Năng lực kỹ thuật và khả năng khắc phục
sai phạm sẽ quyết định chỗ đứng của các dự án nguồn trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII.
Chính phủ chủ trương đưa vào Kế hoạch thực
hiện Quy hoạch Điện VIII các dự án nguồn điện không sai phạm, hoặc đã khắc phục sai phạm
và đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật, an toàn hệ thống, công nghệ truyền tải, hiệu quả
kinh tế.
Vào tháng 12/2023, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra việc Bộ Công Thương phê duyệt, bổ sung và tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bổ sung 154 dự án điện mặt trời, tổng công suất 13.837 MW, không có căn cứ, cơ sở pháp lý về quy hoạch.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, khi chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành, địa phương hôm 14/8, đã nhấn mạnh yêu cầu "đảm bảo không lãng phí nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương".
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ Công Thương đã rà soát để cập nhật Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII lượng lớn các dự án nguồn điện, gồm 110 dự án điện gió, tổng công suất 6.665MW; 128 dự án thủy điện nhỏ, công suất 1.363 MW; 21 dự án điện sinh khối, công suất 414MW và 34 dự án điện rác, công suất 621MW.
Bộ Công Thương cho rằng, việc nhiều dự án điện mặt trời do địa phương đề xuất chưa được cập nhật vào Kế hoạch do thuộc danh sách 154 dự án nguồn điện sai phạm được nêu trong kết luận của Thanh tra Chính phủ, đã chuyển sang cơ quan điều tra.
Quá trình cập nhật, bổ sung các dự án này vào Kế hoạch sẽ được thực hiện sau khi có kết luận của cơ quan điều tra về khắc phục các sai phạm liên quan đến đất đai, trình tự đầu tư và quy hoạch của các dự án này, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương, cho biết.
Tuy nhiên, Bộ Công thương đã đề nghị tạm
thời đưa bảy dự án điện gió, gồm: Krông Buk 1 và 2, Cư Né 1 và 2 tại tỉnh Đắk Lắk; Công Lý tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Công Hải 1 và Phước Hữu tại tỉnh Ninh Thuận, ra khỏi Quyết định 262 của Thủ tướng, cho đến khi sai phạm được khắc phục.
Việc khắc phục sai phạm các dự án nguồn điện theo kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng đang được các địa phương thực hiện.
Tại tỉnh Long An, Ban quản lý Khu kinh tế đang phối hợp Sở Kế hoạch và đầu tư, tích hợp KCN Đông Nam Á giai đoạn hai với diện tích dự kiến 209ha vào Quy hoạch phát triển tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã được Thủ tướng phê duyệt.
Ban quản lý khu kinh tế cũng hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư thành lập KCN Đông Nam Á giai đoạn 2, trong đó bao gồm diện tích xây dựng nhà máy điện LNG Long An I và Long An II theo quy định.
Trước đó, việc Long An điều chỉnh phân khu chức năng vào quy hoạch phát triển
khu công nghiệp khi chưa qua thẩm định của Bộ Kế hoạch và đầu tư, cũng như trình Thủ
tướng theo quy định, dẫn đến sai phạm của một số dự án, như Điện mặt trời TTC Đức Huệ 1 và hai dự án nhiệt điện khí LNG Long An I và II.
Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương ghi nhận, đến nay, toàn bộ dự án nguồn điện do địa phương rà soát, đề xuất đã được thẩm tra, đáp ứng tiêu chí đề ra và cập nhật vào dự thảo Quyết định phê duyệt cập nhật, bổ sung vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện 8.