Doanh nghiệp
Luxstay tham vọng trở thành 'biểu tượng startup' của Việt Nam
Luxstay, mô hình áp dụng kinh tế chia sẻ vào ngành bất động sản và du lịch, kết nối các chủ nhà với người thuê nhà ngắn hạn được nhà sáng lập Nguyễn Văn Dũng kỳ vọng sẽ trở thành startup tiên phong khi thị trường dịch vụ lưu trú ngắn hạn bùng nổ.
Được thành lập cuối năm 2016 bởi ông Nguyễn Văn Dũng – nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Netlink, Luxstay là nền tảng trực tuyến kết nối các chủ nhà với người có nhu cầu thuê nhà ngắn hạn, trong đó có khách du lịch hoặc người kinh doanh.
Với sự hậu thuẫn của các quỹ đầu tư như CyberAgent Ventures (Nhật Bản), Genesia Ventures (Nhật Bản), ESP Ventures (Singapore), Founders Capital (Singapore) và Nextrans (Hàn Quốc), Luxstay đã nhanh chóng cán mốc 3.000 chỗ ở là các homestay, biệt thự cao cấp trải dài trên nhiều thành phố, địa điểm du lịch tại Việt Nam.
Chia sẻ với TheLEADER về quá trình lập nghiệp, ông Nguyễn Văn Dũng cho biết, Luxstay sẽ là một dự án để đời. Đồng thời, vị CEO sinh năm 1989 không giấu tham vọng đưa Luxstay thành một startup mang tính biểu tượng.
Từ ý tưởng đến khởi nghiệp
Dù được đánh giá là thành công trong lĩnh vực kinh doanh quảng cáo kỹ thuật số và các giải pháp công nghệ quảng cáo tại Việt Nam, nhưng ông chủ Netlink chưa bao giờ ngừng “giấc mơ” khởi nghiệp.
“Anh Dzũng Nguyễn – Giám đốc Quỹ đầu tư CyberAgent luôn nói, ngoài VNG, Việt Nam không có nhiều startup được gọi là “kỳ lân”, khi xét cả về quy mô, lẫn tiềm lực tài chính, hay yếu tố con người... Vì câu nói này, cá nhân tôi vẫn luôn trăn trở và muốn làm một điều gì đó để lại dấu ấn”, ông Nguyễn Văn Dũng trải lòng.
Động lực này thôi thúc vị CEO trẻ tuổi tìm kiếm và phát triển một dự án khởi nghiệp với mục tiêu phải trở thành số một thị trường.
“Ngẫm lại từ trước tới nay, tôi thấy những người giàu nhất Việt Nam đều liên quan tới bất động sản. Nhưng đó lại không phải nghề của tôi. Nhìn rộng ra một chút, Việt Nam đang có thế mạnh về du lịch. Chính phủ và các ban ngành cũng đang rất ủng hộ chủ trương này. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, mình cần làm một cái gì đó có cả bất động sản, lẫn du lịch”, ông Dũng hào hứng.
Thực tế, các sản phẩm có sự liên kết giữa bất động sản và du lịch đã ra đời cả trăm năm nay. Đó là hoạt động kinh doanh các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, resort, được gọi chung là ngành lưu trú.
Tuy nhiên mô hình lưu trú truyền thống với sự hiện diện của các thương hiệu hàng đầu Việt Nam như Vinpearl và Mường Thanh - với quy mô lên tới 10.000 phòng không phải là mục tiêu mà ông hướng đến. Bởi dù có cạnh trạnh, thì cũng phải 5 - 10 năm nữa, các startup non trẻ như ông mới có thể bắt kịp.
Với thế mạnh của mình là Internet, CEO Nguyễn Văn Dũng nảy ra ý tưởng tạo ra Luxstay, một mô hình áp dụng kinh tế chia sẻ (sharing economy) vào ngành bất động sản và du lịch. Luxstay một nền tảng trực tuyến kết nối các chủ nhà với người có nhu cầu thuê nhà trong ngắn hạn.
