Ngành ngân hàng rút ra bài học gì từ đại án Oceanbank?

Kim Yến (thực hiện) - 08:29, 02/10/2017

TheLEADERNhững đại án gần đây trong ngành ngân hàng tiếp tục cho thấy những lỗ hổng trong quản lý ngân hàng, quản trị nhân sự, và các bất cập trong chính sách tiền tệ, đã dẫn đến ngân hàng bị âm vốn và những người điều hành ngân hàng lâm vào vòng lao lý.

Ngành ngân hàng rút ra bài học gì từ đại án Oceanbank?
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu.

Sau một tháng xét xử, ngày 29/9 vừa qua, TAND TP. Hà Nội đã tuyên án với 51 bị cáo trong đại án OceanBank, theo đó các bị cáo chủ chốt như Nguyễn Xuân Sơn, nguyên tổng giám đốc phải lãnh án tử hình, Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT nhận án tù chung thân.

Những đại án gần đây trong ngành ngân hàng tiếp tục cho thấy những lỗ hổng trong quản lý ngân hàng, quản trị nhân sự, và các bất cập trong chính sách tiền tệ, đã dẫn đến ngân hàng bị âm vốn và những người điều hành ngân hàng lâm vào vòng lao lý.

TheLEADER đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng về những bài học xương máu cho ngành ngân hàng.

Tiếp theo Ngân hàng Xây dựng , Oceanbank bị khởi tố sau khi ngân hàng Nhà nước mua với giá 0 đồng, ông nhận định thế nào về việc này? Thông lệ ngân hàng quốc tế thường xử lý thế nào về vấn đề này?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xử lý Oceanbank và Ngân hàng Xây dựng (VNCB) qua cách mua hai ngân hàng này với giá 0 đồng được NHNN cho là phương pháp tối ưu để tránh người dân kéo đến ngân hàng rút tiền hàng loạt có thể đưa đến đổ vỡ hệ thống. 

Ngoài ra, việc mua những ngân hàng 0 đồng còn tiết kiệm ngân sách quốc gia vì chính phủ không phải bỏ tiền ra mua các ngân hàng đã kiệt quệ. NHNN đã áp dụng những qui định trong Điều 149 Luật các tổ chức tín dụng 2010 để thực hiện việc mua các ngân hàng này với giá 0 đồng.

NHNN đã chọn phương pháp này thay vì cho hai ngân hàng này giải thể hay phá sản. Về thực chất đây là hình thức “quốc hữu hóa” (nationalization) vì biến hai ngân hàng này trở thành những ngân hàng do nhà nước sở hữu thông qua hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là NHNN. 

Nhưng NHNN không dùng từ “quốc hữu hóa’’ có lẽ vì khái niệm “quốc hữu hóa ngân hàng” thường được hiểu là một biện pháp mạnh của chính phủ nhằm cứu vãn ngân hàng trong tình trạng khủng hoảng, mà ngay cả tại thời điểm NHNN mua các ngân hàng với giá 0 đồng, NHNN vẫn khẳng định hệ thống NH của Việt Nam ổn định và không ở trong tình trạng khủng hoảng.

Biện pháp mua một ngân hàng thương mại bởi NHNN với giá 0 đồng không có tiền lệ tại Việt Nam, và hình như cũng chưa có tiền lệ trên thế giới. Tại nhiều quốc gia trên thế giới chính phủ áp dụng biện pháp “quốc hữu hóa” để giải quyết những ngân hàng trong tình trạng nguy ngập hay để cải tổ toàn hệ thống ngân hàng cho mục tiêu phát triển quốc gia. 

Những trường hợp điển hình như tại Mỹ, chính phủ Mỹ quốc hữu hóa Continental Illinois Bank Trust năm 1982 và sau đó bán lại ngân hàng này cho Bank of America năm 1994. Tại Mexico chinh phủ nước này bất ngờ quốc hữu hóa hệ thống ngân hàng cũng năm 1982. Tại Ấn Độ, Chính phủ quốc hữu hóa 14 ngân hàng lớn nhất của quốc gia này năm 1969 và thực hiện đợt thứ hai đối với 6 ngân hàng thương mại vào năm 1980. 

Tại Việt Nam NHNN mua ba ngân hàng VNCB, Oceanbank và GPBank năm 2015 khi cả ba ngân hàng này đã ở trong tình trạng phá sản kỹ thuật với vốn chủ sở hữu âm. Sau đó NHNN đã biến các ngân hàng này trở thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là NHNN và giao các ngân hàng này cho hai ngân hàng hàng đầu, Vietcombank và Vietinbank, quản lý. 

