Nguy cơ thiệt hại hàng trăm triệu USD từ Quy hoạch điện VIII

Nhật Hạ - 11:03, 27/03/2021

TheLEADERMục tiêu phát triển nhiệt điện than theo Quy hoạch Điện VIII của Việt Nam có thể gây thiệt hại 270 triệu USD về chi phí y tế và tổn thất về năng suất mỗi năm.

Nguy cơ thiệt hại hàng trăm triệu USD từ Quy hoạch điện VIII
Phát thải từ các nhà máy nhiệt điện than có thể làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm không khí trên cả nước. Ảnh VGP

Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, tới năm 2030, nhiệt điện than sẽ chiếm 27% tổng công suất đặt nguồn điện của Việt Nam, giảm 16% so với trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Song song, 24 dự án nhà máy nhiệt điện than được dự kiến xây dựng trong giai đoạn 2021 – 2030.

Mới đây, Viện Năng lượng, đơn vị tư vấn Quy hoạch điện VIII, cho biết 24 nhà máy này là những dự án chắc chắn xây dựng trong 15 năm tới, bởi đã được thực hiện công tác xúc tiến đầu tư tốt mà không thể loại bỏ, cùng với đó để đảm bảo tiêu chí an ninh năng lượng và giá điện không tăng quá cao. Ví dụ như Nhiệt điện Nam Định I, Thái Bình II, Nhiệt điện Vũng Áng II, Nhiệt điện Vân Phong I, Nhiệt điện Duyên Hải II...

Quy hoạch điện VIII cũng yêu cầu các nhà máy nhiệt điện than xây mới sử dụng công nghệ tiên tiến, là công nghệ siêu tới hạn (USC), giúp nâng cao hiệu suất, ít tiêu hao năng lượng.

Tuy nhiên, Trung tâm nguyên cứu Năng lượng và không khí sạch (CREA – Phần Lan) đánh giá ô nhiễm không khí từ các dự án điện than được đề xuất xây dựng trong Quy hoạch điện VIII với tổng công suất 30 GW có thể khiến Việt Nam bị thiệt hại khoảng 270 triệu USD (6,2 nghìn tỷ đồng) mỗi năm. Đây là những thiệt hại tiềm ẩn của nhiệt điện than đối với sức khỏe, năng suất kinh tế và tuổi thọ của con người.

Isabella Suarez, đồng tác giả báo cáo đánh giá mới nhất của CREA về Quy hoạch điện VIII của Việt Nam, cho rằng dự thảo quy hoạch mới đây đã hứa hẹn nhiều về một quá trình chuyển đổi năng lượng dựa trên năng lượng tái tạo, tuy nhiên việc bổ sung 30 GW điện than có thể cản trở những kế hoạch này và bổ sung vào công suất nền khi mà thế giới đang quay lưng lại với than đá.

“Một nửa trong số các nhà máy dự kiến xây dựng đã được hoãn cho đến sau năm 2030. Với những rủi ro về nguồn tài trợ trên toàn cầu và sự hiểu biết ngày càng tăng lên đối với sự không linh hoạt của điện than với tư cách là nguồn điện nền trong một hệ thống lưới điện đang thay đổi, câu hỏi đặt ra là có nên xây dựng những dự án này không? Nhất là hiện Việt Nam đã có một lượng lớn các nhà máy điện than đang hoạt động”, Suarez đặt vấn đề.

Và, “những chi phí ngoại biên (thường bị loại khỏi bảng cân đối kế toán) nên là yếu tố chính cần cân nhắc khi Việt Nam theo đuổi một kế hoạch năng lượng tổng thể và hướng về phía trước”, theo Suarez.

Trong khi đó, ô nhiễm không khí là một vấn đề ngày càng lớn tại Việt Nam khi năm 2020, nồng độ PM2.5 đã cao gấp 2 lần ngưỡng khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

CREA cho thấy rằng phát thải từ các nhà máy nhiệt điện than có thể làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm không khí trên cả nước, thậm chí là ở những nơi cách xa các nhà máy dự kiến được xây dựng nhiều kilomet. 

