Mỗi địa phương phát huy vai trò thúc đẩy kinh tế vùng Đồng bằng sông Hồng

07:01, 15/02/2023

TheLEADERChú trọng thế mạnh của riêng từng địa phương, kết hợp với cơ chế liên kết vùng hiệu quả sẽ là chìa khóa đưa Đồng bằng sông Hồng phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế.

Mỗi địa phương phát huy vai trò thúc đẩy kinh tế vùng Đồng bằng sông Hồng
Hải Phòng chú trọng kinh tế biển.

Hải Phòng, Quảng Ninh phát triển kinh tế biển bền vững

2022 đánh dấu lần thứ 7 liên tiếp thành phố Hải Phòng chứng kiến mức tăng trưởng 2 con số, với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 12,32%, cao gấp 1,5 lần mức bình quân chung của cả nước.

Trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19 cùng bất ổn địa chính trị toàn cầu, mức tăng trưởng ấn tượng của Hải Phòng đến từ nỗ lực tập trung đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, logistics, phát huy vai trò là cửa chính ra biển của phía Bắc đất nước.

Các ngành kinh tế biển cũng là động lực lớn giúp Hải Phòng duy trì đà tăng trưởng, với tỷ trọng kinh tế biển trong GRDP đạt mức cao, lên đến hơn 60% vào năm 2020. Vì lý do đó, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng đã định hướng Hải Phòng “phát triển bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh để trở thành trung tâm đô thị - dịch vụ - du lịch kết nối với khu vực và thế giới”.

Để thực hiện nhiệm vụ nói trên, tại Hội nghị triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW, trao đổi với Chính phủ, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đưa ra một số kiến nghị.

Liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ven biển, điện gió ngoài khơi, Hải Phòng đề nghị Thủ tướng sớm phê duyệt quy hoạch điện VIII, trong đó có quy hoạch các nhà máy điện gió, điện rác tại Hải Phòng để làm cơ sở triển khai các dự án.

Đối với quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên biền, lãnh đạo Hải Phòng đề nghị Bộ Tài nguyên và môi trường tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung pháp lý đảm bảo tính khả thi, đồng bộ về quản lý tài nguyên môi trường biển, tháo gỡ khó khăn về đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế biển. Đồng thời, sớm trình Chính phủ ban hành nghị định quy định về hoạt động lấn biển cũng như các quy hoạch liên quan.

Bên cạnh Hải Phòng, Quảng Ninh cũng là địa phương được Nghị quyết 30 giao nhiệm vụ phát triển trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, từ đó trở thành cửa ngõ và động lực phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng.

Trong khuôn khổ Hội nghị triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW, Chính phủ cũng công bố quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050. Quy hoạch đưa ra định hướng dịch vụ tổng hợp hiện đại sẽ ngày càng giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế xã hội Quảng Ninh, mục tiêu đến năm 2025, Quảng Ninh sẽ là trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối vùng với Trung Quốc, Đông Bắc Á cũng như các nước trong nhóm ASEAN.

Quảng Ninh cũng được quy hoạch trở thành trung tâm kinh tế biển, bao gồm hệ thống cảng nước sâu, du lịch biển, đô thị ven biển, thủy sản dược liệu, kinh tế biển gắn với bảo vệ tài nguyên, bảo vệ chủ quyền biển đảo, an ninh quốc phòng.

Hà Nội chú trọng liên kết vùng

Cùng là một cực của tam giác kinh tế phía Bắc, Thủ đô Hà Nội còn đóng vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và là đầu tàu phát triển của cả đất nước. Với vai trò đó, trao đổi với Chính phủ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, các chương trình, kế hoạch phát triển của Hà Nội sẽ được triển khai khẩn trương, đặc biệt chú trọng tính kết nối không gian và liên kết phát triển.

Theo đó, Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai một số cơ chế, chính sách và mô hình thí điểm để phát huy tiềm năng và lợi thế của tam giác kinh tế phía Bắc cùng với Quảng Ninh và Hải Phòng. Tập trung phát triển các hành lang kinh tế mang tính liên kết như Hành lang kinh tế Bắc - Nam; Hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Mỗi địa phương phát huy vai trò thúc đẩy kinh tế vùng Đồng bằng sông Hồng
Hà Nội xác định văn hóa là động lực phát triển.

Chuỗi đô thị phía Bắc sông Hồng được Hà Nội xây dựng theo mô hình “thành phố trong thành phố”, kết nối với Việt Trì, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Móng Cái tạo thành hành lang kinh tế Bắc Bộ. Chuỗi đô thị phía Bắc Hà Nội sẽ đóng vai trò đầu tàu cho hành lang kinh tế này.

Bên cạnh đó, Hà Nội chú trọng hình thành và phát triển các chuỗi liên kết về du lịch, nông nghiệp và văn hóa. Riêng về liên kết văn hóa, lãnh đạo Hà Nội nhấn mạnh, văn hóa là động lực phát triển của Hà Nội và toàn vùng, trong đó Hà Nội sẽ là trung tâm hội tụ và lan tỏa.

Hà Nam đẩy mạnh đổi mới sáng tạo

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy cho biết, cuối năm 2021, Chính phủ đã bổ sung Khu công nghệ cao Hà Nam vào quy hoạch phát triển khu công nghệ cao đến năm 2020, định hướng 2030.

Khu công nghệ cao Hà Nam được định hướng phát triển theo 3 vùng chức năng, bao gồm Vùng thí nghiệm công nghệ cao; Vùng sản xuất, ứng dụng công nghệ cao và Vùng trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo, tập trung thúc đẩy các lĩnh vực mới tiềm năng như trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học…

Định hướng này cũng phù hợp với nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị, cụ thể là “phát triển Khu công nghệ cao Hà Nam tập trung vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học”.

Lãnh đạo tỉnh Hà Nam cho biết, những lĩnh vực nói trên đều rất mới, có thể tạo ra giá trị gia tăng lớn, tuy nhiên đòi hỏi nhiều nguồn lực đầu tư. Do đó, tỉnh Hà Nam đề nghị sớm tập trung hoàn thiện khung thể chế, chính sách phát triển công nghệ cao.

Giáo dục cũng là yếu tố quan trọng để thực hiện mục tiêu của Khu công nghệ cao Hà Nam. Dự án Trường đại học chất lượng cao tại Hà Nam hiện tại đã được đưa vào danh sách các dự án ưu tiên gọi vốn đầu tư tại Đồng bằng sông Hồng, với nguồn vốn dự kiến từ 27 – 59 triệu USD, kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong phát triển nhân lực chất lượng cao của tỉnh cũng như toàn vùng.