Ngành hàng tiêu dùng nhanh tăng chậm lại hậu giãn cách xã hội

Phương Anh - 16:12, 11/09/2020

TheLEADERNgười tiêu dùng Việt Nam dần trở lại cuộc sống bình thường và giảm dự trữ hàng hóa.

Thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) vẫn ghi nhận mức tăng hai chữ số trong 7 tháng đầu năm 2020 ở cả thành thị 4 thành phố (bao gồm TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ) và nông thôn Việt Nam.

Tuy nhiên, mức tăng có phần chậm lại sau thời điểm giãn cách xã hội, theo dữ liệu mới công bố từ Kantar. 

Cụ thể, tại khu vực thành thị 4 thành phố, tăng trưởng giá trị FMCG đạt 14% 7 tháng đầu năm, cao hơn gấp đôi mức 6% của cùng kỳ năm ngoái, trong đó tháng 3 và tháng 4 – thời điểm giãn cách ghi nhận tốc độ đột biến 31% và 22%, giảm về 11% trong tháng 6 và tháng 7.

Khu vực nông thôn sau khi chứng kiến mức tăng 20% trong giai đoạn tháng 3 – 4 thì hiện đã giảm về chỉ còn 8%. Tính trong giai đoạn tháng 1 – 7/2020, tốc độ tăng trưởng là 12%, cao hơn mức 9% của 7 tháng đầu năm ngoái.

a

Người tiêu dùng Việt Nam dần trở lại cuộc sống bình thường và giảm dự trữ hàng hóa. Giỏ hàng FMCG nhỏ lại nhưng mức giá trung bình sản phẩm lại có xu hướng tăng.

Xét về ngành hàng, đồ uống đang trên đà phục hồi trong khi các ngành hàng khác đang có xu hướng trở về với mức tăng trưởng trước đại dịch.

Một số mặt hàng “mùa dịch” như sản phẩm vệ sinh, nhu yếu phầm, thực phẩm tiện lợi tăng trưởng chậm lại sau thời kỳ giãn cách. Dù vậy, đáng chú ý, các sản phẩm tăng cường sức khỏe và đồ ăn nhẹ (có thể coi như một nguồn cung cấp dinh dưỡng và nạp năng lượng khác) tiếp tục tăng trưởng nổi bật ở khu vực nông thôn. Ngoài ra, đồ uống có cồn vẫn còn chịu ảnh hưởng ở khu vực này.

Thị trường bán lẻ đang thay đổi với sự mở rộng của các kênh mới nổi và mô hình bán lẻ hiện đại quy mô lớn – một trong những xu hướng sẽ tiếp tục trong thời kỳ “bình thường mới”.

Hầu hết các kênh mua sắm vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng hai chữ số trong mùa Covid-19 nhưng có dấu hiệu giảm dần sau khi lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ.

a 1

Phần lớn đóng góp trong tăng trưởng của thị trường bán lẻ đều đến từ các kênh lâu đời. Tuy nhiên đáng chú ý hơn, tỷ lệ đóng góp từ các kênh mới nổi cho tăng trưởng FMCG liên tục gia tăng theo thời gian.

Kênh mua sắm trực tuyến – một trong những kênh mới nổi ngày càng trở nên phổ biến đối với người tiêu dùng Việt, hiện đã tiếp cận được hơn một nửa dân số (những người có mua online ít nhất 1 lần trong năm vừa qua). Dù vậy, vẫn còn cơ hội rất lớn để mở rộng mạng lưới tiêu dùng bằng cách khai thác nhóm còn lại, đặc biệt là độ tuổi trên 50.

Kantar đánh giá khi tham gia mua sắm trực tuyến, mặc dù hầu hết người tiêu dùng có xu hướng thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng (COD), thanh toán kỹ thuật số hứa hẹn sẽ tăng tốc trong thời gian tới.