Hành động nhỏ dẫn lối hiện thực hóa tham vọng khí hậu tại COP26

Minh Khôi - 09:53, 21/01/2022

TheLEADERCác doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề kinh tế đang cho thấy sự dịch chuyển hành động mạnh mẽ sang phát triển bền vững, chung tay đưa Việt Nam tiến tới mục tiêu đầy tham vọng đưa ra tại COP26.

HSBC Việt Nam mới đây đã giới thiệu thẻ thanh toán bằng nhựa tái chế, nằm trong khuôn khổ chương trình phát hành thẻ thanh toán bền vững trên toàn cầu của Tập đoàn HSBC, củng cố chiến lược giảm phát thải carbon và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không.

Tham vọng của ngân hàng là loại bỏ hoàn toàn thẻ nhựa dùng một lần vào cuối năm 2026, và thay bằng thẻ nhựa tái chế.

Thẻ mới được làm từ 85% nhựa tái chế có nguồn gốc từ chất thải công nghiệp. Là một trong những ngân hàng dẫn đầu trong mảng thẻ thanh toán tại Việt Nam, HSBC chuyển sang phát hành loại thẻ mới sẽ giúp giảm phát thải nửa tấn carbon và tiết kiệm 0,2 tấn nhựa mỗi năm.

Tổng cộng, HSBC Việt Nam cùng các thị trường khác của Tập đoàn HSBC có thể giúp giảm phát thải 161 tấn carbon và giảm 73 tấn rác thải nhựa mỗi năm trên toàn thế giới.

a
Thẻ mới được làm từ 85% nhựa tái chế có nguồn gốc từ chất thải công nghiệp.

Ông Pramoth Rajendran, Giám đốc toàn quốc Khối dịch vụ quản lý tài sản và tài chính cá nhân, HSBC Việt Nam, đánh giá vật liệu bền vững mới như nhựa tái chế mở ra cơ hội rõ ràng cho ngành dịch vụ trong nỗ lực xây dựng một tương lai bền vững hơn.

“Rõ ràng, môi trường là một vấn đề hết sức quan trọng với Việt Nam, một quốc gia thường xuyên phải đối mặt với những nguy cơ do biến đổi khí hậu gây ra. Chuyển sang sử dụng thẻ nhựa tái chế tạo điều kiện cho HSBC và khách hàng cùng đồng hành vì một Việt Nam xanh hơn, góp phần giúp Việt Nam thực hiện cam kết khí hậu đưa ra COP26”.

Phát hành thẻ nhựa tái chế chỉ là một trong nhiều sáng kiến HSBC đang thúc đẩy trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.

Trước đó, nhằm giúp khách hàng cá nhân giảm phát thải carbon và góp phần kiến tạo một tương lai cân bằng phát thải cho thế giới, HSBC đã phát triển và mở rộng danh mục các sản phẩm tín dụng xanh ở Việt Nam, như các khoản vay ưu đãi đối với các dự án xây dựng xanh và các hoạt động lắp đặt điện năng lượng mặt trời trên mái nhà.

Không chỉ ngành ngân hàng, lĩnh vực khách sạn cũng cho thấy nhiều chuyển động “xanh hóa”, từ các vật liệu thân thiện với môi trường, đến sử dụng nguồn năng lượng tái tạo.

Mới nhất, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững theo tiêu chuẩn của tập đoàn Accor, khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội bắt đầu đưa vào sử dụng bộ sản phẩm phòng tắm của hãng thời trang Balmain lừng danh đến từ Paris.

Các sản phẩm cao cấp của thương hiệu Balmain bao gồm dầu gội, dầu xả và sữa tắm với dung tích 400ml và chất liệu tái chế 100% sẽ được lắp đặt cho toàn bộ phòng tắm của khách sạn.

Không chỉ tiên phong trên thị trường, bộ sản phẩm phòng tắm Balmain đồng thời đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của tập đoàn Accor thuộc chương trình Planet 21.

