Lãnh đạo các tập đoàn FMCG hàng đầu nói gì về tái chế bao bì (Phần 3)

Phạm Sơn - 10:23, 07/10/2020

TheLEADERTập trung giáo dục thay đổi hành vi người tiêu dùng, tạo điều kiện cho phân loại rác thải, thiết lập hệ thống thu gom và tìm cơ hội tái chế càng nhiều càng tốt là phương án được các tập đoàn FMCG hàng đầu lựa chọn để tìm kiếm mô hình kinh tế tuần hoàn thích hợp, thay vì đưa ra những lời hứa hẹn xa vời.

Lãnh đạo các tập đoàn FMCG hàng đầu nói gì về tái chế bao bì (Phần 3)
Nâng cao hiệu quả thu gom, tái chế rác thải, hướng tới một Việt Nam Xanh - Sạch - Đẹp là trách nhiệm của cả cộng đồng.

>> Lãnh đạo các tập đoàn FMCG hàng đầu nói gì về tái chế bao bì (Phần 2)

Truyền thông giáo dục người tiêu dùng

Thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về rác thải nhựa là phương án hiệu quả nhất để nâng cao tỷ lệ chất thải rắn được phân loại và thu gom đúng cách.

Xác định được điều này, truyền thông và giáo dục người tiêu dùng được Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đặt làm mục tiêu nền tảng và then chốt, cần được ưu tiên triển khai.

Ông Hoàng Công Trang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chuỗi thực phẩm TH (tập đoàn TH) cho biết, các thành viên của PRO đã thống nhất với nhau về tầm nhìn dài hạn của tổ chức, đầu tiên là giáo dục người tiêu dùng, giáo dục những công ty sản xuất hàng đầu để tạo điều kiện tốt nhất cho phân loại rác thải tại nguồn, tiếp đến là thiết lập hệ thống thu gom, sau đó tìm cơ hội tái chế càng nhiều càng tốt.

Kế hoạch ban đầu được đưa ra nhưng thực tế quá trình hành động còn tồn đọng không ít khó khăn, đòi hỏi các thành viên phải làm rất nhiều việc, bao gồm thực hiện những chương trình kỹ thuật thu gom, xử lý rác, làm việc với các đơn vị tái chế, tìm kiếm công nghệ, mô hình tái chế hiện đại và bền vững nhất.

Bên cạnh đó, riêng mỗi công ty cũng cần có kế hoạch đầu tư, nghiên cứu để cho ra đời các loại bao bì thân thiện với môi trường, dễ thu gom và đồng bộ với quá trình tái chế.

Do đó, mặc dù được sáng lập bởi các ông lớn trong lĩnh vực FMCG, đại diện PRO Việt Nam đã từng chia sẻ, thiếu sót về nguồn lực là một trong những thách thức lớn nhất đặt ra đối với các dự án thiết lập chuỗi giá trị tái chế của tổ chức.

Tuy nhiên, sự thiếu sót về nguồn lực hoàn toàn đã được dự trù và lên kế hoạch khắc phục, bởi phát triển bền vững, thực hiện trách nhiệm xã hội luôn nằm trong trọng tâm hoạt động của tập đoàn TH cũng như toàn thể các thành viên PRO Việt Nam.

Lãnh đạo các tập đoàn FMCG hàng đầu nói gì về tái chế bao bì (Phần 3)
Tập đoàn TH trao tặng Sở Y tế Hà Nội 24.000 ly nước trái cây. Ảnh: Báo Nông nghiệp.

Tập đoàn TH được thành lập vào năm 2009 từ nỗi trăn trở của một người mẹ về dòng sữa tươi sạch cũng như các sản phẩm bổ dưỡng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho con trẻ. Trải qua hơn 10 năm hình thành và phát triển, TH đã trở thành thương hiệu đảm bảo về chất lượng trong lòng người tiêu dùng Việt.

“Trân quý mẹ thiên nhiên, người sẽ cho ta tất thảy” luôn là phương châm hàng đầu của tập đoàn TH, được thể hiện trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh đảm bảo không gây hại cho môi trường hay làm mất cân bằng sinh thái.

Không chỉ là những lời hứa hẹn

Nói về hiệu quả của dự án PRO Việt Nam, ông Uday Shankar Sinha, Tổng giám đốc Suntory PepsiCo Việt Nam cho biết: “Chúng tôi không muốn hứa hẹn điều gì cả. Chúng tôi tổ chức thí điểm ở một thành phố. Khi thí điểm thành công, mô hình sẽ được nhân rộng trên khắp cả nước”.

