Các nhà sản xuất lúa phát thải thấp cần bù đắp về kinh tế để cân đối được các chi phí giảm phát thải khí nhà kính.
Nông
nghiệp xanh không chỉ là xu thế toàn cầu, mà còn là ưu tiên trong chính sách
phát triển nông nghiệp của đất nước, bà Nguyễn
Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế
hoạch và Đầu tư, cho biết tại hội
thảo “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp thông qua cơ chế thị trường” ngày
17/9.
Bà Ngọc nhấn mạnh sáng tạo xanh
là yếu tố cốt lõi giúp ngành nông nghiệp ứng
phó với các thách thức liên quan đến biến
đổi khí hậu, đặc biệt với Đồng bằng sông Cửu Long vốn là vựa lúa lớn
nhất cả nước, sẽ mất từ 500.000
đến 1 triệu ha đất nông nghiệp vào năm 2050 do nước biển dâng, gây thiệt hại
hàng năm lên tới 3% GDP.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh trong sản xuất nông nghiệp, từ hệ thống tưới nhỏ giọt, công nghệ nhà kính thông minh đến việc sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất.
Các mô hình này đã giúp giảm lượng phát thải carbon, tiết kiệm nước và tăng năng suất cây trồng. Việt Nam cũng đang hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Mặc dù vậy, sáng tạo xanh trong nông nghiệp cần thông qua cơ chế thị trường, theo PGS.TS Chu Hoàng Long, Đại học Quốc gia Australia.
Ông Long cho biết các nhà sản xuất lúa phải chịu chi phí để giảm phát thải khí nhà kính. “Một số nhóm sản xuất đã báo cáo rằng họ đã áp dụng các kỹ thuật hiệu quả đầu vào, nhưng thực tế chi phí lại cao hơn”, ông nói.
Vì thế, ông cho rằng, các nhà sản xuất lúa cần được bù đắp về kinh tế, chỉ khi đó khuyến khích giảm phát thải mới mang lại hiệu quả.
Người nông dân trồng lúa phát thải thấp nhận được nhiều lợi ích, theo bà Nguyễn Thị Thành Thực, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Bagico, trong đó bà nhấn mạnh mô hình thí điểm theo đề án 1 triệu ha lúa đã chứng minh được nhiều lợi ích, đặc biệt trong việc tăng năng suất.
Bà Thực cho rằng: “Với lúa gạo, cần định vị người tiêu dùng sản phẩm lúa phát thải thấp là những người có thu nhập cao.”
Nhiều nhà phân tích lập luận rằng, việc tham gia các dự án lúa phát thải thấp đòi hỏi nông dân phải áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến hơn so với các phương pháp truyền thống.
Trên thực tế, trồng lúa phát thải thấp không chỉ giúp giảm phát thải khí metan mà còn mang lại nhiều lợi ích khác, như giảm lượng nước sử dụng, giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất.
Khi cam kết canh tác lúa giảm phát thải, nông dân còn được tiếp cận các khóa đào tạo và nguồn lực, góp phần đảm bảo tính bền vững lâu dài của đất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp và nông dân sản xuất lúa có thêm lợi ích từ bán tín chỉ carbon.
Tín chỉ carbon được giao dịch trên thị trường với mức giá thay đổi tùy theo cung và cầu. Giá tín chỉ thường cao hơn trong các thị trường tuân thủ, do yêu cầu pháp lý.
Mô hình này có tính tương thích cao với nông dân và các ngành công nghiệp tại Việt Nam, do nhiều lĩnh vực trong chương trình đã quen thuộc với người dân. Chương trình còn mang lại sự linh hoạt cho cả nông hộ nhỏ và các doanh nghiệp lớn, giúp mọi thành phần trong nền kinh tế có thể tham gia và hưởng lợi.
Theo các nhà nghiên cứu kinh tế và chính sách bền vững, việc triển khai chương trình giảm phát thải tại Việt Nam cần có nguồn tài trợ ổn định và lâu dài. Một giải pháp tiềm năng là áp dụng thuế carbon trên phạm vi quốc gia. Nguồn thu từ thuế carbon có thể được sử dụng để tài trợ cho các dự án giảm phát thải khí nhà kính.
Chính phủ Việt Nam cũng có thể tổ chức bán đấu giá quyền phát thải, từ đó tạo ra nguồn quỹ để hỗ trợ tài chính cho các sáng kiến và dự án liên quan đến giảm phát thải.
Việc triển khai chương trình giảm phát thải tại Việt Nam có thể khả thi nếu liên kết với Thị trường Carbon Quốc gia dự kiến sẽ được thành lập vào năm 2028. Để đảm bảo tính liên tục và hiệu quả, chương trình có thể được quản lý bởi một cơ quan hoặc tổ chức hiện có tại Việt Nam.