Thủ tướng đề nghị đưa ra gói kích thích kinh tế mới

Nhật Hạ - 18:11, 20/05/2020

TheLEADERThủ tướng đề nghị Quốc hội xem xét đưa ra gói kích thích kinh tế mới trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn kéo dài trên phạm vi toàn cầu.

Báo cáo trước Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết so với cuối năm 2019, tình hình có sự thay đổi rất lớn, khó khăn hơn nhiều do tác động bởi đại dịch Covid-19. Mục tiêu tăng trưởng GDP đã đặt ra 6,8% cho năm 2020 là thách thức lớn và khó đạt được. 

Do đó, lãnh đạo Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương về một số cơ chế, chính sách đặt thù trong tình hình mới.

Thứ nhất, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu năm 2020, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP, thu - chi ngân sách, bội chi, nợ công... Các chỉ tiêu cụ thể sẽ được cơ quan này báo cáo Quốc hội sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Thứ hai cân nhắc chưa tăng lương cơ sở với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, lương hưu từ 1/7/2020 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng Covid-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.

Trước đó, theo nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 8 vào cuối năm 2019, lương cơ sở cho cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, lương hưu sẽ tăng lên 1,6 triệu đồng một tháng từ 1/7. Mức này tăng khoảng 110.000 đồng (7%) so với năm 2018.

Thứ ba, cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong phạm vi dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020. Đồng thời, thực hiện các giải pháp đặc thù để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển trong bối cảnh khó khăn.

Thứ tư, chuyển đổi phương thức đầu tư các dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ phương thức đối tác công tư sang đầu tư từ nguồn vốn Ngân sách Nhà nước do việc huy động nguồn vốn tín dụng cho các dự án đối tác công tư rất khó khăn.

Thứ năm, miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách của các lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19, trong đó giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Thứ sáu, Thủ tướng đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc việc kéo dài thời kỳ ổn định Ngân sách Nhà nước giai đoạn 2017 - 2020 sang năm 2021; trong năm 2021 ban hành định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước cho giai đoạn 2022 - 2025 cho phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn.

Thứ bảy, Quốc hội xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy hồi phục và phát triển kinh tế, xem xét đưa ra gói kích thích kinh tế mới trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn kéo dài trên phạm vi toàn cầu.

Từ đó, kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, bảo đảm nguồn lực cho phòng chống dịch và an sinh xã hội và góp phần củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp.

Theo Thủ tướng, mặc dù khó khăn nhưng vẫn có những thời cơ mới mở ra sau đại dịch khi làn sóng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc đã bắt đầu. Trong đó, Việt Nam có thể là một trong những điểm đến tiếp theo của các nhà đầu tư, tập đoàn đa quốc gia.

Thủ tướng đề nghị đưa ra gói kích thích kinh tế mới
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 hôm nay.

Ông nhấn mạnh, thực tế này đòi hỏi Việt Nam phải nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới, thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh để đón làn sóng dịch chuyển đầu tư.

Chính phủ sẽ chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, nguồn nhân lực, mặt bằng để chủ động đón đầu dòng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn đa quốc gia gắn với chuỗi giá trị và chuyển giao công nghệ tiên tiến.

Đồng thời, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị trong nước, đa dạng hóa sản phẩm gắn với nâng cao sức cạnh tranh, phát triển mạnh thị trường nội địa quy mô gần 100 triệu dân. Việc này giúp từng bước hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính hệ thống và năng lực cốt lõi, có sức đề kháng mạnh mẽ, chống chịu hiệu quả trước các cú sốc từ bên ngoài.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho biết cũng sẽ có biện pháp phù hợp tránh tình trạng doanh nghiệp trong nước bị lợi dụng thâu tóm, sáp nhập.

Ngoài thiết lập lại chuỗi cung ứng trong nước, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công cũng được xem là "biện pháp quan trọng hàng đầu" thúc đẩy tăng trưởng. Các dự án hạ tầng trọng điểm như đường bộ cao tốc Bắc - Nam, cảng hàng không quốc tế Long Thành... sẽ được quyết liệt triển khai để tạo tính lan toả, kết nối vùng, miền.