Liệu giá vàng có tiếp tục phá kỷ lục?

Nhật Hạ - 21:09, 24/07/2020

TheLEADERGiá vàng đã tăng mạnh trong những ngày gần đây, phá kỷ lục trong nước. Dù vậy, các yếu tố hỗ trợ giá vàng dường như vẫn chiếm thế áp đảo, khiến đà tăng có thể chưa dừng lại.

Tuần hiện tại là tuần hưng phấn nhất của những nhà đầu tư ‘chung thủy’ với kênh đầu tư an toàn - vàng. Sự ‘cố chấp’ bấy lâu nay được đền đáp khi giá vàng thế giới đã tăng 88 USD/ounce kể từ đầu tuần, tương đương 4,9%. So với cuối năm 2019, kênh đầu tư này đã tăng 25% lợi nhuận.

Giá vàng thế giới hiện đang ở sát ngưỡng kháng cự mới 1.900 USD/ounce. Với tốc độ tăng giá trong vài ngày qua, thị trường vàng không còn xa đỉnh lịch sử 1.920,7 USD/ounce vào tháng 9/2011. Nếu vượt qua ‘chốt chặn’ đó, mức 2.000 USD/ounce sẽ được vàng thách thức.

Tại thị trường trong nước, tính đến 15h chiều nay, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 53,8 – 55,4 triệu đồng/ lượng (mua vào – bán ra), tăng tương ứng 3,45 – 4,63 triệu đồng trong tuần này. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay, phá vỡ các kỷ lục của giá vàng SJC trong lịch sử.

So với cuối năm 2019, giá vàng SJC đã tăng 11,55 – 12,65 triệu đồng/ lượng (mua vào – bán ra), tương đương 28%.

Theo Jim Wyckoff, Chuyên gia phân tích thị trường của Kitco, nhu cầu về tài sản trú ẩn an toàn, mua kỹ thuật, đồng USD liên tục mất giá, giá dầu thô tăng và nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng ở Trung Quốc và Ấn Độ - hai thị trường tiêu thụ vàng vật chất lớn nhất thế giới, đang thúc đẩy sự leo thang của giá vàng gần đây.

Tuy nhiên, nhìn rộng ra, đà tăng của giá vàng kể từ đầu năm thực tế được hỗ trợ tích cực từ môi trường vĩ mô thế giới. Vàng luôn được ví như ‘thiên đường an toàn’ trong thời kỳ biến động chính trị - xã hội. Do đó, giới phân tích cho rằng, khi thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức suốt nửa năm qua, việc giá liên tục phá các ngưỡng kháng cự không phải là điều đáng ngạc nhiên.

Trong đó, các lý do về vĩ mô luôn được nhắc đến trong các báo cáo của các tổ chức tài chính, ngân hàng lớn trên thế giới gồm triển vọng kinh tế toàn cầu u ám, chính sách nới lỏng chưa từng có ở nhiều quốc gia, lợi suất thực thấp kỷ lục tại Mỹ.

Bối cảnh vĩ mô ủng hộ vàng

Hoạt động kinh tế trên toàn cầu bị đình trệ bởi đại dịch Covid-19 bùng phát kể từ đầu năm. Hàng loạt quốc gia từ Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Liên minh châu Âu (EU)… đã bị đẩy vào suy thoái trong năm nay.

Các tổ chức lớn như Bloomberg, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều đưa ra quan điểm tương đồng về khó khăn trong năm 2020 và dự báo nền kinh tế chỉ hồi phục từ năm 2021.

Cụ thể, Bloomberg dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay giảm 3,7%, hồi phục trở lại 5% trong năm 2021 và tiếp tục tăng 3,3% trong năm 2022; WB dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay giảm 5,2%, năm 2021 tăng trưởng dương trở lại 4,2%; IMF dự báo GDP năm nay giảm 3%, năm 2021 tăng trở lại 5,8%.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao ở nhiều nơi, doanh nghiệp công bố phá sản liên tục, đặc biệt là các doanh nghiệp bán lẻ trên toàn cầu.

