Lãnh đạo FPT, MoMo, VNG đề xuất gì tại hội nghị cấp cao Việt Nam - Hoa Kỳ?

Việt Hưng - 05:33, 12/09/2023

TheLEADERThủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã thống nhất đưa công nghệ, đổi mới sáng tạo và đầu tư thực sự trở thành trụ cột mới của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ.

Điểm khởi đầu là công nghệ

Hội nghị cấp cao Việt Nam - Mỹ về Đầu tư và đổi mới sáng tạo có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam là các công ty công nghệ, startup và các tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam như: Vietnam Airlines, Vinfast, BRG, Bitexco, MoMo, FPT, VNG. Phía Mỹ, lãnh đạo các công ty hàng đầu như: Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC), Boeing, GlobalFoundries, Marvell, Intel, Amkor Technology và Google tham dự.

Tại hội nghị này, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thống nhất đưa công nghệ, đổi mới sáng tạo và đầu tư thực sự trở thành trụ cột mới của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ.

Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp hai nước dành thời gian, công sức, trí tuệ, nguồn lực ưu tiên cho đầu tư khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nhất là chuyển đổi số, công nghiệp bán dẫn, tăng trưởng xanh, năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu và kinh tế tuần hoàn.

Công nghệ là trụ cột mới của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ
Hội nghị cấp cao Việt Nam - Mỹ về Đầu tư và đổi mới sáng tạo

Nhà lãnh đạo Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ Mỹ, sự cam kết về vốn, khoa học công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cao của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ trong hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển xanh, nhanh, bền vững và bao trùm. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng đây là cơ hội để hai nước thúc đẩy quan hệ, không chỉ trong lĩnh vực đầu tư, đổi mới sáng tạo mà trên tất cả các lĩnh vực, nhằm mang lại sự phồn thịnh chung. Phía Mỹ nhấn mạnh, đây cũng chỉ là điểm khởi đầu. Hai nước, doanh nghiệp hai nước cần cùng nhau củng cố, tăng cường hợp tác để tiến xa hơn trong tương lai.

FPT đề xuất hướng nuôi dưỡng hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam

Tại Hội nghị cấp cao, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT đề xuất Chính phủ Mỹ đầu tư đào tạo từ 30.000 đến 50.000 chuyên gia bán dẫn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành này, cam kết nỗ lực góp phần vào mục tiêu này.

Phía FPT mong muốn Đại học FPT nhận được đầu tư để đào tạo kỹ sư chuyên về thiết kế chip bán dẫn và AI, nhằm nâng cao năng lực của lực lượng lao động trong các lĩnh vực quan trọng này.

Ông Trương Gia Bình khẳng định: "Đại diện doanh nghiệp Việt, FPT mong muốn Chính phủ Mỹ có các chính sách hỗ trợ toàn diện đưa Việt Nam trở thành quốc gia có hệ sinh thái bán dẫn".

Công nghệ là trụ cột mới của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ 1
FPT đề xuất Chính phủ Mỹ đầu tư đào tạo từ 30.000 đến 50.000 chuyên gia bán dẫn

Bên cạnh đó, FPT cũng đề xuất Chính phủ Mỹ kêu gọi đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn như: Boeing, AT&T, Qualcomm, Intel, Ford…

Về phía Chính phủ Việt Nam, tập đoàn mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi về pháp lý, và cam kết đầu tư phát triển đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn.

Trước đó, Đại học FPT công bố thành lập Khoa vi mạch bán dẫn, nhằm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu hụt tại Việt Nam. Khoa dự kiến đón lứa học viên, sinh viên đầu tiên vào năm 2024 với định hướng đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, thực hiện nghiên cứu cho ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam.

Cũng nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden, FPT đã kí kết hợp tác chiến lược toàn diện với LandingAI - công ty tiên phong trong lĩnh vực thị giác máy và trí tuệ nhân tạo tại Silicon Valley, Mỹ nhằm đẩy nhanh quá trình đưa AI vào đào tạo tại hệ thống giáo dục FPT Education.

