhiều năm nay, đem lại những kết quả tích cực.
Hay như giải pháp xen canh lúa – tôm, lúa – cá, lúa – sen thay cho mô hình siêu thâm canh cũng tạo ra những vòng lặp tuần hoàn khép kín. Không chỉ tận dụng được chế độ nước mặn, ngọt trong sản xuất, các mô hình này giúp bồi hoàn dinh dưỡng cho đất và cắt nguồn dịch hại, từ đó nâng cao năng suất, hạn chế phát thải do sử dụng chế phẩm hóa học.
Đáng chú ý, theo GS. Võ Tòng Xuân, vị chuyên gia rất mạnh mẽ trong việc đề xuất chủ trương “thuận thiên” cho miền Tây, những mô hình nói trên xuất phát chủ yếu từ người nông dân, từ câu chuyện “dẫn mặn nhập điền” làm đau đầu các nhà quản lý khoảng thời gian vài chục năm về trước, như một cách thích ứng với điều kiện tự nhiên suốt nhiều đời.
Các loại cây ăn trái cũng có tiềm năng ứng dụng kinh tế tuần hoàn, thông qua những phương pháp chế biến mới, tận dụng phụ phẩm hay cả những chính phẩm thừa trong tình huống “được mùa mất giá”.
Nhiều mô hình ứng dụng kinh tế tuần hoàn tạo đa giá trị cho cây ăn trái bước đầu thành công và tạo được tiếng vang trong nước cũng như quốc tế, đơn cử như sản phẩm mật hoa dừa của công ty Sokfarm.
Điểm đặc biệt của mô hình này là không nhấn mạnh vào câu chuyện xử lý chất thải, bảo vệ môi trường mà thành công dựa trên phát huy văn hóa truyền thống người Khmer, tạo ra dòng sản phẩm chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng.
Nhân rộng các mô hình
Theo UBND tỉnh Hậu Giang, trong chiến lược chuyển đổi nông nghiệp bền vững hướng đến đa giá trị, bảo vệ nguồn nước và hệ sinh thái của tỉnh, kinh tế tuần hoàn là giải pháp quan trọng được thí điểm và vận động sự tham gia của bà con nông dân.
Với sự khuyến khích của chính quyền, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, nhiều mô hình đã được triển khai, đem lại giá trị, từ những mô hình nhỏ như kết hợp chăn nuôi dê, ốc bươu đen, trồng sầu riêng và mít trên diện tích chỉ vỏn vẹn 1ha của lão nông Huỳnh Văn Tấn cho đến mô hình lớn kết hợp nấm, bò, vịt, lúa và sản xuất điện của Công ty HF Farm.
Còn tại Tiền Giang, nhiều mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm biogas, nuôi trùng quế, chăn nuôi tuần hoàn theo chuẩn VietGAP được áp dụng. Đặc biệt, các mô hình này tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp, đem lại thu nhập ổn định cho bà con.
Bạc Liêu là địa phương sở hữu lợi thế về năng lượng tái tạo. Theo chính quyền tỉnh Bạc Liêu, bên cạnh những giải pháp ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong nuôi tôm như nuôi tôm tuần hoàn nước, sử dụng chế phẩm sinh học, địa phương này đang tích cực nghiên cứu để kết hợp kinh tế tuần hoàn với điện gió, điện mặt trời, phát huy tối đa lợi thế.
Còn tại Long An, địa phương sở hữu thế mạnh về công nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long, các ngành công nghiệp cũng được chú trọng đẩy mạnh áp dụng kinh tế tuần hoàn. Đơn cử, huyện Đức Hòa của tỉnh Long An là nơi tọa lạc của một số nhà máy tái chế nhựa quy mô lớn, nằm trong danh sách cơ sở tái chế đạt tiêu chuẩn được Bộ Tài nguyên và môi trường ban hành.
Có thể thấy, kinh tế tuần hoàn nhằm giải quyết các nút thắt ở miền Tây được các địa phương vận dụng tương đối linh hoạt, không máy móc, thuận theo điều kiện riêng. Đây cũng chính là tinh thần của quan điểm “thuận thiên” trong phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.
Hợp phần quản trị môi trường của Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2023 tiếp tục chứng kiến mức điểm “bết bát” của cả nước. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long có tình hình khả quan hơn năm vùng kinh tế, xã hội còn lại.
Nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi, sao còn nghèo khó, vất vả? Đó là trăn trở của PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, về thực trạng và bài toán phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.
Mặc dù được mệnh danh là vựa lúa, trái cây và thủy sản của cả nước, là trung tâm sản xuất và xuất khẩu nông nghiệp lớn nhất nhưng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ lại chiếm tới 70% GRDP của Đồng bằng sông Cửu Long.
Toàn bộ mạng bay nội địa và đường bay quốc tế được mở lại, hiệu quả đường bay mới và cao điểm hè giúp Vietnam Airlines đạt kết quả kinh doanh tích cực.