Hiện tại, qua các dữ liệu kinh tế được công bố gần đây, Trung Quốc đang tăng trưởng trở lại, nhưng Mỹ, Ấn Độ hay Brazil lại chứng kiến số ca nhiễm Covid-19 mới tăng vọt. Khi triển vọng vắc-xin Covid-19 còn mờ mịt, lệnh phong tỏa kéo dài ở nhiều nơi sẽ càng khiến kinh tế toàn cầu hồi phục chậm chạp.

Do đó, nhà đầu tư gia tăng nắm giữ vàng để phòng ngừa rủi ro. Goldman Sachs nhận định vàng là "công cụ lưu trữ giá trị quan trọng nhất" trong thời kỳ kinh tế suy giảm nghiêm trọng.

Xu hướng giá vàng tăng thông thường chỉ kết thúc khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục trở lại sau khủng hoảng, điều này đã diễn ra vào những năm 2012 sau khi kinh tế dần hồi phục, giá vàng cũng bắt đầu giảm nhiệt, theo báo cáo tuần trước của Ngân hàng UBS, ngân hàng tư nhân lớn nhất thế giới có trụ sở tại Thụy Sỹ.

Nếu lịch sử lặp lại thì sau giai đoạn khủng hoảng, nền kinh tế mất một khoảng thời gian đủ dài, từ 2-3 năm, để thanh lọc và lấy đà cho một chu kỳ mới. Chính vì vậy, xu hướng giá vàng sẽ khó có thể giảm trong khoảng thời gian sắp tới, thậm chí có thể tiếp tục đà tăng.

Quản trị danh mục đầu tư khôn ngoan giúp thắng lớn ở 'thời của vàng'
Bối cảnh vĩ mô ủng hộ vàng.

Bên cạnh đó, thiệt hại nghiêm trọng do Covid-19 gây ra khiến chính phủ nhiều nước phải tung ra các gói kích thích khổng lồ để vực dậy nền kinh tế. Mới đây nhất, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận về gói kích thích tài khóa trị giá 750 tỷ euro. Trước đó, các thành viên EU cũng đã áp dụng gói kích thích riêng trị giá hàng trăm tỷ euro cho nước mình, đồng thời hạ lãi suất để cứu nền kinh tế.

Tại Mỹ, làn sóng Covid-19 thứ hai dẫn đến số ca nhiễm mới tăng vọt trở lại gần đây. Các nhà lập pháp nước này đang phải thảo luận một gói kích thích mới trong chưa đầy 2 tuần, trước khi chương trình hỗ trợ thất nghiệp mở rộng cho hàng triệu người nước này hết hạn. Trước đó, Mỹ đã công bố gói kích thích hàng nghìn tỷ USD và hạ lãi suất về gần bằng 0.

Việc nới lỏng chính sách cũng phổ biến tại nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ, Trung Quốc… Các chính sách này khiến giới đầu tư lo ngại về nguy cơ lạm phát và tiền tệ mất giá.

Triển vọng kinh tế khó lường và nỗi lo lạm phát đã đẩy giới đầu tư thực hiện các chiến lược phòng thủ. Phần trăm của các loại tài sản an toàn tăng cao hơn trong danh mục đầu tư của họ. Trong khi đó, vàng chính là điểm đến an toàn truyền thống trong tiềm thức của người dân, giới đầu tư và ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia muốn tăng dự trữ vàng để giữ an toàn trước những bất ổn trong tương lai.

Trong báo cáo mới đây, Bank of America nhận định "Khi GDP giảm mạnh, chi tiêu tài khóa tăng và bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương phình ra gấp đôi, tiền tệ các nước sẽ chịu sức ép. Do đó, giới đầu tư sẽ nhắm đến vàng".

Trích báo cáo của Ngân hàng UBS, trong thời kỳ thị trường chứng khoán sụt giảm trong quý I năm nay, một số khách hàng giàu nhất của ngân hàng này đã vay vốn để đầu tư hàng tỷ USD vào chứng khoán.

