Ngân hàng hợp tác fintech để giải bài toán chuyển đổi số

Việt Hưng - 15:01, 29/05/2023

TheLEADERNhiều ngân hàng dù đã hướng đến số hóa nhưng cách tiếp cận khách hàng thì vẫn theo hướng cũ, trong khi đó, các fintech có những mô hình tiếp cận khách hàng hằng ngày và thấu hiểu nhu cầu của khách hàng trong lĩnh vực tài chính.

Lĩnh vực tài chính - ngân hàng ở Việt Nam được xem là một trong những ngành có tốc độ chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo hàng đầu. Thời gian tới, làn sóng chuyển đổi số sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực này và hiện, hầu hết các ngân hàng đều đang có chương trình triển khai tập trung vào chuyển đổi số.

Dự báo về triển vọng thị trường dịch vụ tài chính - ngân hàng năm 2023, TS. Cấn Văn Lực cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và một số nước có thể rơi vào suy thoái cục bộ, GDP Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng, nhưng vẫn sẽ đứng ở mức khá, khoảng 6-6,5%.

Theo TS. Cấn Văn Lực, thị trường tài chính Việt Nam đã phát triển tương đối đầy đủ với 3 khu vực chính là ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm.

Quy mô thị trường tài chính Việt Nam tính theo thông lệ quốc tế đến hết tháng 9/2022 tương đương khoảng 295% GDP năm 2022; trong đó, hệ thống ngân hàng (tính bằng tổng tài sản các tổ chức tín dụng ngân hàng và phi ngân hàng) giữ vai trò chủ đạo, chiếm khoảng 64,7% quy mô tài sản hệ thống tài chính.

Để tiếp tục duy trì các thành tích đạt được và thực hiện các mục tiêu về chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, vị chuyên gia tin rằng phải đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số trong tổ chức, quản lý và thực hiện các nhiệm vụ trên môi trường số.

Qua đó, tổ chức, doanh nghiệp có thể giảm chi phí vận hành, tạo thuận lợi cho người dùng, cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội.

Còn theo ông Vũ Viết Ngoạn, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, hoạt động tài chính - ngân hàng ở nước ta được xem là một trong những ngành có tốc độ chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo hàng đầu.

Hiện nay, ở Việt Nam, có trên 30% dân số sử dụng ứng dụng để giao dịch ngân hàng, chỉ đứng sau Trung Quốc (trên 41%). Việc ứng dụng chuyển đổi số của ngành tài chính - ngân hàng nước ta rất ấn tượng.

Dẫn chứng từ thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2022, ngành ngân hàng đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số và đã đưa Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu.

Ngân hàng hợp tác fintech để giải bài toán chuyển đổi số
Ông Nguyễn Bá Diệp - Đồng sáng lập MoMo

Trong đó, không chỉ ngành ngân hàng chuyển đổi số, mà vai trò của các fintech, cũng như những cái "bắt tay" giữa các fintech và ngân hàng là rất quan trọng.

Ông Nguyễn Bá Diệp - Đồng sáng lập MoMo cho biết, nhiều ngân hàng dù đã hướng đến số hóa nhưng cách tiếp cận khách hàng thì vẫn theo hướng cũ. Trong khi đó, các fintech có những mô hình tiếp cận khách hàng hằng ngày và thấu hiểu nhu cầu của khách hàng. 

"MoMo có thể giúp các ngân hàng, tổ chức tài chính tiếp cận khách hàng một cách đơn giản, hiệu quả với chi phí thấp nhất. Sự bắt tay của ngân hàng và các đơn vị trung gian thanh toán như MoMo sẽ tạo ra mô hình hợp tác hữu hiệu nhất", ông Diệp nói.

Cụ thể, nhiều fintech đang triển khai công nghệ eKYC cùng ngân hàng để giúp khách hàng định danh trực tuyến, đơn giản hóa thủ tục giấy tờ khi mở tài khoản ngân hàng.

Ông Diệp cho biết, từ khi triển khai đến nay, đã có hơn 230.000 tài khoản ngân hàng được mở thành công cho khách hàng thông qua MoMo. So với cách làm truyền thống, khách hàng chỉ mất 2 phút để hoàn thành quá trình mở tài khoản ngân hàng và chỉ mất 35 giây để duyệt hồ sơ với tỷ lệ duyệt thành công lên đến 90% qua MoMo.

Bên cạnh đó, các fintech hiện còn đóng vai trò là nền tảng đầu tư dễ tiếp cận, giúp kết nối khách hàng với nhiều sản phẩm, dịch vụ của các ngân hàng, tổ chức tài chính.

Các đối tác ngân hàng và tổ chức tài chính đánh giá hiệu quả của mô hình hợp tác này là cao gấp nhiều lần so với cách làm truyền thống, với số lượng khách hàng và giá trị giao dịch đáng kể.

Chẳng hạn, đã có hơn 100.000 tài khoản tiết kiệm được mở trực tuyến tại Ngân hàng Bản Việt trên MoMo, 20.000 khách hàng mua vàng của Sacombank - SBJ trên MoMo, hơn 60.000 nhà đầu tư mở tài khoản thành công và giao dịch Chứng Chỉ Quỹ trực tiếp với các công ty quỹ qua MoMo.

Đặc biệt, các fintech còn là nền tảng thu hộ khoản vay, thẻ tín dụng giúp tăng trải nghiệm khách hàng, vừa giúp các ngân hàng, công ty tài chính tiết kiệm chi phí vận hành.

Do đó, đại diện MoMo tin rằng, ngân hàng hợp tác fintech sẽ là mô hình mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, đồng thời tạo ra đóng góp và tác động đáng kể cho sự phát triển chung của cả xã hội.