Mong ước ngày DOANH NHÂN

Kim Yến - 12:08, 11/10/2017

TheLEADERMong ước của doanh nhân là được toàn tâm toàn ý, Tự Do Làm Giàu theo pháp luật. Không phập phồng vì chính sách thay đổi, không ngán ngại vì đủ thứ thủ tục trói buộc, bị làm khó dễ bởi nhiều cái không tên. Không còn những trò cạnh tranh bẩn, được chống lưng và bảo kê, triệt hạ các doanh nghiệp chân chính.

Mong ước ngày DOANH NHÂN
Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours.

LTS: “Chính phủ kiến tạo và hành động” là quyết tâm chính trị đã được thực hiện quyết liệt trong 2 năm qua. Với hàng loạt chủ trương, chính sách mang tính cải cách mạnh mẽ hơn (phát động phong trào quốc gia khởi nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân, xóa bỏ giấy phép con, đối thoại với doanh nhân...), Chính phủ đã tạo ra một luồng sinh khí mới, một sự tương tác thân thiện với xã hội, với doanh nghiệp để chia sẻ và phát triển. Mới đây Ban bí thư cũng có chỉ thị tiếp tục mở rộng kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng, đây là thông điệp đặc biệt cho thấy Đảng nhìn nhận lại và rõ ràng bản chất, vị thế của doanh nghiệp tư nhân.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, TheLEADER đăng tải những kiến nghị, những phát biểu tâm tình của một số doanh nhân với mong muốn đóng góp vào sự hoàn thiện các chính sách của Chính phủ.

Bài 2: Mong ước ngày doanh nhân

(Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours)

Tôi vốn là người cả tin, cứ nghĩ ai cũng như mình nên nhiều lần bị hớ. Mẹ tôi vẫn thường trách ba tôi vì ông chưa bao giờ biết nói dối là “thật quá hóa ngu”. Nhiều lúc, thấy mình cũng ngu thiệt, vì cứ rút ruột rút gan, có sao nói vậy, nghĩ gì thì nói thế với bạn bè và cả người quen. 

Trong khi nhiều người kín kẽ, chỉ nói những gì có lợi cho mình. Tôi cũng từng rất tin khi có nhiều khẩu hiệu, nghị quyết và cả phát biểu hô hào của lãnh đạo nhưng thực tế khác hẳn. Dần dà sinh bệnh hoài nghi vì niềm tin bị lạm phát.

Hàng năm, cứ đầu tuần thứ 2 của tháng 10, tôi lại nhận được nhiều lời chúc của học trò, bạn bè, khách hàng về nghề của mình. Có lời chúc chân mộc mà cảm động. Có lời chúc bóng bẩy công thức. Có lời chúc xã giao lịch sự…Lời chúc nào tôi cũng trân trọng và cám ơn. Vì ít ra, người ta còn nhớ đến mình. Bạn tôi, làm nghề giáo an ủi “Những ngành nghề có ngày kỷ niệm riêng mới được chúc mừng. Mà ngộ ra mấy ngành khó khăn cần được xã hội quan tâm hơn nên mới có ngày riêng”. Ngẫm lại cũng có lý.

Thời bao cấp, doanh nhân được gọi là Con buôn, là Dân Phe, là Gian Thương với vô vàn ác cảm và được xem là nguồn cơn rối loạn xã hội. Dẫu rằng, trong kháng chiến, rất nhiều thương gia đã đem hết tài sản và trí tuệ của mình phục vụ cách mạng. Thành quả hôm nay là công sức của toàn dân, trong đó có các nhà tư sản và những người buôn bán. Khai sơ yếu lý lịch mà cha mẹ là thành phần này thì con cái mấy đời không ngóc đầu lên nổi. Toàn bộ việc kinh doanh là của nhà nước, người dân chỉ xé rào buôn bán lén.

Ước mơ của trẻ thơ cách đây trên 40 năm thường là bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo hoặc cán bộ. Hầu như không em nào mơ làm Doanh Nhân. Thời thế thay đổi. Từ chỗ bị khinh miệt, Doanh Nhân trở thành niềm tự hào, là mơ ước của nhiều em nhỏ. Dân có giàu thì nước mới mạnh. Đội ngũ doanh nhân được hình thành ngày càng đông đảo, đủ mọi lứa tuổi và thành phần, đang làm nên diện mạo của cuộc sống. Họ không chỉ làm ra của cải mà còn tạo công ăn việc làm, đóng thuế nuôi bộ máy quản lý nhà nước và xây dựng đất nước.

Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã có những phát biểu và động thái thể hiện quyết tâm hiện thực hóa chủ trương “Chính phủ kiến tạo” và “Quốc gia khởi nghiệp” với những việc làm đáng trân trọng. Tuy nhiên, do niềm tin từng bị lạm dụng nên không ít người, trong đó có tôi đang chờ đợi những hành động cụ thể và thiết thực hơn. 