Sau khi kiếm được khoản lợi nhuận khổng lồ từ đầu tư chứng khoán, các khách hàng giàu có này đang tìm kiếm kênh đầu tư khác cho dòng chảy của tiền.

Chưa kể, căng thẳng Mỹ - Trung có dấu hiệu leo thang khi ngày 22/7 Bộ Ngoại giao Mỹ đột ngột yêu cầu Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán ở thành phố Houston, Texas. Sau đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân lên án hành động này của phía Mỹ và cảnh báo sẽ đáp trả thích đáng.

UBS cho biết thêm, “Dòng tiền hiện được phân bổ thêm vào tiền mặt và vàng. Việc nắm giữ tiền mặt có vẻ là xu hướng tạm thời. 26% khách hàng của UBS cho thấy họ sẽ giảm dự trữ tiền mặt trong 2-3 năm tới, nhưng có đến 45% khách hàng cho biết họ sẽ gia tăng nắm giữ vàng”.

Như vậy có thể thấy, trên thị trường quốc tế, xu hướng gia tăng nắm giữ vàng đang được giới đầu tư lựa chọn khi nền kinh tế vẫn chưa rõ thời điểm hồi phục.

'Đối thủ' lớn nhất - USD rớt đáy 2 năm

Ngoài ra, ông Bart Melek, Giám đốc Ngân hàng TDSecurities, đánh giá đồng USD yếu đi, lãi suất thấp cũng là hai yếu tố quan trọng thổi giá vàng tăng cao. Bởi USD thường được coi là đối thủ của kim loại quý khi nhà đầu tư có nhu cầu trú ẩn.

Hiện chỉ số đồng USD (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), đã rớt đáy gần 2 năm. Trong khi đó, lợi suất thực (lợi suất danh nghĩ trừ lạm phát) tại Mỹ đã về -0,8%, tiến gần mức đáy năm 2012. Điều đó khiến nhà đầu tư khó rời bỏ vàng trong ngắn hạn.

Theo Hedley Widdup, Giám đốc điều hành của Lion Selection Group, không chỉ sự gián đoạn bởi Covid-19 gây ra đã làm thay đổi tâm lý trên thị trường, các nhà đầu tư đã bắt đầu chú ý đến thị trường vàng vào năm ngoái khi giá cuối cùng đã phá vỡ mức 1.300 USD/ ounce và sau đó là mức 1.500 USD.

Theo ông, có một sự thay đổi về xu hướng dòng tiền không chỉ đối với vàng mà cả cổ phiếu của các doanh nghiệp khai thác vàng vào giữa năm ngoái, tương ứng với thời điểm rất nhiều ngân hàng trung ương chuyển từ tăng lãi suất sang tạm dừng hoặc thậm chí bắt đầu nhắc QE.

Giờ đây, thị trường vàng hay những kênh đầu tư liên quan tới vàng đang chứng kiến sự gia tăng của các nhà đầu tư mới đổ tiền vào. Các nhà đầu tư mới được thúc đẩy bởi ba yếu tố gồm triển vọng lãi suất thấp, nền tảng giao dịch tiêu cực trong các kênh đầu tư khác của thị trường tài chính và FOMO (hội chứng sợ bỏ lỡ, sợ mất cơ hội).

Trong báo cáo triển vọng hàng hóa quý III mới đây, các nhà phân tích tại Citigroup dự báo, giá vàng đạt đỉnh lịch sử trong 6 - 9 tháng tới. Xác suất giá chạm 2.000 USD một ounce trong 3 - 5 tháng tới hiện là 30%.

Vào tháng 6, Goldman Sachs dự báo giá vàng trong 3 - 6 tháng tới lên 1.800 - 1.900 USD và một năm sau lên 2.000 USD/ounce. Hồi tháng 4, Bank of America cho rằng chính sách kích thích kinh tế chưa từng có của các nước trong đại dịch sẽ kéo vàng lên 3.000 USD một ounce cuối năm 2021.