Mỹ - Trung bắt tay vẽ lộ trình giải quyết tranh chấp thương mại

Phương Linh - 18:02, 18/08/2018

TheLEADERNhằm hướng tới lần gặp mặt sắp tới giữa hai người đứng đầu Mỹ và Trung Quốc, Washington và Bắc Kinh đang cho thấy nỗ lực giải quyết đối đầu thương mại.

Mỹ - Trung bắt tay vẽ lộ trình giải quyết tranh chấp thương mại
Mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo đã xấu đi đáng kể. Ảnh: Thomas Peter/Getty Images

Các nhà đàm phán từ Trung Quốc và Mỹ đang vạch ra một lộ trình đàm phán nhằm chấm dứt đối đầu thương mại trước khi diễn ra cuộc gặp mặt giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị đa phương vào tháng 11 tới, Wall Street Journal đưa tin.

Những diễn biến mới này cho thấy nỗ lực từ cả hai phía đối với tranh chấp thương mại đã ảnh hưởng tới hàng tỷ USD giá trị hàng hóa cũng như làm suy yếu mối quan hệ Mỹ - Trung và rung chuyển thị trường toàn cầu.

Theo kế hoạch, các cuộc đàm phán trung cấp sẽ được diễn ra tại Washington vào thứ 5 tuần tới, theo thông báo chính thức từ cả hai bên. Trung Quốc sẽ có một phái đoàn gồm 9 thành viên, đứng đầu là Thứ trưởng Thương mại Wang Shouwen sẽ gặp Mỹ vào ngày 22 và 23/8 tới (theo giờ Mỹ).

Các cuộc đàm phán lần này hướng đến việc tìm kiếm cách giải quyết tranh chấp thương mại và có thể dẫn đến nhiều vòng đàm phán hơn trong tương lai.

Wall Street Journal đánh giá, việc gặp mặt lần này cho thấy một bước đi rõ ràng của Bắc Kinh đang kéo mối quan hệ với Washington quay trở lại như thời gian đầu trong kỳ tổng thống của ông Trump cũng như phối hợp kiểm chế Triều Tiên.

Mối quan hệ này sau đó đã dần trở nên căng thẳng, đặc biệt sau khi chính quyền ông Trump nâng mức thuế đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc, coi đó là việc trừng phạt Bắc Kinh vì vi phạm sở hữu trí tuệ và trộm cắp công nghệ.

Bắc Kinh và Washington chính thức bắt đầu cuộc đối đầu thương mại vào tháng trước khi mức thuế suất 25% được mỗi nước áp đặt lên đối tác của mình.

Chưa dừng lại, Washington đã áp mức thuế tương tự vào 16 tỷ USD giá trị hàng hóa từ Trung Quốc có hiệu lực vào ngày 23 tới. Sau động thái đó, phía Trung Quốc tuyên bố sẽ tiến hành trả đũa. Hiện chưa rõ lần gặp mặt tới sẽ diễn ra trước hay sau thời điểm 23/8, Reuters đưa tin.

Mặc dù mục tiêu đánh thuế Trung Quốc rất nhẹ đối với các sản phẩm tiêu dùng, danh sách này lại hướng tới hàng tỷ USD giá trị nhập khẩu máy móc và linh kiện để tạo ra sản phẩm của Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất tại Mỹ sẽ phải trả nhiều hơn cho các linh kiện và thiết bị này, gây tăng giá cho người tiêu dùng nội địa là giảm sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường nước ngoài, CNBC nhận định.

Kể từ tháng 7 tới nay, không có bất kì cuộc đàm phán cấp cao nào giữa hai bên được diễn ra nhưng theo các nguồn tin từ South China Morning Post, Bắc Kinh và Washington đã liên lạc không chính thức cuối tháng trước để tìm kiếm khả năng tiếp tục đàm phán.