Lãi suất tiền gửi tăng, tiền có chảy về ngân hàng?

Tuệ Minh - 10:19, 06/06/2022

TheLEADERSau thời gian dài duy trì lãi suất ở mức thấp, nhiều ngân hàng gần đây đã rục rịch tăng lãi suất tiền gửi nhằm hút nguồn tiền nhàn rỗi trong cư dân.

Xu hướng tăng lãi suất tiền gửi được ghi nhận trong vài tháng trở lại đây với mức tăng dao động từ 0,1-0,4%/năm, thậm chí có ngân hàng tăng tới 0,8%/năm. Tưởng chừng cuộc đua chỉ diễn ra ở các ngân hàng khối tư nhân, nhưng trong những ngày đầu tháng 6, khối ngân hàng có vốn Nhà nước cũng rục rịch đưa lãi suất tiền gửi lên mức mới.

Theo nhận định của các công ty chứng khoán, mặt bằng lãi suất huy động sẽ vẫn tiếp tục tăng nhẹ 0,5%-1% trong năm 2022.

Xu hướng gửi tiền ngân hàng diễn ra trong bối cảnh các kênh đầu tư nóng trước đó dần hạ nhiệt. Tính từ đầu tháng 4, thị trường chứng khoán có 27 phiên thanh khoản dưới 20.000 tỷ đồng. Trong đó, gần một tháng qua chỉ có 5 phiên giao dịch vượt mốc 15.000 tỷ đồng.

Ngoài chứng khoán, kênh trái phiếu doanh nghiệp cũng dần lắng xuống sau nhiều động thái nhằm siết chặt thị trường của cơ quan quản lý. Báo cáo của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, trong tháng 4 có 23 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với giá trị 16.470 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy mức lãi suất tiền gửi tăng nhưng có vẻ như vẫn chưa thu hút được lượng tiền gửi đến từ dân cư. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố mới đây cho biết, số dư tiền gửi của khách hàng tại thời điểm cuối tháng 3 đạt hơn 11,33 triệu tỷ đồng, tăng hơn 390.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021, tương đương tăng 3,6%.

Trong đó, tiền gửi ở các tổ chức tín dụng của các tổ chức kinh tế là 5,865 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 19%; của dân cư là 5,474 triệu tỷ, tăng trưởng 4% so với cùng kỳ năm trước.

Lý giải nguyên nhân của việc tiền gửi từ doanh nghiệp “vượt mặt” trong dân cư (điều xưa nay hiếm), PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết, mức lãi suất tiền gửi hiện nay đã tăng nhưng vẫn dao động trong khoảng trên dưới 6%, trong khi đó trước khi dịch bệnh xảy ra lãi suất tại nhiều ngân hàng còn tiệm cận mức 8%.

Bên cạnh đó, do hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn đang có nhiều khó khăn trở ngại, các doanh nghiệp vẫn chưa dám mạnh tay đầu tư. Vì vậy, các doanh nghiệp gửi vào ngân hàng để hưởng lãi suất, chờ đợi cơ hội đầu tư. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư vẫn thấy những cơ hội đầu tư tốt hơn ở chứng khoán và bất động sản.

Thực tế, nhiều nhà đầu tư các nhân dù thời điểm hiện tại không giao dịch chứng khoán nhưng vẫn giữ tiền để chờ thời cơ tốt để xuống tiền, hoặc chỉ dành một phần nhỏ để gửi tiết kiệm với tâm lý kỳ vọng khả năng sinh lời từ thị trường chứng khoán vẫn cao hơn lãi suất ngân hàng.

Niềm tin của các nhà đầu tư dường như có vẻ đúng đắn khi tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital cho biết, chứng khoán Việt Nam đang xuống mạnh nhưng có thể chỉ là ngắn hạn, vẫn là thị trường hấp dẫn dòng tiền nước ngoài. Đây cũng là nhận định chung của các chuyên gia tham dự diễn đàn.

Các chuyên gia cho rằng, thị trường đang chịu nhiều tác động như kinh tế toàn cầu không ổn định do lạm phát, khủng hoảng Ukraine và Mỹ tăng lãi suất. Trong nước, một vài sự cố gần đây bị xử lý liên quan đến hành vi thao túng giá chứng khoán cũng ảnh hưởng tâm lý.

Trong thời gian tới, khi thị trường quay trở về đúng với quỹ đạo, cùng với nỗ lực của các cơ quan chức năng trong công tác minh bạch hóa, tiến tới nâng hạng thị trường thì kênh chứng khoán vẫn được xem là hấp dẫn dòng tiền. 

Bên cạnh đó, cũng theo PGS.TS.Đinh Trọng Thịnh, trong khoảng thời gian thị trường chứng khoán biến động mạnh, nhiều nhà đầu tư đã rút lui nhưng chỉ dành rất ít để gửi ngân hàng, còn lại tham gia vào thị trường bất động sản. Bằng chứng là, trong những tháng đầu năm, bất động sản vẫn “nóng” ở nhiều nơi, nhà đầu tư vẫn thu lời lớn tại một vài phân khúc.

Mặc dù thời gian qua thị trường bất động sản cũng có những “biến cố” khiến các cơ quan chức năng phải thực hiện nhiều biện pháp mạnh tay. Tuy nhiên, cũng giống như thị trường chứng khoán, động thái đến từ các nhà điều hành sẽ giúp lành mạnh hóa, giảm thiểu đầu cơ, về mặt lâu dài sẽ có tác động tích cực và tiếp tục là kênh đầu tư có hiệu quả.

“Bất động sản và chứng khoán vẫn là những kênh đầu tư có hiệu quả, đặc biệt nếu lựa chọn đúng hàng hóa thì kết quả đầu tư vẫn rất tốt. Tuy nhiên, nếu là người chịu được biên độ rủi ro thấp thì kênh tiết kiệm vẫn nên ưu tiền hàng đầu”, ông Đinh Trọng Thịnh nhận định.