Lợi nhuận tăng vọt, KSB mạnh tay mua thêm 2 mỏ đá

Hà Giang - 07:05, 08/01/2018

TheLEADERTừ ‘căn cứ địa’ ở Bình Dương, KSB đã chính thức đặt chân vào thị trường Bắc Trung Bộ, đồng thời tiếp tục thăm dò khai thác mỏ đá mới ở Đông Nam Bộ.

Lợi nhuận tăng vọt, KSB mạnh tay mua thêm 2 mỏ đá
Khai thác đá xây dựng mang lại nguồn thu và lợi nhuận lớn cho KSB

Công ty CP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (mã chứng khoán: KSB) đã ra nghị quyết đầu tư vào hai mỏ đá ở Thanh Hoá và Nghệ An.

Nguồn tin từ công ty cho hay, KSB chi hơn 25 tỷ đồng để mua lại 30% cổ phần của Công ty CP Phú Nam Sơn – chủ sở hữu mỏ đá Gò Trường tại huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá.

Mỏ Gò Trường có lợi thế là nằm gần khu kinh tế Nghi Sơn đang được đầu tư lớn với nhà máy lọc dầu đang xây dựng và nhà máy xi măng đang hoạt động. Mỏ có trữ lượng ước khoảng 10 triệu m3 đá nguyên khối và có thể mang lại doanh thu trên 150 tỷ đồng mỗi năm.

Ngoài ra, KSB còn chi 14 tỷ đồng để sở hữu 70% mỏ Bãi Giang tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Mỏ này có trữ lượng khoảng 5 triệu m3 đá nguyên khối và doanh thu mỗi năm khoảng 100 tỷ đồng.

Đại diện của KSB cho biết, đây là hai mỏ đá chiến lược, có thể mang lại doanh thu cao cho KSB so với tổng mức đầu tư. Việc đầu tư vào hai mỏ đá mới nằm trong chiến lược của công ty trở thành đơn vị dẫn đầu ngành khai thác khoáng sản và vật liệu xây dựng.

Bên cạnh đó, KSB đang thực hiện đánh giá lại trữ lượng và rà soát thủ tục pháp lý các mỏ đá thuộc khu vực Tân Cang (tỉnh Đồng Nai) và Bà Rịa – Vũng Tàu, từ đó có thể mở rộng đầu tư vào lĩnh vực khai thác khoáng sản ở khu vực Đông Nam Bộ.

Từ trước đến nay, KSB tập trung kinh doanh ở Bình Dương, khai thác ba mỏ đá xây dựng ở tỉnh này, gồm Tân Đông Hiệp, Tân Mỹ và Phước Vĩnh.

Mỏ đá Phước Vĩnh có diện tích 29,62 ha, độ sâu khai thác cote -20 m, trữ lượng gần 14,5 triệu m3 nguyên khối, công suất khai thác 1,2 triệu m3 nguyên khối/năm.

KSB cũng đang thực hiện các thủ tục để xin chủ trương của UBND tỉnh Bình Dương về việc cho phép thăm dò, khai thác mỏ đá Tam Lập, diện tích 16,3 ha, trữ lượng hơn 7,6 triệu m3 đá nguyên khối.

Tương lai cụm mỏ Tân Đông Hiệp

Trong số các mỏ đá của KSB, Tân Đông Hiệp được xem như ‘gà đẻ trứng vàng’, đóng góp phần lớn doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, thời hạn khai thác mỏ vừa hết và KSB đã xin tiếp tục được khai thác tiếp xuống sâu hơn đến cote – 150m.

Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản số 5696/UBND-KTN do Chủ tịch Trần Thanh Liêm ký đã thống nhất cho phép bốn công ty tại cụm mỏ là Công ty CP Xây dựng và Khoáng sản Bình Dương, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 3 tháng 2, Công ty CP Xây dựng Trung Thành và Công ty CP Xây dựng Bình Dương được thăm dò và khai thác xuống sâu trong khi chờ điều chỉnh quy hoạch để cấp phép mới.

UBND tỉnh cũng giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường giám sát quá trình thực hiện tuân thủ các quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Dương đã nhận nhiệm vụ lấy ý kiến của người dân xung quanh cụm mỏ về việc có đồng ý để cụm mỏ Tân Đông Hiệp tiếp tục được khai thác hay không. Kết quả cho thấy tỷ lệ ủng hộ của người dân lên đến 92%.

Lợi nhuận vượt kỳ vọng

Lãnh đạo KSB cũng cho biết, lợi nhuận ước tính của cả năm 2017 vượt xa kế hoạch đặt ra từ đầu năm. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế ước đạt 342 tỷ đồng, tăng 32,7% so với năm 2016. Trong khi đó, doanh thu đạt 1.070 tỷ đồng, tăng 24,7%.

Ngoài nguồn thu từ khai thác khoáng sản, KSB cũng đang kỳ vọng tăng doanh thu từ phát triển khu công nghiệp. Năm qua, KSB đã chi 300 tỷ đồng để thành lập Công ty TNHH MTV Phát triển Khu công nghiệp KSB.

Trên cơ sở đó, KSB tiếp tục phát triển khu công nghiệp Đất Cuốc với tổng diện tích 553ha, trong đó đã lấp đầy 80% diện tích giai đoạn 1; đồng thời đang đàm phán mua lại một khu công nghiệp có tiếng ở TP. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng cho thuê, KSB sẽ đầu tư hệ sinh thái khu công nghiệp, vừa đáp ứng nhu cầu nhà xưởng, vừa cung cấp đầy đủ nhà ở, dịch vụ tài chính, vận chuyển, y tế, giáo dục, văn hoá, giải trí.

Trước mắt, KSB sẽ dành 19,23 ha xây dựng khoảng 1.000 ngôi nhà, trường học, công viên cây xanh, khu vui chơi giải trí… nhằm đáp ứng yêu cầu nhà ở cho đội ngũ chuyên gia, công nhân viên các công ty trong KCN Đất Cuốc và các khu vực lân cận.