Nguồn lực cho phục hồi xanh

Phạm Sơn - 11:31, 26/02/2022

TheLEADERCải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy quan hệ đối tác công tư, tích cực hợp tác quốc tế... là những biện pháp quan trọng giúp Việt Nam thu hút thêm nhiều vốn đầu tư phục vụ cho tiến trình phục hồi xanh, phát triển bền vững.

Nguồn lực cho phục hồi xanh
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm do UNDP Việt Nam và Chính phủ Việt Nam tổ chức. Ảnh: PLO

Trải qua 2 năm nền kinh tế bị tàn phá bởi đại dịch Covid-19, nhu cầu phục hồi, tái thiết nền kinh tế đang được đặt ra như ưu tiên hàng đầu của các quốc gia.

Tuy nhiên, một vấn đề đáng để lưu tâm là quá trình phục hồi sẽ diễn ra như thế nào, tập trung vào ngành nghề, lĩnh vực nào, hay liệu quá trình lấy lại đà tăng trưởng kinh tế có đánh đổi những giá trị khó có thể đo đếm như môi trường, khí hậu, lợi ích cộng đồng?

Theo Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, thực tế Việt Nam đã đưa ra “câu trả lời rõ ràng” cho tất cả những vấn đề trên, với cam kết mạnh mẽ về cắt giảm khí thải tại COP26, cũng như những động thái chính sách cụ thể hướng tới chống biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển thị trường carbon…

Phó thủ tướng khẳng định, tăng trưởng xanh là một trong những xu thể lớn của toàn cầu và Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Hướng tới tăng trưởng xanh là một tiến trình chuyển đổi sâu sắc, với nhiều thách thức nhưng cũng không ít cơ hội.

Đảm bảo nguồn lực cho tăng trưởng xanh

Thực tế, phục hồi xanh, hướng tới phát triển bền vững ngày càng trở nên cấp thiết khi nhân loại đối diện với nguy cơ chưa từng có và chưa có hồi kết là đại dịch Covid-19.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, không phải đợi đến khi có đại dịch Covid-19 mà ngay từ năm 2008, tức là cách đây 14 năm, Việt Nam đã có những chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu, kể từ năm 2012 đã có chiến lược tăng trưởng xanh.

Tuy nhiên, có một điều phải thừa nhận là những chính sách, chiến lược đó chưa được thực hiện một cách đầy đủ. Một phần nguyên nhân đến từ việc thiếu nguồn lực, trong khi những hoạt động chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo hướng bền vững đòi hỏi đầu tư rất lớn về tài chính cũng như công nghệ và nhiều yếu tố khác.

Để huy động hiệu quả nguồn vốn cho phục hồi xanh, theo ông Lực, có 4 giải pháp quan trọng cần được lưu tâm.

Thứ nhất, củng cố mối quan hệ công tư, phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ với doanh nghiệp để huy động sự tham gia của nguồn lực tư nhân.

Thứ hai, nhanh chóng xây dựng thị trường tín chỉ carbon và tham gia thị trường tín chỉ carbon toàn cầu. Về điều này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP, với nội dung đến năm 2025 sẽ triển khai thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Thứ ba, tạo điều kiện cho đầu tư xanh, sản xuất và tiêu dùng xanh. Theo ông Lực, Chính phủ cần có hướng dẫn thực hiện các chính sách liên quan đến phát triển xanh, cập nhật những chỉ tiêu cho tài chính, tín dụng xanh.

Bên cạnh đó, cần triển khai nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời có cơ chế thưởng – phạt rõ ràng, khuyến khích những hoạt động kinh tế xanh và có hình thức xử phạt cho cá nhân, doanh nghiệp đi ngược lại xu thế chung.

Cuối cùng, tiếp tục nâng cao hợp tác quốc tế để nhận được sự hỗ trợ từ quốc tế, không chỉ về tài chính mà còn là kinh nghiệm thực tiễn, khoa học công nghệ.

Nói về nguồn vốn cho phục hồi xanh, theo bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc công ty Phúc Khang, hiện nay, doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài đang rất sẵn sàng để đầu tư vào những lĩnh vực bền vững tại Việt Nam.

Để hấp thụ tốt dòng đầu tư này, yếu tố quan trọng nhất là phải có hệ thống chính sách đồng bộ, có hành lang pháp lý chủ động và môi trường kinh doanh thông thoáng.

Đồng quan điểm với bà Mẫu, ông Wolfgang Ringel, Phó chủ tịch tập đoàn Tomra nhận xét, nguồn lực đầu tư về tài chính cũng như công nghệ sẽ sẵn sàng đổ vào Việt Nam nếu có hành lang pháp lý phù hợp.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn trên toàn cầu, ông Ringel cho biết, với môi trường kinh doanh thông thoáng và những nỗ lực phát triển bền vững đáng được ghi nhận của Việt Nam, Tomra sẵn sàng đầu tư, hỗ trợ Việt Nam những công nghệ tối ưu, những giải pháp phù hợp nhất.