Lạm phát tiềm ẩn nguy cơ tăng mạnh

Minh Anh - 05:13, 04/11/2017

TheLEADERTheo Ngân hàng HSBC, chỉ số lạm phát tháng 10/2017 vẫn theo kỳ vọng nhưng xuất hiện nhiều nguy cơ tăng do biến động giá dầu gần đây.

Lạm phát tiềm ẩn nguy cơ tăng mạnh
Ảnh minh hoạ

Kỳ vọng tăng trưởng kinh tế 2017 đạt 6,6%

Báo cáo Triển vọng Kinh tế thị trường Việt Nam của HSBC cũng cho biết, đến thời điểm hiện tại, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam diễn ra vẫn rất tốt. Xuất khẩu tháng 10/2017 tăng 26,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp đạt mức tăng trưởng trên 20%.

Bên cạnh đó, xuất khẩu các mặt hàng điện thoại và phụ kiện tiếp tục tăng mạnh với tốc độ chóng mặt, tăng 76,4% so với cùng kỳ năm ngoái trong những báo cáo số liệu gần đây.

Nhập khẩu các mặt hàng điện tử bao gồm linh kiện đầu vào cho điện thoại và các mặt hàng điện tử xuất khẩu khác cũng tăng rất nhanh.

HSBC cho rằng, ngành sản xuất của Việt Nam duy trì bền vững mức đóng góp của ngành cho tăng trưởng GDP kể từ đầu năm và số liệu xuất khẩu tháng Mười cho thấy xu hướng này vẫn còn tiếp tục.

Tuy nhiên, cũng theo báo cáo của HSBC chỉ số PMI đã giảm xuống 51,6 điểm trong tháng 10/2017 so với mức 53,3 điểm trong tháng 9.

Kết quả này một phần là do sản lượng và đơn đặt hàng mới tăng trưởng yếu hơn. Đặc biệt, sản lượng đã tăng ở mức chậm nhất kể từ tháng 10/2016. Theo IHS Markit, một vài doanh nghiệp tham gia khảo sát đã chỉ rằng dấu hiệu nhu cầu giảm nhẹ làm sản lượng tăng yếu hơn.

Tuy nhiên, sản lượng và đơn đặt hàng mới sẽ tiếp tục tăng mặc dù ở mức ít hơn so với tháng 9. Điều này khẳng định, tăng trưởng tại Việt Nam sẽ vẫn mạnh cho đến hết năm mặt dù có thể giảm nhẹ ở lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu vào cuối năm.

HSBC cũng kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,6% trong năm 2017 và 6,4% trong năm 2018.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khóa XIV khai mạc sáng 23/10/2017, Thủ Tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong năm 2017, nền kinh tế Việt Nam dự kiến đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng đã đề ra.

Theo đó, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm của Việt Nam đạt 6,41%, dự kiến cả năm đạt 6,7%.

Lạm phát nguy cơ tăng mạnh

Theo đó, chỉ số CPI toàn phần tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này giúp giữ mức lạm phát theo đúng mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước đề ra là dưới 4% cho năm 2017. Điều này đã giúp đưa chỉ số lạm phát theo dự báo cho cả năm là 3,5%. 

Như tháng trước, chi phí chăm sóc sức khỏe vẫn là yếu tố chính khiến giá cả tăng lên khi Chính phủ tiếp tục cải cách các chương trình trợ cấp. 

Tuy nhiên, HSBC cho rằng cần lưu ý rằng việc giá dầu tăng lên gần đây đã đặt ra nhiều nguy cơ lạm phát tăng cho đến thời điểm cuối năm khi Nga và Ả Rập Saudi đã phát tín hiệu là họ sẽ kéo dài việc cắt giảm nguồn cung dầu mỏ cho đến tháng 3/2018.

CPI toàn phần tăng 3%

Song, giá dầu tăng nhẹ sẽ giữ lạm phát toàn phần nằm trong mục tiêu đề ra của Ngân hàng Nhà nước. Do đó,HSBC dự báo lạm phát toàn phần của năm 2018 vẫn duy trì mức 3,5%.   

Trước đó, tại báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) quý III/2017 cũng cho biết, sau khi giảm mạnh từ đầu năm, lạm phát toàn phần của Việt Nam đã gia tăng trở lại trong tháng 8 và tháng 9/2017 với sự phục hồi của giá nhóm hàng thực phẩm. 

Tăng trưởng chỉ số giá tiêu dùng đã tăng từ mức 2,52% trong tháng 7 lên mức 3,35% và 3,4% (yoy) trong hai tháng tiếp theo. Sức ép gia tăng đối với lạm phát chủ yếu đến từ lộ trình tăng giá dịch vụ công cùng với các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong quý.

Đồng thời, chỉ số giá nhóm hàng giao thông cũng liên tục tăng sau các đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong quý, với tăng trưởng trong hai tháng 8 và 9 là 5,7% và 6,7% (yoy).

Bên cạnh đó, việc Thủ tướng đã ký quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, có hiệu lực từ ngày 15/08/2017, cho phép EVN được tự quyền quyết định mức điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân trong khoảng từ 3 - 5% (dựa trên biến động khách quan của giá các đầu vào) có thể tạo ra sức ép đối với lạm phát trong thời gian tới.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách nhận định, nhiều khả năng lạm phát trong năm 2017 có thể sẽ vượt ngưỡng 4%, thậm chí nhiều khả năng vượt mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ.

Trước xu hướng gia tăng lạm phát vào quý cuối năm, Ngân hàng nhà nước cần thận trọng trong chính sách tăng trưởng tín dụng để tránh tích lũy sức ép lạm phát đang tăng dần, tránh bất ổn vĩ mô tái phát khi lạm phát vượt qua một ngưỡng nhất định. 

Ngoài ra, Chính phủ có thể linh hoạt điều chỉnh giãn tiến độ tăng giá mặt hàng cơ bản tùy theo diễn biến của lạm phát, ông Thành cho biết.