Nói, bao giờ cũng dễ hơn làm. Dân tộc Việt thông minh, chịu khó; lãnh đạo tài giỏi nhưng sao đất nước cứ mãi khó nghèo? Muốn là một chuyện. Có dám làm, làm tới nơi tới chốn, làm triệt để và có làm được hay không là việc hoàn toàn khác. Làm không được, cứ than vãn “Lực bất tòng tâm”. Tôi không tin như vậy.

Muốn mà làm không được vì quá nhiều cản trở, vướng mắc, trói buộc. Tâm là của mình và Lực cũng là của mình, do mình. Lực đâu phải của trời, của đất hay người ngoài hành tinh. Cơ chế lạc hậu, chính sách lỗi thời, luật lệ cứ làm khó nhau kiểu “Quân ta hại quân mình” sao không dám dẹp bỏ? 

Đừng đổ tại và bị. Cái gì do con người tạo ra thì con người cũng có thể sửa đổi và thay thế. Nguồn cơn của mọi trì trệ hiện nay là do thiếu cơ quan giám sát độc lập và không có người chịu trách nhiệm cụ thể. Mọi sai lầm cứ đổ cho tập thể chung chung, cho trời đất thất thường thì có được thành quả như hôm nay, dù còn khiêm tốn so với các nước, đã là nỗ lực phi thường. Bị trói tay, buộc chân mà còn đi, còn viết vẽ được, quả là tài tình. 

Chính phủ muốn kiến tạo phải minh bạch, quyết đoán, nói là làm. Điều này, còn phải chờ thêm thời gian để xác tín. Quốc gia khởi nghiệp mà nhà nước cứ thích “hành là chính” với nền kinh tế tiền mặt và bộ máy cồng kềnh như lâu nay thì quả là quá khó, cực khó!

Nói tới doanh nhân là nói tới quản lý, tổ chức và thực hiện. Do đặc thù, xuất thân của doanh nhân Việt Nam rất đa dạng nên phong cách cũng khác biệt. Số ít làm giàu nhanh chóng nhờ luồn lách pháp luật, quan hệ thì nghênh ngang, tiêu tiền xả láng. 

Họ lấy tài sản và hàng hiệu để khỏa lấp những hạn chế tri thức và tâm hồn. Đa phần còn lại đều biết làm ra tiền chính đáng, biết tiêu tiền hợp lý, tiết kiệm mà không bủn xỉn, biết hưởng thụ một cách tương xứng và biết chia sẻ trách nhiệm với xã hội. Hàng loạt chương trình xã hội, từ thiện được nhiều doanh nhân khởi xướng, duy trì và phát triển. Doanh nghiệp chỉ phát triển bền vững khi thể hiện trách nhiệm xã hội (Corporate Social Responsibility - CSR). 

Theo các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, đó là “Cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua việc tuân thủ chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng về giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên, phát triển cộng đồng…” theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như phát triển chung của xã hội. 

Có người nói rõ hơn, CSR là “Sản phẩm của doanh nghiệp giúp ích cho cộng đồng, không vi phạm pháp luật, đạo đức, văn hóa... Sản xuất không làm hại môi trường sống. Chăm lo cho đội ngũ nhân viên. Chia sẻ lợi ích với cộng đồng thông qua các chương trình xã hội”. Những doanh nghiệp không có CSR, trước sau cũng bị tẩy chay, bị phá sản, thậm chí tù tội.

Mong muốn hàng đầu của doanh nhân là sự Minh Bạch. Từ các chính sách cho đến từng công việc cụ thể. Minh bạch để không còn loby, lót tay, đi đêm…và phải đến từ hai phía. Nhà nước minh bạch với doanh nghiệp và ngược lại. Doanh nghiệp có minh bạch với Nhà nước thì mới mong nhân viên minh bạch với doanh nghiệp.

Mong ước tiếp theo là được toàn tâm toàn ý, Tự Do Làm Giàu theo pháp luật. Không phập phồng vì chính sách thay đổi, không ngán ngại vì đủ thứ thủ tục trói buộc, bị làm khó dễ bởi nhiều cái không tên. Không còn những trò cạnh tranh bẩn, được chống lưng và bảo kê, triệt hạ các doanh nghiệp chân chính.

Mong ước thứ ba là Biết Tiền Đóng Thuế của mình được sử dụng như thế nào. Người đóng thuế có quyền biết rõ tiền của mình được làm gì, cho ai và kết quả ra sao. Được vậy, các doanh nhân sẽ an tâm hoạt động, vui vẻ làm đầy đủ các nghĩa vụ thuế với Nhà nước, đóng góp hết sức mình cho sự phồn vinh của đất nước.

Người Việt nào cũng ước mơ đất nước mạnh giàu. Trước khi làm doanh nhân, tất cả đều là công dân và có chung khát vọng. Ở đâu cũng vậy, công dân nói chung và doanh nhân nói riêng không sợ khó khăn, chỉ sợ không công bằng. Trong thời đại công nghiệp 4.0, có thể nói “Đất nước thịnh suy, doanh nhân quyết định”. Tùy doanh nghiệp mà có cách thể hiện đạo đức kinh doanh và bản sắc văn hóa đặc trưng riêng. 

Trăn trở nhiều nhưng kỳ vọng cũng nhiều!