Một doanh nghiệp dồn dập xin dự án cụm công nghiệp tại Hưng Yên

Nguyễn Cảnh - 16:21, 19/02/2022

TheLEADERChỉ trong vài tháng, một doanh nghiệp liên quan nhiều đến đại gia Đặng Thành Tâm đăng ký làm chủ đầu tư 8 dự án cụm công nghiệp ở Hưng Yên.

Một doanh nghiệp dồn dập xin dự án cụm công nghiệp tại Hưng Yên
Tương lai 3 dự án CCN vừa được doanh nghiệp (liên quan mật thiết tới đại gia Đặng Thành Tâm) đề xuất đầu tư tại Hưng Yên phụ thuộc vào việc phê duyệt điều chỉnh khu đại học Phố Hiến.

Sở Công thương tỉnh Hưng Yên vừa báo cáo, đề nghị UBND tỉnh chấp thuận chủ trương và thỏa thuận với Bộ Công thương bổ sung 3 dự án cụm công nghiệp với tổng diện tích 170ha vào quy hoạch cụm công nghiệp tỉnh.

Ba cụm công nghiệp được đề nghị bổ sung vào quy hoạch gồm: Tiên Lữ, An Viên – Trung Nghĩa và Phố Hiến. Lý do bổ sung là các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Tiên Lữ, TP. Hưng Yên hiện không đủ đáp ứng nhu cầu đất phát triển công nghiệp ngày càng lớn.

Tổng mức đầu tư ba dự án khoảng 2.100 tỷ đồng. Cơ cấu vốn gồm: 25% vốn tự có của nhà đầu tư, 75% còn lại từ vốn vay, vốn huy động từ các nguồn hợp pháp khác. Về tiến độ, cả ba cụm công nghiệp đều được chia làm ba giai đoạn (chuẩn bị đầu tư từ quý II/2022 và quản lý khai thác từ quý IV/2025).

Các dự án nêu trên đều do Công ty CP Tập đoàn đầu tư và phát triển Hưng Yên đăng ký làm chủ đầu tư. Công ty này đăng ký kinh doanh lần đầu vào tháng 2/2021, đặt trụ sở tại TP. Hưng Yên, vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng.

Các cổ đông sáng lập gồm Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc – CTCP (nắm 60% vốn); Công ty CP Công nghệ viễn thông Sài Gòn (30%) và Công ty CP Khu công nghiệp Sài Gòn – Hải Phòng (10%), do ông Đặng Thành Tâm làm chủ tịch hội đồng quản trị.

Về năng lực tài chính, Công ty CP Tập đoàn đầu tư và phát triển Hưng Yên được VietinBank – chi nhánh Hà Nội cam kết cho vay khoảng 1.641 tỷ đồng để thực hiện ba dự án trên. Trong đó, cụm công nghiệp Tiên Lữ dự kiến vay khoảng 383 tỷ đồng, An Viên – Trung Nghĩa 675 tỷ đồng và Phố Hiến khoảng 583 tỷ đồng.

Bên cạnh đồng thuận cơ bản của các cơ quan chức năng, địa phương về đề xuất này của nhà đầu tư, ghi nhận ý kiến lo ngại về vị trí của ba cụm công nghiệp nằm trong ranh giới Đề án xây dựng Khu đại học Phố Hiến (được Thủ tướng phê duyệt từ tháng 7/2009).

Cụ thể, Sở Kế hoạch và đầu tư đề nghị Sở Công thương tham khảo ý kiến của Ban quản lý khu đại học Phố Hiến (đang hoàn thiện Đề án điều chỉnh, bổ sung xây dựng Khu Đại học Phố Hiến trình Thủ tướng phê duyệt) đối với sự phù hợp của ba cụm công nghiệp trên với Đề án điều chỉnh, bổ sung xây dựng Khu đại học Phố Hiến.

Trước đó, UBND tỉnh đã báo cáo kết quả 10 năm thực hiện đề án xây dựng Khu đại học Phố Hiến giai đoạn 2009-2020, cũng như có tờ trình Thủ tướng về điều chỉnh giảm quy mô Khu đại học Phố Hiến (400 ha) và bổ sung quy hoạch khu, cụm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch tỉnh Hưng Yên (đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý về chủ trương).

Như vậy, tính tới nay, Công ty CP Tập đoàn đầu tư và phát triển Hưng Yên đã đăng ký làm chủ đầu tư tổng cộng 8 dự án cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên với tổng diện tích khoảng 550ha, tổng mức đầu tư khoảng 6.300 tỷ đồng (trong đó 75% đến từ nguồn cam kết cho vay của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Hà Nội).

Năm 2021, tổng doanh thu hợp nhất của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) đạt khoảng 4.477 tỷ đồng (đạt khoảng 75% so kế hoạch), lợi nhuận hợp nhất sau thuế đạt 955 tỷ đồng (khoảng 48% kế hoạch). Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng nổ tại các địa bàn như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, TP. HCM... (nơi có các khu công nghiệp và khu đô thị nằm trong kế hoạch ghi nhận doanh thu trong năm 2021 của KBC).

Kinh Bắc đã có 3 đợt phát hành trái phiếu trong năm 2021 với tổng giá trị hơn 3.400 tỷ đồng. Vốn thu về phục vụ đền bù hạ tầng khu công nghiệp, thanh toán chi phí xây dựng, hợp tác với các công ty con thực hiện các dự án KCN,...

Tại Hải Phòng, KCN Tràng Duệ mở rộng (đang được các cơ quan quản lý của TP Hải Phòng tập trung triển khai và hoàn tất các thủ tục thành lập mới) đã nộp hồ sơ chờ chấp thuận của Bộ kế hoạch và Đầu tư. Cuối tháng 12/2021, KBC được UBND tỉnh Hưng Yên trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án có quy mô 200 ha. Tại Long An, KBC đang đền bù các CCN (quy mô khoảng 220ha) và 44ha khu nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, Kinh Bắc đang tiến hành đền bù các cụm công nghiệp có quy mô 219,8 ha và 43,52 ha khu nhà ở xã hội ở Long An. Tại đây, Kinh Bắc cùng với các công ty con, công ty liên kết đang thành lập các dự án KCN mới.

Năm 2022, Kinh Bắc đặt mục tiêu đạt 9.800 tỷ đồng doanh thu và 4.500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.