Lý giải tăng trưởng ngoạn mục của chứng khoán Việt Nam

Minh An - 11:59, 28/11/2017

TheLEADER4 năm trước, sàn chứng khoán tại TP.HCM (HOSE) chỉ đạt giá trị giao dịch cổ phiếu khoảng 50 triệu USD/ ngày, trong khi sàn chứng khoán Philippines thanh khoản gấp 5 lần. Nhưng năm nay, chứng khoán Việt Nam đã vượt qua Philippines.

Đây là sự thay đổi đáng chú ý của một thị trường chứng khoán cận biên (frontier market), với nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng khả năng đầu tư thấp, chuyên gia phân tích của Credit Suisse nhận định.

Có 3 lý do giải thích sự tăng trưởng ấn tượng này của thị trường cổ phiếu Việt Nam.

Đầu tiên, nền kinh tế Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Hệ thống ngân hàng đang tăng trưởng nhanh trở lại từ tình trạng nợ xấu nặng nề nhất ở khi vực Đông Nam Á vào năm 2012.

Lý giải tăng trưởng ngoạn mục của chứng khoán Việt Nam

Thứ hai, quá trình cổ phần hóa đang được đẩy mạnh. Đầu tháng này, SCIC đã bán 3,33% cổ phần Vinamilk cho tập đoàn Jardine Matheson. Công ty này sau đó đã mua thêm cổ phần và sở hữu đến 10% công ty sữa lớn nhất Việt Nam. Jardine Matheson vẫn muốn mua thêm cổ phần để tăng sở hữu tại Vinamilk. Sabeco, công ty bia lớn nhất Việt Nam cũng đã tổ chức roadshow tại Singapore để chào bán lượng lớn trong số cổ phần do nhà nước nắm giữ (90%) sau nhiều năm trì hoãn.

Cuối cùng, Việt Nam đã trở thành một phần chuỗi cung sản phẩm điện tử của Châu Á. Xuất khẩu của Việt Nam không còn là dệt may, giày da, thủy sản hay café, hạt điều mà là các sản phẩm, linh kiện điện thoại thông minh. Giá trị xuất khẩu đã đạt 36,5 tỷ USD, tăng 29% trong năm nay. Ngoài Samsung xây dựng các nhà máy ở Thái Nguyên và Bắc Ninh, các công ty LG Electronics, Cannon, Foxconn…đều đã thuê khu công nghiệp do công ty Kinh Bắc City phát triển.

Lý giải tăng trưởng ngoạn mục của chứng khoán Việt Nam 1

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu có tác động tích cực đến các nước Châu Á và các thị trường như Singapore, Thailand, Indonesia và Philippines có thể mang lại các cơ hội đầu tư tốt cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, các thương vụ IPO trị giá 3,3 tỷ USD tại Việt Nam gần đây chỉ xếp sau Singapore và Malaysia. Vincom Retails, công ty điều hành hệ thống trung tâm thương mại của tập đoàn Vingroup, sau khi IPO đã tăng 26% trong chưa đầy 1 tháng niêm yết cổ phiếu. Sắp tới, HDBank, một ngân hàng có tổng tài sản gần 180 nghìn tỷ sẽ IPO và bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, kỳ vọng thu về 300 triệu USD.

Cùng với đó, 16 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã được giải ngân từ đầu năm 2017, tăng 12% so với năm ngoái. Con số này tương đương 8% giá trị GDP 203 tỷ USD của Việt Nam.

Vị thế của Việt Nam ngày càng tăng cao với năng lực sản xuất các sản phẩm ngày càng phức tạp hơn, trong khi tầng lớp thu nhập trung bình ngày càng mở rộng. Tương tự như trên thị trường tài chính, ngày càng có nhiều công ty của Việt Nam được nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần lớn và sở hữu tối đa.

Việt Nam vì vậy có thể không còn được xem là một thị trường cận biên.