Nền tảng Luxstay ra đời có 2 lợi thế. Lợi thế đầu tiên là ngành bất động sản Việt Nam đang bùng nổ. Đó là các chung cư, biệt thự, nhà ở được mua để đầu tư và cho thuê. Ông Dũng đánh giá, nguồn tài nguyên này sẵn có và dồi dào hơn mô hình truyền thống là khách sạn, resort.
Lợi thế thứ hai là hiện Việt Nam chưa có một doanh nghiệp nào đủ lớn để dẫn dắt thị trường. Các hình thức cho thuê nhà, cho thuê homestay còn nhỏ lẻ và làm rời rạc. Luxstay ra đời có cơ hội xây dựng một ngành công nghiệp mới, đúng với mục tiêu tiên phong và trở thành số một như đã đề ra.
Nhu cầu từ thị trường lưu trú ngắn hạn
“Không sớm thì muộn, Luxstay có hay không thì thị trường này cũng sẽ bùng nổ. Bài toán ở đây là làm sao để mở ra thị trường mới”, ông Dũng khẳng định. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường du lịch Việt Nam có giá trị lên tới 20 tỷ USD là lý do CEO Luxstay tin tưởng startup này có cơ hội để thành công.
Theo ông Dũng, homestay đang là xu hướng trên thế giới. Thậm chí tại một số quốc gia, thị phần của loại hình homestay còn vượt qua cả khách sạn truyền thống. Do đó, Việt Nam chắc chắn không nằm ngoài xu thế này.
“Chúng tôi nhìn thấy từ thị trường nhu cầu lưu trú ngắn hạn rất lớn. Bản thân Luxstay không chỉ đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người đi du lịch, đi công tác, mà còn tạo ra những nhu cầu mới như: thay đổi không gian, tổ chức các sự kiện nhỏ, chủ yếu nhắm vào thị phần chưa ai khai phá”, CEO sinh năm 1989 nói.
Ông Dũng lấy ra dẫn chứng là bài toán của ngành chia sẻ xe. Khi Uber và Grab mới xuất hiện, nhiều người chỉ nhìn vào miếng bánh của thị trường taxi truyền thống. Tuy nhiên, trên thực tế, khi mô hình mới ra đời, Uber và Grab đã tạo ra thị trường trước đây chưa từng có.
“Trước đây, có những người một tháng chỉ đi taxi vài lần. Nhưng từ khi Uber, Grab ra đời, họ có thể đi hàng tuần, hàng ngày. Ngành gọi xe đã tạo nhu cầu mới, thay đổi thói quen người tiêu dùng, suy ra ngành lưu trú ngắn hạn cũng tương tự. Sau thời gian dài tìm hiểu, chúng tôi phát hiện ra, nhu cầu của khách hàng đang ngày một đa dạng hơn. Nhiều người thuê các homestay đơn giản là tụ tập bạn bè, nhiều cặp đôi lại muốn thay đổi môi trường, hoặc họ thuê các căn biệt thự để tổ chức sự kiện…”, CEO Luxstay chia sẻ.
Thời điểm hiện tại, Luxstay phục vụ trên 10.000 lượt đặt phòng mỗi tháng. Ông Nguyễn Văn Dũng kì vọng, số lượt đặt phòng sẽ tăng gấp đôi từ nay cho tới cuối năm 2018.
Tất nhiên, vị CEO này không phủ nhận, lĩnh vực cho thuê homestay, biệt thự tại Việt Nam vẫn là một thị trường mới, nên khó tránh khỏi việc người tiêu dùng tỏ ra e ngại. Do đó, bài toán mà Luxstay cần giải quyết vẫn là chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, bài toán nhân sự với Luxstay cũng là một thách thức lớn. Vì mở ra một thị trường mới, xét cả về công nghệ lẫn dịch vụ, nên startup này phải chạy đua với thời gian, làm sao đào tạo được các nhân sự hiểu và thích ứng nhanh với ngành.
Chưa kể, thị trường lưu trú ngắn hạn tại Việt Nam còn có sự tham gia Airbnb. Dù chưa có hoạt động chính thức tại Việt Nam, Airbnb đã thu hút nhiều chủ nhà tham gia, với khoảng 35.000 căn hộ, tốc độ tăng trưởng lên tới 150% mỗi năm.