Hai ngân hàng lớn hỗ trợ các “ngân hàng 0 đồng” qua những hình thức hỗ trợ vốn (vốn vay chứ không phải vốn đầu tư/vốn điều lệ), bán các khoản vay cho các ngân hàng này để các ngân hàng có tài sản sinh lời và điều chuyển nhiều nhân sự quản lý qua các ngân hàng này. Những biện pháp hỗ trợ này có lẽ đã tạo ra những gánh nặng về tài chính và nguồn nhân lực cho hai ngân hàng được NHNN chỉ định hỗ trợ.

Theo các phương tiện truyền thông đại chúng, ba “ngân hàng 0 đồng” đã trở lại hoạt động bình thường và có hiệu quả. Tuy nhiên, các ngân hàng này chưa công bố công khai báo cáo tài chính và kết quả kinh doanh năm 2016 và do đó giới tài chính chưa có cơ sở để thẩm đinh tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của ba ngân hàng sau khi được NHNN tiếp quản và làm chủ từ năm 2015. Một vài chỉ tiêu tài chính quan trọng như vốn chủ sở hữu của các ngân hàng này đã được bổ sung thế nào, vẫn là một ẩn số. 

Thông tin tài chính của những ngân hàng này khi NHNN mua lại cho thấy các ngân hàng này đang trong trạng thái vốn chủ sở hữu âm nhiều lần so với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Trong thời gian 2 năm qua, tình trạng vốn âm đã được điều chỉnh và cải thiện ra sao, là một điều cần phải làm rõ vì theo luật một ngân hàng thương mại phải có vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷ đồng.

Giải pháp tất yếu cho những ngân hàng 0 đồng là giúp các ngân hàng này trở lại hoạt động bình thường và có lãi, đảm bảo thanh khoản và quyền lợi của khách hàng. Nếu các ngân hàng đã hồi phục và có khả năng trở lại hoạt động hiệu quả thì việc duy trì các ngân hàng này là kịch bản tốt nhất. 

Trường hợp ngược lại, NHNN nên tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài, mua lại những ngân hàng này từ NHNN. Trường hợp xấu nhất không ai mong muốn là các ngân hàng này không có khả năng tồn tại và phát triển, và không tìm được nhà đầu tư bỏ tiền mua những ngân hàng này, kể cả không có ngân hàng nào muốn sát nhập với những ngân hàng này, thì việc giải thể là giải pháp đương nhiên.

Kịch bản nào cho ngân hàng nào? Đây là điều không thể thẩm định khi mà kết quả kinh doanh, chỉ tiêu tài chính và những thông tin tài chính quan trọng khác của những ngân hàng 0 đồng không được công bố.

Việc một tập đoàn Nhà nước lớn lại mua cổ phần lớn của ngân hàng thương mại và yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải gửi tiền vào ngân hàng này sẽ xảy ra những nguy cơ nào theo ý kiến ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Cách đây một thập kỷ hệ thống ngân hàng được mở rộng, nhiều ngân hàng nông thôn được chuyển đổi lên ngân hàng đô thị. Ba ngân hàng mới trong nước được thành lập. Năm ngân hàng có 100% vốn nước ngoài được cấp giấy phép. Mong ước của một số nhà đầu tư là có một ngân hàng trong tay. Cố phiếu nhiều ngân hàng bán đắt như tôm tươi. Nhiều cổ phiếu được bán với giá gấp nhiều lần mệnh giá. 

Đồng thời Chính phủ cũng cho phép các tổng công ty, các công ty có vốn nhà nước được phép đầu tư ngoài ngành trong đó có ngân hàng là loại kinh doanh “ngoài ngành” nhưng rất hấp dẫn. Kết quả là các tổng công ty đều chọn cho mình một “ngân hàng ruột” để đầu tư với tư cách cổ đông và dùng các ngân hàng ruột này như cánh tay nối dài để kinh doanh. Việc PVN chọn mặt gửi vàng ở Oceanbank là trường hợp điển hình. 

Mặc dầu PVN có nhiều quan hệ với các ngân hàng khác, đặc biệt là các ngân hàng quốc doanh, nhưng Oceanbank đã trở thành ngân hàng thân thiết và các lãnh đạo của PVN cũng rất gắn bó với lãnh đạo của Oceanbank. Vì sự gắn bó này mà PVN cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường quan hệ và hợp tác với các đơn vị của Oceanbank. Cụ thể là hai chi nhánh lớn: Hà Nội và Vũng Tàu, cũng là nơi PVN có nhiều hoạt động nhất, trở thành hai đơn vị làm việc với PVN chặt chẽ nhất.