Những địa phương bị tác động lớn nhất là những thành phố như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đây là những nơi có mật độ dân số cao dễ bị phơi nhiễm đối với ô nhiễm tích lũy từ các nhà máy lân cận.

24 dự án nhiệt điện than mới trong dự thảo quy hoạch sẽ thải vào không khí khoảng 6 tấn thủy ngân mỗi năm. Khoảng 32% trong số đó sẽ thẩm thấu vào các hệ sinh thái đất và nước sạch, khiến cho khoảng 14 triệu người có nguy cơ bị phơi nhiễm đối với thủy ngân độc hại.

“Vấn đề không chỉ là có nhiều nguồn ô nhiễm từ than đối với những dự án được bổ sung này”, Suarez nói thêm. “Những chính sách hiện tại là không đủ để giảm thiểu phát thải từ số lượng ngày càng nhiều nhà máy điện than. Những báo cáo đánh giá tác động môi trường từ các dự án đề xuất mà chúng tôi nắm được cho thấy phát thải sẽ được giữ dưới tiêu chuẩn cho phép của Việt Nam bằng công nghệ, tuy nhiên báo cáo cho thấy chúng vẫn sẽ thải ra các chất gây ô nhiễm ở những mức độ nguy hiểm”.

Theo nghiên cứu của CREA, “với tình trạng ô nhiễm ngày càng tăng từ cả điện than và các nguồn khác trên cả nước thì việc các nhà máy sử dụng công nghệ quá siêu tới hạn hoặc hiện đại hơn nữa vẫn chưa đủ. Trong ngắn hạn và trung hạn, điều quan trọng cần làm là thiết lập các tiêu chuẩn phát thải quốc gia mạnh mẽ hơn phù hợp với các công nghệ sẵn có tốt nhất trên toàn cầu”.

Cơ quan này ước tính rằng các nhà máy điện than được đề xuất xây dựng sẽ gây ra 1.500 ca tử vong sớm, 750 ca mắc bệnh hen suyễn mới ở trẻ em và 370 ca sinh non ở Việt Nam mỗi năm. Chi phí kinh tế tích lũy (bao gồm chăm sóc sức khỏe, tổn thất năng suất, phúc lợi và các chi phí khác) do các nhà máy gây ra trong 30 năm là khoảng 13 tỷ USD (302 nghìn tỷ đồng).

Được biết, nghiên cứu của CREA dựa trên việc đánh giá tác động của 24 nhà máy nhiệt điện than được đề xuất trong dự thảo Quy hoạch điện VIII bằng cách định lượng lượng khí thải từ từng nhà máy riêng lẻ và lập mô hình lượng khí thải này để cho thấy mức độ ô nhiễm sẽ lan rộng như thế nào.

Mô hình này đánh giá cả các yếu tố khí tượng của Việt Nam (như lượng mưa, nhiệt độ và độ ẩm) và địa hình - những yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự lây lan ô nhiễm. Kết quả cho phép các nhà nghiên cứu xác định sự đóng góp của từng nhà máy đối với nồng độ ô nhiễm không khí xung quanh và số lượng người tiếp xúc với ô nhiễm trên một khu vực nhất định.

Sự gia tăng nguy cơ phát triển các bệnh liên quan do gia tăng tiếp xúc với tình trạng ô nhiễm đó được quy đổi thành giá trị tiền tệ. Điều này dựa trên nghiên cứu về tác động sức khỏe liên quan đến việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí gây ra hậu quả kinh tế, chẳng hạn như chi phí chăm sóc sức khỏe trực tiếp, (ví dụ chi phí điều trị bệnh hen suyễn hoặc bệnh tiểu đường) và chi phí giảm năng suất kinh tế. Năng suất kinh tế có thể bị giảm do vắng mặt hoặc giảm năng lực làm việc.