Được khởi xướng từ năm 2011, Planet 21 là chương trình phát triển bền vững toàn cầu của Accor, thể hiện qua 21 cam kết trong 7 lĩnh vực xã hội, môi trường và hỗ trợ cộng đồng như sức khỏe, môi trường, giảm thiểu lượng khí carbon, nâng cao sức sáng tạo, phát triển cộng đồng.

Khu nghỉ dưỡng Alma tại bán đảo Cam Ranh thậm chí còn thực hiện dự án lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, tham vọng trở thành khu nghỉ dưỡng có dự án năng lượng mặt trời lớn nhất Việt Nam.

Theo đó, Alma Resort sẽ cho lắp đặt hơn 5.600 tấm pin năng lượng mặt trời với tổng diện tích 12.500m2, dự tính sẽ đáp ứng đến 1/2 nhu cầu sử dụng điện và giảm đến gần 73.000 tấn khí thải trong khoảng thời gian 25 năm.

Ngoài ra, các doanh nghiệp bán lẻ, FMCG gần đây đã hành động mạnh mẽ cắt giảm rác thải nhựa, chung tay giúp Việt Nam đạt được tham vọng đã đưa ra tại COP26.

Trên thực tế, lĩnh vực này đã khởi xướng và tiến hành các chương trình “sống xanh” từ nhiều năm nay, giúp nâng cao ý thức của người tiêu dùng.

Đơn cử, giữa năm 2019, 9 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì đã hợp tác, cùng thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), với mong muốn thông qua việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn làm cho quá trình thu gom và tái chế bao bì sản phẩm được thực hiện theo cách dễ tiếp cận hơn và bền vững hơn.

PRO Việt Nam sẽ hỗ trợ phát triển một hệ sinh thái thu gom, tái chế bao bì trong nước đủ mạnh, giúp tăng tỷ lệ tái chế và giảm thiểu tỷ lệ bao bì thải ra môi trường.

Liên minh này sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động trên các lĩnh vực gồm nâng cao nhận thức người tiêu dùng về tái chế và phân loại rác, làm vững mạnh hệ sinh thái thu gom bao bì sẵn có.

a 3
Nestlé Việt Nam sẽ hoàn thành chuyển đổi 100% sang ống hút giấy vào tháng 5/2022.

Dưới góc độ một doanh nghiệp thành viên của PRO Việt Nam tiên phong trong phong trào “Nói không với rác thải nhựa”, Nestlé tại Việt Nam công bố cam kết trung hòa nhựa đến năm 2025, khi 100% bao bì của Nestlé sẽ có thể tái chế hoặc tái sử dụng. Cam kết này song hành với tầm nhìn “Không bao bì nào của Nestlé, kể cả bao bì nhựa, bị chôn lấp hoặc trở thành rác thải”.

Đối với các hoạt động thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, tất cả các nhà máy của Nestlé tại Việt Nam đều được thiết kế và xây dựng nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn cao nhất về chất lượng thống nhất trong cả tập đoàn.

Năm 2018, tất cả các nhà máy Nestlé Việt Nam đã đạt mục tiêu “Không xả thải ra môi trường trong sản xuất” thông qua hoạt động tái chế, tái sử dụng nước thải, chất thải, góp phần thực hiện nền kinh tế tuần hoàn. Công ty tiếp tục nỗ lực để đạt mục tiêu đến 2030, không tác động đến môi trường trong quá trình sản xuất.

Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), thành viên của PRO Việt Nam, đã dừng sử dụng ống hút nhựa từ tháng 4/2019 tại hơn 600 điểm bán trên toàn quốc; thay màn co, túi nilong gói thực phẩm tự hủy bằng lá chuối tươi.

Những hành động này đánh dấu Saigon Co.op là hệ thống bán lẻ đầu tiên tại Việt Nam quyết định không bán ống hút nhựa, mở màn cho chiến dịch bảo vệ môi trường mới thông qua hành vi tiêu dùng trên kênh bán lẻ hiện đại.