Trong ngành ngân hàng rủi ro tập trung là một loại rủi ro lớn nhất: hoạt động huy động tập trung vào một số khách hàng lớn hay hoạt động cho vay tập trung vào một số khách hàng lớn. Điều này đúng cho các ngân hàng Việt Nam mà cho tất cả các ngân hàng trên thế giới. Một ngân hàng huy động một lượng tiền lớn của khách hàng là một điều mừng, nhưng khi vì một lý do nào đó khách hàng đó rút tiền đột ngột khỏi ngân hàng, ngân hàng dễ bị rơi vào tình trạng mất thanh khoản. 

Cũng thế một khách hàng lớn vay tiền của ngân hàng sẽ tạo ra nguồn lợi lớn cho ngân hàng nhưng khi khách hàng mất khả năng trả nợ thì ngân hàng chịu một sự thiệt hại rất lớn. Luật các TCTD 2010 không cho phép các ngân hàng cho một khách hàng vay vượt quá 15% vốn điều lệ của ngân hàng – với mục đích khống chế rủi ro này. Tuy nhiên, Luật các TCTD không áp đặt một tỷ lệ nào cho việc huy động vốn.

Với trường hợp của Oceanbank không những PVN mà các công ty và đơn vị trực thuộc cũng tập trung quan hệ với Oceanbank, tạo một rủi ro rất lớn cho Oceanbank. Điều này lại trở nên trầm trọng hơn sau khi Oceanbank được NHNN tiếp quản. Hiện nay các mối quan hệ thân thiết với Tập đoàn Dầu khí đã không còn và Oceanbank phải đi tìm các khách hàng khác thay thế cho mối quan hệ tập trung với Tập đoàn Dầu khí trước đây. 

Điều tương tự cũng đã xảy ra với nhiều ngân hàng tại Mỹ khi cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ năm 2008 đánh sập nhiều công ty kinh doanh bất động sản. Một số ngân hàng vùng Texas, Florida, Nevada và California tập trung quan hệ với nhiều công ty bất động sản trong cả hai hoạt động huy động vốn và cho vay đã bị rơi vào tình trạng mất thanh khoản và vỡ nợ vì các khách hàng lớn của mình sụp đổ.

Trong ngành ngân hàng mức độ tập trung trong cả hai lãnh vực huy động vốn và cho vay trên 5% tổng huy động hay tổng dư nợ được xem là tập trung lớn và các ngân hàng phải theo sát các khách hàng có tiền gửi hay vay ngân hàng trên mức này một cách rất chặt chẽ. Tại Oceanbank có thời điểm tiền gửi của Tập đoàn Dầu khí lên đến hơn một nửa tổng huy động, thì mức độ rủi ro vượt xa mức độ có thể chấp nhận được.

Việc bỏ trứng vào một rổ phải chăng là tiền đề của tiêu cực?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Sự lệ thuộc của Oceanbank vào PVN đã đưa Oceanbank vào thế “làm mọi điều có thể” để duy trì quan hệ với PVN. Theo các cáo trạng và lời khai trong vụ án Oceanbank, ban lãnh đạo của Oceanbank đã tìm mọi cách để duy trì số lượng tiền gửi của PVN, một vấn đề huyết mạch trong sự sống còn của Oceanbank, nhất là vào giai đoạn Oceanbank mất thanh khoản vì khách hàng rút tiền và PVN trở thành cái phao cứu sinh của Oceanbank. Cách duy trì quan hệ dễ dàng nhất là dùng tiền để mua chuộc một số lãnh đạo PVN, để PVN tiếp tục bơm tiền vào Oceanbank. Rõ ràng đây là một tiền đề cho hiện tượng tiêu cực.

Nhưng công bằng mà xét, không phải chỉ có Oceanbank mà rất nhiều ngân hàng lâm vào tình trạng này khi mà các ngân hàng này lệ thuộc vào sự “ban ơn” của các tổng công ty, các doanh nhiệp có vốn nhà nước, các tập đoàn tài chính và các doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam. Điều này lại càng được tăng cường khi có quá nhiều ngân hàng ra đời và tập trung ở những khu đô thị lớn là những nơi các tổng công ty và các tập đoàn hoạt động. 