Ông Dũng nhìn nhận: “Đây là một phép thử cho thị trường. Điều này chứng tỏ, lĩnh vực lưu trú ngắn hạn mà chúng tôi đang tham gia là rất tiềm năng. Cá nhân tôi nhận thấy sự xuất hiện của Airbnb tại Việt Nam là một tín hiệu tốt, bởi Luxstay sẽ không phải làm thị trường một cách đơn độc”.
Liên kết để chiếm lĩnh thị phần
Trả lời câu hỏi: “Liệu Luxstay có lo sợ trước việc Airbnb đang thâm nhập rất nhanh vào thị trường Việt Nam và sẽ nhanh chóng thống lĩnh thị trường?”, CEO Luxstay cho rằng, startup trong nước tuy tuổi đời non trẻ, tiềm lực khiêm tốn, nhưng cũng có những lợi thế nhất định.
Trong ngắn hạn, việc Luxstay am hiểu thị trường và người tiêu dùng Việt Nam hơn sẽ là một lợi thế. Nhưng chắc chắn, lợi thế này sẽ không tồn tại lâu, vì các doanh nghiệp nước ngoài hoàn toàn có thể tuyển dụng các nhân sự Việt Nam để điều hành kinh doanh.
“Tôi cho rằng, lợi thế lớn nhất của Luxstay là có thể tập trung đầu tư và phát triển, hoàn thiện sản phẩm. Trong khi các đơn vị nước ngoài thường coi Việt Nam là một thị trường nhỏ, thường có hạn mức đầu tư nhất định. Nếu thu hút được nguồn lực đủ mạnh, Luxstay sẽ đi rất nhanh, thậm chí là nhanh hơn Airbnb”, ông Dũng nói.
Nguồn lực được ông Dũng nhắc đến bao gồm: tài chính, các nhà tư vấn, chiến lược truyền thông và đặc biệt là khả năng liên kết với các dịch vụ, sản phẩm khác trong nước.
CEO Luxstay cho biết, startup này đang lên kế hoạch liên kết với các doanh nghiệp khác để mở ra một hệ sinh thái xoay quanh hoạt động thuê và cho thuê nhà.
Về hoạt động cho thuê nhà, Luxstay sẽ hợp tác với các đơn vị thiết kế, trang trí nội thất, dịch vụ dọn phòng để tư vấn cho chủ nhà. Bên cạnh đó, công ty còn tổ chức các khóa học về bán hàng, marketing, làm sao giúp chủ nhà tối ưu hiệu quả kinh tế.
Về hoạt động thuê nhà, Luxstay sẽ đưa vào các gợi ý về dịch vụ ăn uống, đặt chỗ, đặt bàn, để làm sao khách lưu trú tại các homestay, biệt thự, nhận được những trải nghiệm tốt nhất.
“Người ta hay so sánh về các dịch vụ, tiện ích giữa khách sạn và homestay. Do đó, nếu Luxstay có thể cung cấp cho chủ nhà lẫn khách thuê những trải nghiệm, tiện ích tốt nhất, sự so sánh này sẽ không còn nữa. Do đó, mục tiêu của Luxstay là tạo ra một hệ sinh thái đủ lớn để đáp ứng mọi yêu cầu về lưu trú của khách hàng. Luxstay không chỉ cho thuê chỗ ở, mà là khám phá những trải nghiệm mới”, ông Nguyễn Văn Dũng khẳng định.
Trong tương lai không xa, vị CEO sinh năm 1989 còn hướng tới việc liên kết với OTA, các đại lí du lịch truyền thống tại Việt Nam để tiếp cận thị trường du lịch.
Sắp tới, Luxstay sẽ tiếp tục huy động vốn để mở rộng thị trường. Ông Dũng kì vọng, Luxstay sẽ không chỉ dừng lại ở Việt Nam, mà còn vươn tầm Châu Á.
