Mảnh ghép còn thiếu của những chiếc xe máy điện Việt Nam

Việt Hưng - 13:04, 08/08/2023

TheLEADERNếu chỉ tập trung vào công nghệ sạc nhanh như nhiều nhà sản xuất xe máy điện trong nước hiện nay đang làm, liệu những VinFast, Datbike hay Evgo có thể thuyết phục được người dùng chuyển đổi từ xe máy xăng sang điện?

Sau nửa năm sử dụng một chiếc xe máy điện mang thương hiệu Việt Nam, Quốc Dũng - hiện đang sinh sống tại Hà Nội cho biết, anh hoàn toàn hài lòng với chiếc xe của mình, từ kiểu dáng, hiệu năng, cho tới trải nghiệm không mùi, không tiếng ồn…

Tuy nhiên, khi được hỏi liệu xe máy điện đã thực sự thay thế được xe máy xăng, người dùng này cho rằng, vẫn còn những rào cản nhất định liên quan tới "thói quen".

Với quãng đường 20km cả và về tính từ nhà tới cơ quan, Dũng có thể thoải mái sử dụng xe máy điện trong 4 ngày cho một lần sạc đầy pin. Anh chỉ sạc pin khi xe còn khoảng 20% năng lượng, theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Tất nhiên, nếu một ngày bất kì cần di chuyển nhiều hơn, anh sẽ phải tính toán tới dung lượng pin của xe lúc đó. Nói cách khác, kể từ ngày chuyển sang xe máy điện, việc di chuyển của Dũng đều cần phải có kế hoạch từ trước.

Người dùng này gọi đây là một điểm bất tiện. Bởi khác với xe máy xăng có thể tiếp nhiên liệu bất kì thời điểm nào trong ngày, thì xe máy điện cần tới vài giờ để nạp pin.

Kể về một lần xe hết pin trên đường đi làm về, do ngày hôm đó phát sinh công việc ngoài kế hoạch, Quốc Dũng nhớ lại: "Đây đúng sơ suất của tôi khi không chủ động sạc đầy pin từ trước. Nhưng điều khiến tôi băn khoăn mãi về quãng đường hơn 1km phải dắt bộ, là có một bạn đi đường đã ghé hỏi tôi đề nghị giúp đổ xăng…".

"Nếu thực sự có một giải pháp năng lượng nào đó giúp xe máy điện nạp năng lượng tiện lợi như xe máy xăng, thì tôi tin là sẽ có thêm nhiều người dùng sẵn sàng cho việc chuyển đổi", anh nhấn mạnh.

Mảnh ghép còn thiếu của những chiếc xe máy điện Việt Nam
Mô hình trạm đổi pin được kỳ vọng sẽ thu hẹp khoảng cách giữa xe máy xăng truyền thống và xe điện

Băn khoăn của Dũng được xem là bài toán điển hình đặt ra với ngành xe máy điện Việt Nam, trong bối cảnh từ Chính phủ, cho tới các nhà sản xuất đều đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình xanh hóa các phương tiện giao thông.

Từ cách đây 5 năm, một startup xe máy điện của Việt Nam là Selex Motors đã bắt tay vào giải quyết bài toán này khi đặt trọng tâm hệ sinh thái xe máy điện là viên pin.

Ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên - Đồng sáng lập và CEO Selex Motors cho biết, startup hiện sở hữu 10 bằng sáng chế, 5 thiết kế và 4 nhãn hiệu do chính bộ phận R&D của công ty phát triển.

CEO Selex Motors tin rằng, vấn đề tồn tại khiến xe máy điện chưa trở thành phương tiện chủ đạo của người Việt Nam là do sự bất tiện trong quá trình nạp năng lượng. Trung bình, người dùng đang phải mất thời gian quá lâu (3-8 giờ) để xe sạc đầy pin, và cơ sở hạ tầng cho việc này tại Việt Nam cũng chưa được hoàn thiện.

Chính vì vậy, Selex Motors đã triển khai mô hình đổi pin tại các trạm đổi pin do công ty tự phát triển. Trong đó, quá trình đổi pin chỉ mất chưa đến 2 phút cho 150 km và chi phí đổi pin thấp hơn giá xăng từ 25-35% tính trên cùng một quãng đường đi được.

Dự kiến, thời gian tới đây, Selex Motors sẽ mở rộng mạng lưới đổi pin ở Hà Nội và TP. HCM lên đến 200 trạm, đồng thời hướng đến mở rộng mạng lưới đổi pin trên toàn quốc.

Khác với mô hình đổi pin xe máy điện VinFast từng triển khai tại các cửa hàng Vinmart+, trạm đổi pin của Selex Motors vận hành tự động và được đánh giá là thông minh hơn.