Sau hết trong sự cạnh tranh khốc liệt của các ngân hàng để huy động vốn thì trần lãi suất huy động do NHNN qui định đã tạo ra một “lằn ranh đỏ” mà anh nào vượt lằn ranh này và đi cửa sau với khách hàng thì mới có lợi thế thu hút vốn. Dĩ nhiên, trần lãi suất theo qui định của NHNN là để khống chế lãi suất huy động trong thời kỳ lạm phát tăng cao và từ đó khống chế lãi suất cho vay và lạm phát. 

Trong một sân chơi mà các thành viên của thị trường tuân thủ trần lãi suất thì đây là một sân chơi công bằng vì tất cả mọi thành viên đều bị đặt dưới cùng một điều kiện. Nhưng khi các thành viên phá luật chơi và tìm cách đi cửa sau với các tập đoàn thì các thành viên đã phá vỡ sự cạnh tranh bình đẳng. 

Cho đến nay chỉ mới Ngân hàng Xây dựng Việt Nam và Oceanbank là hai ngân hàng đã và đang được pháp luật xử lý vì làm trái qui định của NHNN và phạm tội tham nhũng.

Ông có thấy những thiếu sót gì trong việc ngân hàng Nhà nước quản lý các ngân hàng thương mại từ vụ Ocenbank và trước đó là Ngân hàng Xây dựng Việt Nam?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Các bị can trong vụ án Oceanbank xin tòa khoan hồng cho sự vi phạm pháp luật của họ. Hầu như tất cả đều lên tiếng kêu gọi công lý khi họ trình bày họ là những người sợ pháp luật và luôn cố gắng sống và làm việc trong khuôn khổ pháp luât. 

Họ lên tiếng trong nước mắt là phải chi họ được NHNN cảnh cáo về những vi phạm trần lãi suất nếu NHNN đã phát hiện hay việc chi ngoài là phạm tội tham nhũng cũng như nều họ đã được răn đe với những hình phạt nặng nề nhất của luật pháp. Trên thực tế NHNN đã ban hành nhiều thông tư, hướng dẫn về trần lãi suất và sự tuân thủ trần lãi suất. 

Các ngân hàng cũng thường xuyên báo cáo cho NHNN về lãi suất huy động và lãi suất cho vay, và NHNN cũng đã phát hiện nhiều trường hợp vượt trần lãi suất và chi lãi ngoài qua hình thức “chăm sóc khách hàng”, và đã xử lý những ngân hàng vi phạm. Nhưng nhiều cán bộ nhân viên tại những ngân hàng này không có tin tức về những vi phạm và biện pháp xử lý này hoặc có nhưng không ý thức được hậu quả nghiêm trọng của những hành động này. 

Ngay cả khi các sai phạm loại này được nêu ra trong các báo cáo kết quả thanh tra của NHNN, các thông tin này được giữ kín tại các ngân hàng và xem là thông tin mật, không được phép phổ biến rộng rãi, mà chỉ được cung cấp cho một vài đơn vị bị nêu tên trong kết quả thanh tra để điều chỉnh. 

Kết quả thanh tra tại Việt Nam hầu hết đều được giữ kín trong két sắt của HĐQT và chỉ rất ít người trong ban lãnh đạo được phép tham khảo. Tiếng kêu cầu thống thiết của một số bị can trong vụ án Oceanbank khi xin tòa khoan hồng là họ đã làm “những điều mà họ không biết” là có lý lẽ từ các bị can.

Chúng ta cũng không thể quy kết trách nhiệm cho NHNN vì NHNN đã ban hành những quy định và thông tin cần thiết để các thành viên của ngành ngân hàng tuân thủ và thực hiện. Tuy nhiên, nhìn lại những gì đã xảy ra thì “phải chi” NHNN đã đưa ra những quy định rõ ràng cụ thể để cấm đoán việc chi trả vượt lãi suất qui định, cấm đoán việc chi ngoài trong các chương trình “chăm sóc khách hàng”, tổ chức kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện đồng thời đưa ra những hình phạt cụ thể để răn đe kẻ vi phạm.

Đối với các bị can trong hai vụ án VNCB và Oceanbank mọi chuyện đã quá muộn màng, nhưng chúng ta cần phải rút kinh nghiệm để có những biện pháp thích hợp để xây dựng một ngành ngân hàng lành mạnh, ổn định và nhân văn.

Xin cảm ơn ông!