Ngành sản xuất duy trì tăng trưởng, lạc quan về 2022

Phương Anh - 15:19, 04/01/2022

TheLEADERNgành sản xuất của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, với các chỉ số cho thấy tình trạng chậm trễ của chuỗi cung ứng đã bớt nghiêm trọng.

Ông Andrew Harker, Giám đốc kinh tế tại IHS Markit, cho biết lĩnh vực sản xuất của Việt Nam vẫn trong giai đoạn tăng trưởng ổn định khi kết thúc năm 2021. Nhu cầu khách hàng tiếp tục cải thiện trong tháng 12, nhưng sự lây lan của đại dịch Covid-19 hiện nay có thể sẽ hạn chế tốc độ phục hồi.

Một điểm tích cực từ khảo sát Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) mới nhất là các công ty đã có thể bắt đầu khôi phục lại lực lượng lao động, mặc dù chưa nhiều, nhờ vượt qua một số khó khăn trong việc thu hút nhân viên trở lại làm việc sau làn sóng lây nhiễm mới đây.

Trong khi các công ty nhìn chung vẫn tin tưởng vào triển vọng sản lượng trong năm 2022, biến thể Omicron mới đã tạo thêm sự bất ổn cho những tháng tới, ông lưu ý.

Kết quả PMI mới nhất cho thấy các điều kiện kinh doanh tiếp tục được cải thiện tháng thứ ba liên tiếp, khi mức điểm tăng nhẹ lên 52,5 điểm trong tháng 12.

Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng vào cuối năm, khi nhu cầu khách hàng cải thiện trong bối cảnh những hạn chế liên quan đến Covid-19 được nới lỏng vào đầu quý IV. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng, với tốc độ tăng cao trong giai đoạn tám tháng qua.

Số lượng đơn đặt hàng mới tăng đã giúp sản lượng ngành sản xuất tiếp tục tăng, mặc dù tốc độ đã chậm lại do tác động của đại dịch.

a
PMI ngành sản xuất Việt Nam.

Sau sáu tháng giảm, chỉ số về việc làm đã quay trở lại, nhờ yêu cầu sản xuất tăng và mong muốn củng cố lực lượng lao động sau làn sóng dịch bệnh liên tiếp. Tuy vậy, mức cải thiện chỉ ở ngưỡng nhỏ, khi một số công ty tiếp tục cho biết công nhân trở về quê nhà và vẫn chưa trở lại làm việc.

Lao động tiếp tục khan hiếm, cộng với số lượng đơn đặt hàng mới tăng, đã khiến làm lượng công việc tồn đọng tiếp tục tăng.

Cùng với đó, các nhà sản xuất còn gặp phải tình trạng giao hàng chậm trễ đầu vào. Một số báo cáo cho biết hoạt động vận tải đã bắt đầu bình thường trở lại, nhưng tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu và chậm trễ chuyển hàng đang gây ảnh hưởng đến khả năng nhập hàng.

Nikkei cho biết các công ty vẫn lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong năm tới, và tâm lý kinh doanh đã tăng so với tháng 11 với hy vọng đại dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát trong năm 2022 và nhu cầu sẽ mạnh lên.

Tuy nhiên, một số người trả lời khảo sát nhấn mạnh đến bản chất khó đoán của các điều kiện kinh doanh hiện nay.

Trong khu vực ASEAN, năm trong số bảy quốc gia ghi nhận cải thiện các điều kiện sản xuất trong tháng cuối năm 2021. Lewis Cooper, chuyên gia kinh tế tại IHS Markit, cho biết sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đã thúc đẩy tăng trưởng trong tháng 12, và tốc độ tăng sản lượng đạt gần kỷ lục.

Kỳ vọng của các công ty về sản lượng trong năm tới đã tăng so với tháng 11, khi tâm lý kinh doanh đạt mức cao nhất kể từ tháng 5/2019.

“Thực sự là lĩnh vực sản xuất ASEAN vẫn có nền tảng mạnh mẽ khi bước vào năm 2022, khi mức hồi phục gần đây có ít dấu hiệu của sự chậm lại”, vị chuyên gia phân tích.