Kinh tế tuần hoàn là định hướng và giải pháp để phát triển đất nước

Phạm Sơn - 07:28, 15/06/2021

TheLEADERĐây là quan điểm được đại diện phái đoàn Việt Nam nhấn mạnh tại Hội thảo trực tuyến về chủ đề kinh tế tuần hoàn của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Kinh tế tuần hoàn là định hướng và giải pháp để phát triển đất nước
TS. Lê Thị Tuyết Mai, Đại sứ - trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại WTO. Ảnh: MOFA.

Các thành viên của WTO đang tiến hành Chương trình viện trợ thương mại 2020 – 2022 nhằm hỗ trợ các quốc gia trong việc thúc đẩy thương mại bền vững, thông qua phân tích mối tương quan giữa công nghiệp hóa, tăng trưởng kinh tế với tính bền vững và sản xuất có trách nhiệm.

Trong đó, kinh tế tuần hoàn đặt ra như một “chiến lược nổi bật” để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, nhờ vào đặc tính “tạo ra các vòng trung chuyển để biến chất thải thành đầu vào mới cho sản xuất ở mọi điểm trong chuỗi giá trị”.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các quốc gia đang và kém phát triển. Từ đó, WTO tổ chức buổi hội thảo trực tuyến nhằm chia sẻ kinh nghiệm, nêu bật những giá trị và cơ hội mà kinh tế tuần hoàn có thể đem lại.

Tham dự thảo luận tại sự kiện của WTO có đại diện của nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế như Mỹ, Ecuador, Rwanda, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD)…

Tại Hội thảo, TS. Lê Thị Tuyết Mai, Đại sứ - trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại WTO đã trình bày những quan điểm và kinh nghiệm của Việt Nam về mô hình kinh tế tuần hoàn.

Theo bà Mai, mô hình kinh tế tuần hoàn được xác định là định hướng và giải pháp vô cùng quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế nhanh nhưng vẫn đảm bảo tính bền vững, thích ứng và ngăn ngừa biến đổi khí hậu. Điều này được thể hiện rõ trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 – 2030.

Hiện tại, Việt Nam đang tích cực sử dụng công cụ là các chính sách, cơ chế và pháp luật nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, hướng tới sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm, thực hiện chương trình nghị sự 2030 phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Những giải pháp mang tính thể chế hóa có thể kể đến như sửa đổi Luật bảo vệ môi trường, ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh, Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững…

Bà Mai nhấn mạnh, quan điểm phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là quan điểm xuyên suốt của Việt Nam từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới năm 1986. Nhiều lãnh đạo cấp cao của Việt Nam cũng đã khẳng định với quốc tế “tuyệt đối không có chuyện đánh đổi môi trường, văn hóa và văn minh xã hội để lấy kinh tế”.

Các chủ trương, chính sách của Việt Nam đã thể hiện được hiệu quả trong thực tiễn, bằng chứng là nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng, triển khai thành công mô hình sản xuất sạch và thân thiện hơn với môi trường.

Tuy nhiên, là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam gặp phải nhiều thách thức lớn đặt ra trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn. Do đó, Việt Nam rất mong muốn được tiếp thu kinh nghiệm của các quốc gia phát triển về cách thức chuyển đổi, vận hành kinh tế tuần hoàn.

Bên cạnh đó, bà Mai cũng kỳ vọng công cuộc hội nhập quốc tế, thông qua thực hiện hóa các cam kết trong khuôn khổ WTO cũng như các hiệp định tự do thương mại của Việt Nam sẽ là trợ lực quan trọng giúp đất nước thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, thực hiện hóa mục tiêu phát triển bền vững, đem lại thịnh vượng cho người dân.