Kỳ lân cần nguồn vốn và nhân tài

Phó chủ tịch HĐQT - CEO MoMo Nguyễn Mạnh Tường là đại diện fintech Việt Nam duy nhất tham gia Hội nghị cấp cao Việt Nam - Mỹ về Đầu tư và đổi mới sáng tạo.

Ông Nguyễn Mạnh Tường cho biết: "20 năm trước, tôi là một trong 17 người được chọn vào chương trình Học bổng VEF (Việt Nam Education Foundation Scholars) do Chính phủ Mỹ tài trợ. Mục đích của chương trình này là đào tạo những nhà lãnh đạo tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ và khoa học".

Khi đồng sáng lập MoMo cách đây 14 năm, tầm nhìn của ông Tường về MoMo đã được ảnh hưởng sâu sắc bởi xã hội không dùng tiền mặt trong quá trình du học ở Mỹ.

Công nghệ là trụ cột mới của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ 2
Phó Chủ tịch HĐQT - CEO MoMo Nguyễn Mạnh Tường

Hiện nay, hầu hết các lãnh đạo MoMo đều tốt nghiệp các trường đại học nổi tiếng Mỹ như Harvard, Columbia, Yale và Chicago. Đồng thời, các cổ đông lớn của MoMo cũng là các quỹ đầu tư tài chính lớn đến từ Mỹ, trong đó có Warburg Pincus, Goodwaters,...

"Với nhân tài và nguồn vốn đến từ Mỹ, kết hợp cùng các quy định ưu đãi của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển tài chính toàn diện đã tạo điều kiện cho MoMo xây dựng được một nền tảng công nghệ sáng tạo và độc đáo, phù hợp với nhu cầu liên quan đến dịch vụ tài chính của người dân Việt Nam, giúp cải thiện cuộc sống của hàng triệu người dân thu nhập trung bình và thấp", CEO MoMo nhấn mạnh.

Phía MoMo đề xuất tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ cả hai Chính phủ để có thể thực hiện được mong muốn của mình - đó là trở thành một nhân tố quan trọng, góp phần thúc đẩy nhanh chóng quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế Việt Nam.

Thủ phủ công nghệ của châu Á trong 10 năm tới

Đứng vai trò là doanh nghiệp Internet hàng đầu tại Việt Nam, phía VNG bày tỏ mong muốn tìm kiếm quan hệ đối tác với các công ty Hoa Kỳ trong lĩnh vực cấp phép trò chơi, điện toán đám mây và đặc biệt là AI.

VNG cho biết đang xây dựng các mô hình ngôn ngữ lớn dành riêng cho tiếng Việt dựa trên mã nguồn mở của các công ty công nghệ Mỹ.

Công nghệ là trụ cột mới của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ 3
VNG đề xuất cả hai Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp các khuôn khổ pháp lý thuận lợi

"Chúng tôi hy vọng Chính phủ hai nước sẽ ưu tiên và hỗ trợ các khoản đầu tư của Mỹ vào Việt Nam trong lĩnh vực đám mây và AI thông qua các chính sách công nghiệp và ưu đãi thuế", phía VNG khẳng định.

Dẫn giải về đề xuất này, đại diện VNG cho hay, để thành công trong lĩnh vực AI, doanh nghiệp cần tiếp cận được nguồn vốn lớn và xây dựng được thương hiệu toàn cầu.

Đó là lý do VNG đã nộp đơn lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ để xin cấp phép chào bán cổ phiếu ra công chúng (IPO) với pháp nhân VNG Limited.

"Chúng tôi tin rằng sẽ ngày càng nhiều công ty công nghệ của Việt Nam niêm yết tại Mỹ trong tương lai. Để làm được điều đó, cần cả hai Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp các khuôn khổ pháp lý thuận lợi", phía VNG nhấn mạnh.

Ngoài ra, VNG cũng kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành trung tâm công nghệ và R&D chủ chốt ở châu Á trong 10 năm tới nhờ sở hữu lực lượng lao động kỹ thuật đông đảo, có trình độ học vấn cao và văn hóa doanh nhân năng động.