Chẳng hạn, người dùng chỉ cần tải về ứng dụng Selex Motors là có thể biết chính xác trạm đổi pin gần nhất cách đó bao xa, và liệu trạm này có còn pin để đổi. Sau khi người dùng đổi pin, trạm sẽ tiếp tục sạc đầy viên pin này dành cho những người tới sau.

Mảnh ghép còn thiếu của những chiếc xe máy điện Việt Nam 1
Hệ thống các trạm đổi pin xe máy điện hiển thị trên ứng dụng Selex Motors

"Thông qua những dữ liệu được cập nhật tức thời từ ứng dụng, cũng như các trạm đổi pin, chúng tôi có thể đưa ra những nâng cấp, cải tiến dành cho chủ xe, và từ đó ngày một hoàn thiện hệ sinh thái xe máy điện", ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên nói.

Đặc biệt, mạng lưới đổi pin của Selex Motors hướng tới việc đổi pin và dùng chung cho nhiều thương hiệu xe máy điện. CEO Nguyễn Hữu Phước Nguyên khẳng định, viên pin của Selex Motors có thể tương thích và sử dụng bởi khoảng 70% xe máy điện trên thị trường.

Đây cũng được xem là điểm khác biệt lớn nhất của startup này so với các thương hiệu như VinFast, Datbike hay Evgo - vốn chỉ đang tập trung vào công nghệ sạc nhanh.

Sáng kiến này đã được ủng hộ mạnh mẽ bởi ADB Ventures, Schneider Electric Energy Access Asia, Touchstone Partners và Sopoong Ventures, khi gần đây Selex Motors nhận tài trợ 3 triệu USD là trái phiếu chuyển đổi.

Trên phạm vi thế giới, sáng kiến xây dựng các trạm đổi pin cho xe máy điện không mới, và đã được nhiều doanh nghiệp triển khai tại Mỹ, Trung Quốc, hay Đài Loan. Nhưng Selex Motors là công ty đầu tiên áp dụng mô hình này tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, với mẫu xe máy điện đầu tiên là Selex Camel, startup này hướng tới việc tối ưu cho lĩnh vực giao vận, khi bắt tay cùng các siêu ứng dụng như: Lazada, Grab, Baemin… để chuyển đổi các tài xế sang giao hàng bằng xe điện.

Mảnh ghép còn thiếu của những chiếc xe máy điện Việt Nam 2
Nhà máy lắp ráp xe máy điện Selex Motors có công suất lên tới 20.000 xe/năm

Hiện tại, Selex Motors đang vận hành một nhà máy lắp ráp xe máy điện có công suất lên tới 20.000 xe/năm tại Gia Lâm, Hà Nội. So với khoảng 3 triệu xe đạp, xe máy điện đang lưu hành tại thị trường Việt Nam, công suất nói trên vẫn còn khá khiêm tốn.

Thị trường xe máy điện Việt Nam hiện được đánh giá là lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất (khoảng 30 - 35% năm 2022) trong các quốc gia ASEAN, xếp thứ hai trên toàn cầu.

CEO Nguyễn Hữu Phước Nguyên tin rằng, cơ hội có được thị phần vẫn đang chia đều cho các nhà sản xuất trong nước. Càng nhiều đơn vị tham gia, thị trường xe máy điện tại Việt Nam sẽ càng nhanh phát triển.

Khi được hỏi liệu startup có cảm thấy áp lực khi đặt cạnh những thương hiệu lớn trong nước, với dải sản phẩm trải khắp mọi phân khúc như VinFast, vị CEO hào hứng: "Chúng tôi mong có nhiều doanh nghiệp Việt chiếm lĩnh được cơ hội và thành công trong lĩnh vực xe điện mới mẻ và đầy tiềm năng này".

"Chúng ta đã mất thị trường xe máy xăng vào tay các doanh nghiệp nước ngoài, đây là cơ hội để chúng ta làm lại và làm chủ thị trường rất quan trọng này. Để làm được điều đó thì các doanh nghiệp cần hợp tác và chia sẻ với nhau, phát huy thế mạnh của từng bên, hướng tới thành công chung", vị lãnh đạo này nói thêm.

Theo ông Nguyên, để sản xuất ra một mẫu xe máy điện hiện nay không quá khó. Bởi so với xe xăng truyền thống, xe máy điện đã được lược giản đi rất nhiều chi tiết cơ khí.

"Sự khác biệt lớn nhất tới từ hệ sinh thái và phần mềm trên xe máy điện. Chỉ khi thực sự làm chủ công nghệ, nhà sản xuất mới tạo ra được những sản phẩm đột phá về tính năng - cũng chính là yếu tố thúc đẩy người tiêu dùng chuyển đổi từ xe máy xăng sang điện trong tương lai", CEO Selex Motors nhấn mạnh.