CEO này dự báo, tới cuối năm, số lượng chỗ ở trên Luxstay sẽ cán mốc 5.000 homestay, biệt thự. Trong đó, yếu tố chất lượng dịch vụ sẽ được công ty đặt lên hàng đầu.
“So với Airbnb, số lượng homestay chúng tôi đang có là một khoảng cách khá xa. Nhưng tôi cho rằng, đây không phải yếu tố cốt lõi. Bởi Airbnb nhiều chỗ ở nên sẽ khó kiểm soát chất lượng dịch vụ. Trong khi đó, Luxstay sẽ chắt lọc rất kĩ càng, và hướng tới tiêu chí giàu trải nghiệm”, CEO Luxstay nói.
Startup cho thuê chỗ ở Luxstay bắt tay hợp tác với tập đoàn Rakuten Nhật Bản
Bên trong startup nông nghiệp hữu cơ trị giá 10 triệu USD ở Tây Nguyên
Sau 3 năm hoạt động, startup nông nghiệp hữu cơ Biophap do Tyna Giang đồng sáng lập đã có 5 trang trại với diện tích 50 ha tại hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai, chuyên cung cấp trái cây tươi, gia vị và dược liệu.
Startup cho thuê chỗ ở Luxstay bắt tay hợp tác với tập đoàn Rakuten Nhật Bản
Sau 2 năm hoạt động, ứng dụng cho thuê chỗ ở Luxstay đã có hơn 3.000 chỗ ở là các homestay, biệt thự cao, phục vụ trên 10.000 đặt phòng mỗi tháng.
Sếp quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital nói về những hiểu lầm của giới startup
Nhiều startup Việt cho rằng, doanh nghiệp của họ luôn bị định giá thấp hơn so với khu vực nhưng Phó Giám đốc điều hành Đầu tư mạo hiểm của VinaCapital lại có cách giải thích khác.
Vì sao startup Vntrip phải liên tục gọi vốn?
Kinh doanh thua lỗ hơn 100 tỷ đồng, ứng dụng đặt phòng Vntrip gấp rút chuẩn bị cho vòng huy động vốn tiếp theo ngay sau khi công bố gọi vốn thành công lần thứ 3 vài tuần trước.
Cú bẻ lái của Hateco Group và dấu ấn của doanh nhân Trần Văn Kỳ
Khởi đầu rồi phát triển mạnh nhờ bất động sản, doanh nhân Trần Văn Kỳ tiếp tục dẫn dắt Hateco Group đầu tư mạnh vào hạ tầng cảng biển.
Sức mạnh thương hiệu: Chìa khóa mở cửa tương lai phát triển bền vững
Phát triển bền vững giúp thương hiệu vươn xa với việc định hình hành vi tiêu dùng và thúc đẩy giá trị tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng toàn diện và lâu dài.
Triển lãm lạnh và điều hòa không khí thu hút hơn 100 thương hiệu
Triển lãm quốc tế về lạnh và điều hòa không khí, phòng sạch và phụ trợ nhà máy công nghệ cao 2024 diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn từ ngày 21 – 23/11.
Vietnam Airlines tính thuê thêm máy bay mùa cao điểm Tết Nguyên đán
Vietnam Airlines Group, bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco, lên phương án thuê thêm bốn máy bay để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán 2025.
Kinh doanh "đình trệ", Pomina gấp đôi lỗ lũy kế
Pomina hiện có tổng nợ vay tài chính là gần 6.219 tỷ đồng, chiếm 70% tổng tài sản và gấp hơn 12 lần vốn chủ sở hữu.
Doanh nghiệp Quảng Ninh hưởng ứng kích cầu du lịch
Với hàng loạt giải pháp kích cầu đồng bộ và chất lượng, du lịch Quảng Ninh hứa hẹn sẽ bứt tốc mạnh mẽ và hiện thực hóa mục tiêu đón 19 triệu lượt khách năm 2024.
Phát triển bền vững là chiến lược kinh doanh hay lựa chọn đạo đức?
Làm thế nào để doanh nghiệp hoạt động không chỉ vì lợi nhuận, mà còn vì giá trị phát triển bền vững cho xã hội và môi trường?