Năm lợi nhuận kỷ lục của ngành ngân hàng

Trần Anh - 08:00, 24/01/2020

TheLEADERRất nhiều các ngân hàng công bố kết quả kinh doanh 2019 với thành tích kỷ lục trong lịch sử hoạt động.

Trước thời điểm Tết Nguyên đán, khá nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh năm 2019 với lợi nhuận vượt trội, tương tự như những gì đã diễn ra trong vài năm trở lại đây.

Dẫn đầu về lợi nhuận tiếp tục là Vietcombank, với 23.155 tỷ đồng. Mức lợi nhuận tỷ đô được Vietcombank hoàn thành sớm 1 năm so với kế hoạc đề ra và cũng bỏ xa các ngân hàng còn lại.

Dù không chạm được tới mức của Vietcombank, ngành ngân hàng năm nay cũng đón nhận nhiều ngân hàng vượt mức lợi nhuận 10.000 tỷ đồng. Vietinbank công bố lợi nhuận đạt 11.500 tỷ đồng, vượt 83% so với kế hoạch. Sau năm 2018 chững lại để giải quyết vấn đề nợ xấu, Vietinbank cho thấy dấu hiệu trở lại cuộc đua lợi nhuận.

Một ngân hàng TMCP Nhà nước khác là BIDV sau khi hoàn tất bán vốn cho đối tác ngoại là Keb Hana Bank, cũng công bố mức lợi nhuận ‘khủng’ trong năm 2019 với 10.768 tỷ đồng. Ngân hàng cuối cùng trong nhóm “big 4” là Agribank năm nay cũng gây bất ngờ khi công bố lợi nhuận cả năm đạt 12.700 tỷ đồng, tăng trưởng 73% so với năm 2018.

Trong khi đó, ở nhóm ngân hàng TMCP tư nhân, 2 cái tên đang bám rất sát lợi nhuận của nhóm TMCP Nhà nước là Techcombank và VPBank. Năm 2019, Techcombank giữ vững vị thế dẫn đầu lợi nhuận của nhóm ngân hàng TMCP tư nhân với lợi nhuận trước thuế hơn 12.800 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng tín dụng 18,8% trong năm qua và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ở mức cao là yếu tố chính giúp Techcombank huy động được nguồn vốn giá rẻ, qua đó đẩy mạnh thu nhập lãi thuần và lợi nhuận.

Về phần VPBank, ngân hàng cũng cho thấy bức tranh khởi sắc khi công bố lợi nhuận 10.334 tỷ đồng. Bên cạnh lợi nhuận, VPBank cho thấy nỗ lực cải thiện chất lượng tài sản khi giảm tỷ lệ nợ xấu hợp nhất (bao gồm cả FE Credit) xuống mức 2,95%. Đặc biệt, VPBank đã hoàn tất xử lý khoản nợ hơn 3.100 tỷ đồng tại VAMC.

Một ngân hàng khác cũng đạt lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng là MB. Theo báo cáo tài chính vừa công bố, năm 2019, MB đạt lợi nhuận trước thuế 10.036 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2018.

Sau nhóm dẫn đầu, nhiều ngân hàng TMCP khác cũng ghi nhận một năm lợi nhuận tốt như ACB (7.500 tỷ đồng); HDBank (5.018 tỷ đồng); OCB (3.200 tỷ đồng); Nam A Bank (925 tỷ đồng); SeaBank (768 tỷ đồng),…

Lợi nhuận ngành ngân hàng tốt lên đi kèm với nỗ lực cải thiện chất lượng tài sản. Trong năm qua, nhiều ngân hàng đã tiến hành xử lý nợ xấu nội bảng cũng như nợ xấu tại VAMC trước thời hạn. Tính đến hết năm 2019 đã có 11 ngân hàng sạch nợ tại VAMC đó là Vietcombank, Techcombank, MB, VIB, OCB, Nam A Bank, TPBank, VPBank, Agribank, Kienlongbank và SeABank.

Tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng đến cuối năm 2019 ở mức 1,89% trên tổng dư nợ (nợ xấu nội bảng). Nợ xấu bao gồm cả nợ tiềm ẩn và nợ đã bán cho VAMC giảm từ mức 10,8% năm 2016 xuống còn 4,9%.

Hầu hết các ngân hàng đều kịp thời đáp ứng chuẩn Basel II. Theo đó, cuối năm 2019 đã có 18 ngân hàng được chấp thuận áp dụng Basel II sớm, gồm Vietcombank, MB, Techcombank, ACB, VIB, MSB, HDBank, OCB, VPBank, TPBank, VietBank, VietCapitalBank, SeABank, LienVietPostBank, NamABank, BIDV, ShinhanBank và Standard Chartered Việt Nam.

Trong bối cảnh ngành ngân hàng thắng lớn, vẫn có một số ngân hàng bị bỏ lại.

Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) ghi nhận lãi trước thuế chỉ 67,7 tỷ đồng, giảm hơn 70% so với năm 2018. Lợi nhuận ngân hàng sụt giảm sau quý 4 lỗ lớn tới 120 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí dự phòng rủi ro của ngân hàng cũng tăng gâp đôi trong năm qua, lên 75,3 tỷ đồng.

Được biết, khoản lỗ của Kienlongbank chủ yếu đến từ các khoản cho vay của các khách hàng có tài sản bảo đảm là cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) trị giá hơn 1.898 tỷ đồng.

Một ngân hàng khác cũng báo cáo kết quả kinh doanh không mấy khả quan là Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank). Trong năm 2019, ABBank báo cáo lợi nhuận tăng trưởng 28%, đạt 1.014 tỷ đồng. Mặc dù vậy, đa phần khoản lợi nhuận này đến từ lãi hoạt động khác.

Song song với đó, chi phí dự phòng rủi ro của ABBank tăng cao do nợ xấu của ABBank đã tăng rất nhanh trong năm qua. Tính đến cuối năm 2019, nợ xấu của ABBank là 1.311 tỷ đồng tăng 33% so với thời điểm đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng cũng tăng từ 1,89% lên 2,3% tổng dư nợ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn ở mức cao khi chiếm gần một nửa tổng nợ xấu.