Mạnh dạn tận dụng cơ hội khởi nghiệp với kinh tế tuần hoàn
Phạm Sơn
Thứ hai, 24/10/2022 - 08:53
Startup trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn có thể là chìa khóa giải quyết những khúc mắc giúp hiện thực hóa mô hình này. Ngược lại, cơ hội thành công cho các dự án này cũng đang rộng mở khi kinh tế tuần hoàn trở thành xu thế tất yếu.
Là một sáng kiến nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam của Bộ Khoa học và công nghệ, Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest) chính thức được khởi động lần đầu tiên vào năm 2015, cho đến nay đã trở thành sự kiện thường niên lớn nhất của hệ sinh thái startup Việt Nam và khu vực.
Năm 2022, Techfest chính thức giới thiệu Làng kinh tế tuần hoàn, đánh dấu một sự ghi nhận với cơ hội mới mà kinh tế tuần hoàn mở ra cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thực tế, kinh tế tuần hoàn hứa hẹn là sân chơi nhộn nhịp cho cả những doanh nghiệp lâu đời và startup, bởi nội hàm hướng tới phát triển bao trùm và bền vững, lại đang nhận được sự khuyến khích từ phía chính sách.
Thực tế, nhiều dự án khởi nghiệp với chủ đề kinh tế tuần hoàn đã được triển khai và bước đầu đem đến những kết quả khả quan, có thể kể đến Green Connect của doanh nhân Huỳnh Hạnh Phúc nhận được gói hỗ trợ của Mondelēz Kinh Đô và quỹ Tương lai bền vững (Sustainable Futures) của tập đoàn Mondelēz International; startup Equo nhận được gói đầu tư từ các quỹ Nextgen Ventures, Techstars, East Ventures…
Từ ý tưởng đến thực tiễn
Bà Emmanuelle Ledoux, Tổng giám đốc Viện kinh tế tuần hoàn quốc gia Pháp, nhận xét, kinh tế tuần hoàn là một vấn đề thời sự và là yếu tố tiên quyết đảm bảo tăng trưởng kinh tế liên tục trong bối cảnh tài nguyên có hạn và đang dần bị cạn kiệt.
Tuy nhiên, triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn không phải điều đơn giản, đặc biệt khi nền kinh tế đã được thiết kế và vận hành từ nhiều năm nay dựa trên triết lý của nền kinh tế tuyến tính, trong đó các nhân tố tham gia vào nền kinh tế luôn cố gắng để sản xuất thật nhiều, bán ra thật nhiều nhằm nâng cao lợi nhuận.
Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm thiết kế lại nền kinh tế cũng như chuỗi giá trị theo hướng tuần hoàn, có thể kể đến như giải pháp công cụ chính sách được cả Pháp và Việt Nam áp dụng là trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp lớn cũng bắt tay nhau thiết lập chuỗi giá trị tuần hoàn, tiêu biểu là 19 ông lớn ngành hàng tiêu dùng nhanh với Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam).
Tuy nhiên, bà Ledoux cho biết, có một khoảng cách không nhỏ giữa ý tưởng và thực tiễn triển khai kinh tế tuần hoàn, nhất là khi yêu cầu “tái thiết kế” có thể gây ra xung đột giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị.
Khoảng cách này là rào cản thực hiện hóa mô hình kinh tế tuấn hoàn nhưng cũng là cơ hội cho các giải pháp, sáng kiến đổi mới sáng tạo, những ý tưởng khởi nghiệp mang tính đột phá.
Nói về khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, theo TS. Bùi Thị Thanh Hương, Giảng viên Khoa các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng Trưởng làng Kinh tế tuần hoàn Tech Fest 2022, có 5 xu hướng lớn của mô hình kinh tế tuần hoàn có thể được tận dụng để triển khai ý tưởng startup, bao gồm nông nghiệp theo chiều dọc; tái chế và tái sử dụng; nâng cấp vật liệu; thay thế nguồn cung ứng hữu cơ và giao thông không phát thải.
Bà Hương nhận định, kinh tế tuần hoàn là cơ hội lớn, tuy nhiên startup không phải lúc nào cũng thuận lợi. Thực tế cho thấy, có đến 90% startup thất bại, không thể tiếp tục triển khai.
Nhắn gửi lời khuyên cho cộng đồng startup nói chung và những dự án, ý tưởng khởi nghiệp liên quan đến kinh tế tuần hoàn nói riêng, bà Hương cho biết, công thức cho khởi nghiệp là phải có tính mới, hướng đến cộng đồng nhưng vẫn phải đảm bảo tính khả thi, tức là phải được thị trường và người tiêu dùng chấp nhận.
Trước bối cảnh nền kinh tế vĩ mô có nhiều biến động, dòng tiền bị siết chặt, chi phí vốn tăng cao, dù đứng trước cơ hội lớn là kinh tế tuần hoàn nhưng nhiều startup vẫn tỏ ra e ngại. Nói về điều này, bà Hương chỉ ra, đối với khởi nghiệp, nguồn lực quan trọng không phải là nguồn vốn mà là nguồn lực về đổi mới sáng tạo.
Là một người đã triển khai nhiều dự án khởi nghiệp phát triển bền vững, bà Hương nhắn gửi các bạn trẻ đã và đang có ý tưởng liên quan đến kinh tế tuần hoàn hãy mạnh dạn triển khai, duy trì niềm tin rằng “mình đang làm việc có ích”.
“Khi mình đủ lớn, đủ trải nghiệm thì sẽ có nhiều nguồn lực tìm đến mình. Đó là những tổ chức phát triển như Viện Pháp; USAID; UNDP… hay là cả các doanh nghiệp lớn”, vị chuyên gia Đại học Quốc gia Hà Nội nói.
Năm 2022 đặt dấu mốc quan trọng cho sự khởi động của kinh tế tuần hoàn, với việc Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực và Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn Việt Nam chính thức được phê duyệt. Tuy nhiên, để thực sự đưa nền kinh tế bước vào quá trình chuyển đổi tuần hoàn, nhiều yếu tố cần được chuẩn bị.
Theo Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, con đường đến với kinh tế tuần hoàn không hề đơn giản, đòi hỏi sự tham gia của mọi mặt trong nền kinh tế, đặc biệt là vai trò thúc đẩy tiến độ dịch chuyển của Chính phủ.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), kinh tế tuần hoàn về bản chất là một mô hình kinh doanh, có thể áp dụng không giới hạn ngành nghề, lĩnh vực. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh này phải tạo ra đủ giá trị thì doanh nghiệp và các bên liên quan mới có động lực tham gia.
Theo bà Diana Torres, Trưởng phòng Chính sách công Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam, kinh tế tuần hoàn là chìa khóa cho sứ mệnh phục hồi kinh tế xanh hậu Covid-19, đem lại nhiều cơ hội cho các quốc gia, các doanh nghiệp và dự án khởi nghiệp.
Phát triển bền vững tại nhiều doanh nghiệp xuất phát từ mối liên kết chặt chẽ giữa các thế hệ lãnh đạo, nhân sự với nhau, song hành với công nghệ và văn hóa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo cơ chế thị trường, khi thảo luận về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Phát triển bền vững giúp thương hiệu vươn xa với việc định hình hành vi tiêu dùng và thúc đẩy giá trị tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng toàn diện và lâu dài.