Theo đó, PRO Việt Nam đã làm việc với nhiều đối tác, bao gồm những đơn vị tái chế như công ty giấy Đồng Tiến, VEOLIA và các tổ chức, dự án phi chính phủ như Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), dự án Suy nghĩ lại về nhựa (EURP) để đưa ra các giải pháp, lên kế hoạch dự án thí điểm tại nhiều địa phương.

Đặc biệt, bên cạnh việc thiết lập các hệ thống xử lý rác thải, các dự án của PRO Việt Nam luôn dành sự quan tâm tới lực lượng thu gom rác thải phi chính thức, bao gồm những người nhặt phế liệu, buôn đồng nát và các làng nghề tái chế.

Lý giải cho điều này, ông Fausto Tazzi, Phó chủ tịch PRO Việt Nam cho biết, lực lượng thu gom rác thải phi chính thức đóng vai trò lớn trong bức tranh ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam.

Như vậy, việc hỗ trợ nhóm này thực hành thu gom, xử lý đúng cách đối với phế liệu sẽ là nguồn lực lớn giúp các dự án thành công, đồng thời đảm bảo tinh thần nhân văn, vì cộng đồng mà các thành viên của PRO Việt Nam và Suntory PepsiCo Việt Nam hướng tới.

Lãnh đạo các tập đoàn FMCG hàng đầu nói gì về tái chế bao bì (Phần 3) 1
Chiến dịch Chung tay làm sạch bờ biển Việt Nam do Suntory PepsiCo phát động.

Là một liên minh giữa PepsiCo IncSuntory Holdings Limited, thành lập vào năm 2013, Suntory PepsiCo ý thức xây dựng công ty trở thành “một công dân doanh nghiệp gương mẫu”. Theo đó, chiến lược phát triển bền vững được lồng ghép vào các hoạt động của công ty theo 3 trọng tâm: bảo vệ nguồn nước, bao bì bền vững và đóng góp lại cho xã hội.

Trên tinh thần đó, bên cạnh thúc đẩy tái chế bao bì, công ty đã tổ chức nhiều hoạt động hướng tới các giá trị nhân văn như giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, cứu trợ đồng bào lũ lụt, mở cuộc thi khuyến khích sinh viên kinh doanh, khởi nghiệp…

Liên minh chống rác thải của người Việt

Ông Ganesan Ampalavanar, Nguyên tổng giám đốc Nestlé Việt Nam cho biết: “PRO Việt Nam sẽ không chỉ giới hạn cho các thành viên sáng lập, các tập đoàn lớn mà những doanh nghiệp nhỏ nhất như cửa hàng tạp hóa hay nhà hàng cũng có thể tham gia vào chương trình này”.

Lý giải về điều này, ông Ampalavanar nhận định, nâng cao tỷ lệ tái chế, hạn chế và xử lý hiệu quả rác thải nhựa là một vấn đề nan giải, cần có sự hợp tác và hỗ trợ của toàn cộng đồng doanh nghiệp để có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa, tạo ra làn sóng tốt trong xã hội.

Đồng quan điểm với người tiền nhiệm, ông Binu Jacob, Tổng giám đốc PRO Việt Nam bổ sung thêm, không dừng lại ở cộng đồng doanh nghiệp, PRO Việt Nam và Nestlé Việt Nam mong muốn sự hỗ trợ, hợp tác cởi mở từ phía cơ quan chính phủ và người tiêu dùng để thay đổi thói quen chung trong việc ứng xử với rác thải nhựa.

“Chúng ta hành động vì một mục đích chung cho cả đất nước, là vì một Việt Nam – Xanh – Sạch – Đẹp, ông Jacon nhấn mạnh.

Lãnh đạo các tập đoàn FMCG hàng đầu nói gì về tái chế bao bì (Phần 3) 2
Nestlé tiên phong áp dụng ống hút giấy để bảo vệ môi trường.

Ông Jacob cũng cho biết thêm, Nestlé luôn đặt phát triển bền vững là giá trị kinh doanh của công ty, với triết lý “Good food good life” (Thực phẩm tốt cho cuộc sống an lành).

Giá trị trên được thể hiện qua những hành động thiết thực thay vì lời nói. Cụ thể, tính đến nay, Nestlé Việt Nam đã đóng góp tới 48 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch Covid-19, xây dựng chuỗi giá trị cà phê sạch, không hóa chất, góp phần đảm bảo sinh kế của người nông dân.

Vừa qua, Nestlé Việt Nam được Bộ Tài chính vinh danh “đơn vị nộp thuế tiêu biểu” vì thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế, đóng góp vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Xem trích đoạn phát biểu của các CEO trong video dưới đây: