Nguyễn Hữu Thái Hòa: Người đi ươm những 'Giấc mơ Việt Nam'

Kim Yến - 09:05, 10/09/2017

TheLEADERTrở thành cái tên nổi bật trong làng công nghệ với vai trò giám đốc chiến lược cho những tập đoàn hàng đầu Việt Nam, Nguyễn Hữu Thái Hòa còn là người truyền cảm hứng cho giới trẻ với khát vọng “Quốc gia khởi nghiệp”.

Nguyễn Hữu Thái Hòa: Người đi ươm những 'Giấc mơ Việt Nam'
Doanh nhân Nguyễn Hữu Thái Hòa.

Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc chiến lược VNPT, Giám đốc Trung tâm Khoa học tư duy (CTS – Bộ Khoa học và công nghệ), 13 năm trải qua nhiều vị trí tại tập đoàn công nghệ đa quốc gia Schneider Electric của Pháp đã giúp anh hình thành bản lĩnh của một nhà kỹ trị, với mức lương đáng mơ ước với nhiều người, nhưng anh đã quyết định trở về, tạo dựng “Giấc mơ Việt Nam”, góp phần đưa doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới. 

Trở thành cái tên nổi bật trong làng công nghệ với vai trò giám đốc chiến lược cho những tập đoàn hàng đầu Việt Nam, anh còn là người truyền cảm hứng cho giới trẻ với khát vọng “Quốc gia khởi nghiệp”. 

Viết sách, trò chuyện, ca hát, kinh doanh… con người luôn “cháy hết mình” trong mọi vai trò ấy đang bước vào một thử thách mới khi rời bỏ FPT để bước chân vào VNPT, như lời anh thổ lộ: “Năm 2017 sẽ là năm bản lề của mọi thay đổi tư duy và đột phá của tôi trong chặng đường biến Giấc mơ Việt Nam thành hiện thực. Những người đồng hành trẻ tuổi của tôi có thể gọi chung là “Doanh nhân số - Khởi nghiệp số” là tên tập 2 của bộ sách "Quốc gia khởi nghiệp" tôi đã ấp ủ nhiều năm qua, tôi tin chắc sẽ có hàng vạn người đồng hành trẻ trên con đường này và rất tin tưởng vào thành công sắp tới của mình trong kỷ nguyên số”.

Lập thân ở xứ người, những bài học sống nào mà anh cho là quý giá nhất đã rèn đúc nên bản lĩnh của một chàng trai biết sống vì lý tưởng, sẵn sàng chấp nhận thử thách, kể cả những khó khăn thường nhật của đời sinh viên?

Nguyễn Hữu Thái Hòa: Hai kỷ niệm đáng nhớ nhất của thời tuổi trẻ khó khăn là việc đi bắt giun ở Canada và đi làm lao động dọn vệ sinh cho một văn phòng nha sĩ bị khán giả của mình nhận ra “ca sĩ Thái Hòa”! 

Những câu chuyện có phần cay đắng cho phận con nhà nghèo vượt khó để vươn lên trên xứ người, nhưng thật cũng chẳng thấm vào đâu so với bao nỗi cơ cực mà người dân Việt Nam còn quá nghèo khổ trên quê hương mình, cứ mỗi trận bão qua tôi lại xót xa nhớ đến câu nói của một bác đồng nghiệp bắt giun người Quảng Bình: “U chao ơi, cực ri thấm chi mô… ở quê anh làm bên nớ cực hơn nhiều mà năm mô bão hắn vô là trắng tay, nhịn đói khoai không có mà ăn tề…”.

Quê hương mình mấy mươi năm qua sao vẫn nghèo xơ xác quá…

Hơn 17 năm theo đuổi việc học trong những ngành hoàn toàn khác nhau, từ âm nhạc, kiến trúc, đến quản trị kinh doanh… tuổi trẻ của anh có băn khoăn, trả giá nhiều không để hiểu mình là ai, mình sinh ra để làm gì?

Nguyễn Hữu Thái Hòa: Tôi quan niệm theo phương pháp học hiện đại – học kiến tạo cả đời người, người 70 tuổi vẫn đi học. Mỗi buổi tới hội thảo lớn trong và ngoài nước, nếu chuyên đề hay tôi đều giữ chỗ cho bố mẹ tôi, những trí thức lão thành đã gần 80 tuổi vẫn đến ghi chép và học từ thế hệ trẻ. Mỗi buổi học như thế, ông bà rất vui và hạnh phúc khi thấy mình còn hội nhập được với tri thức và xã hội chung quanh. 

Đến nay tôi đã làm rất nhiều nghề và đôi lúc cũng thật sự trăn trở về bản ngã của chính mình. Nhưng hối hận thì không bao giờ, vì trên mỗi chặng đường đã đi qua tôi luôn biết mình đã toàn tâm và tận lực…

Có bao giờ anh rơi vào tuyệt vọng trong những khao khát, tìm kiếm của riêng mình? Làm thế nào để anh có được sự tự do, đế sống đúng là mình nhất? Giáo dục gia đình và những triết lý sống cá nhân đã mang lại cho anh một cảm nghiệm thế nào về những bước thăng trầm của đời mình?

Nguyễn Hữu Thái Hòa: Âm nhạc đã cứu rỗi tôi những lúc đau buồn nhất của cuộc sống, tôi yêu nhạc Trịnh từ cái ngờ ngợ ban đầu của bản năng đến tận cùng nỗi thấm thía về thân phận con người, thân phận mình… “như tin buồn từ ngày Mẹ cho mang nặng kiếp người” (Trịnh Công Sơn). Gia đình và những tình yêu chân thật đã giữ chân tôi lại với niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp này. 

Tôi tin rằng dù ở mọi khía cạnh khổ đau nhất, con người vẫn luôn biết cất giấu phần chân-thiện-mỹ trong tim mình, đâu đó, thi thoảng làm cay đôi mắt… Tôi cố gắng sống hướng thiện và gần gũi những người mình yêu thương, giữ cho riêng mình sự chân thành với cuộc sống.

Chu du từ châu Âu đến châu Á đã giúp anh những trải nghiệm nào cần thiết nhất, để có thể bước chân vào tập đoàn công nghệ đa quốc gia Schneider Electric của Pháp?

Nguyễn Hữu Thái Hòa: Schneider Electric là một phần 13 năm của cuộc đời làm việc và học tập, tôi tri ân Tập đoàn này cho tôi tri thức thực tiễn với một ngành nghề không mấy thú vị. Ngược lại tôi cũng góp phần chứng kiến sự đột phá và dịch chuyển mạnh mẽ ra toàn cầu hóa (chủ yếu từ Pháp ra nước ngoài) suốt 13 năm cống hiến cho Schneider.

Hơn 13 năm gắn bó với tập đoàn này đã mang lại cho anh những trải nghiệm nào để trưởng thành hơn với tư cách là một chuyên gia rất sâu về quản trị chất lượng? Những kỷ niệm nào anh nhớ nhất về thời gian này?

Nguyễn Hữu Thái Hòa: Tôi đã nắm 7 chức vụ khác nhau trong 13 năm ở Schneider Electric. Từ cấp nhà máy địa phương tại Việt Nam đến vị trí Giám đốc Toàn Châu Á – Thái Bình Dương và đi xuyên qua chuỗi giá trị sản xuất, phân phối, kinh doanh của Tập đoàn trên toàn cầu. Tôi đã nhận 5 giải thưởng toàn tập đoàn về sáng kiến và dự án chất lượng của Schneider Electric tại Châu Á. 

Điều tôi trăn trở nhất hiện nay là làm sao nhanh nhanh truyền thụ hết các kiến thức của hơn 10 năm tích góp các “Case Studies” xuất sắc của Schneider, vì trong 5 năm nữa, các kiến thức ấy sẽ lỗi thời với làn sóng cách mạng công nghệ như hiện nay. Phát triển và kế thừa cho hiệu quả là bài toán khó cho các doanh nghiệp Việt Nam và cả trên thế giới.

Thường với những lãnh đạo của các tập đoàn đa quốc gia, di cư đã trở thành chuyện bình thường, vì sao anh vẫn còn nặng trĩu tâm tư với đất mẹ, và quyết định về Việt Nam cùng Bộ Khoa học công nghệ biến “Giấc mơ Việt Nam” thành hiện thực?

Nguyễn Hữu Thái Hòa: Tôi là người lạc quan và luôn giữ thái độ tích cực. Tôi tin rằng không có việc gì là không làm được nếu ta có niềm tin và sự miệt mài lao động. Trích lời của vị cựu tổng thống Mỹ Kennedy làm kim chỉ nam: “Không có trường nào dạy làm tổng thống, mọi việc đều có thể học được…”. Và có lẽ suốt đời tôi đã áp dụng điều đó. 

Người Việt chúng ta ở Hải ngoại đã nhanh chóng hòa nhập và thành đạt nhưng không hề hòa tan vào cuộc sống phương Tây. Quyết định táo bạo khi rời bỏ một vị trí cao ở tập đoàn công nghiệp đa quốc gia của Pháp, về nước làm Giám đốc chiến lược cho Công ty công nghệ thông tin FPT với giấc mơ chất lượng Việt Nam. Một giấc mơ có thật nhưng phải có chính nghĩa và đừng đảo lộn các giá trị cốt lõi.

Bây giờ nghĩ lại, có bao giờ anh nuối tiếc về quyết định này không, khi chấp nhận rời bỏ mức lương đáng mơ ước với nhiều người để về làm việc trong một môi trường đầy thử thách, đầy bất trắc?

Nguyễn Hữu Thái Hòa: Về nước từ năm 2010, thực sự ít ai tin là tôi dành dụm được nhiều tiền hơn khi ở nước ngoài. Cuộc sống tiện nghi ở Canada, Pháp hay Hong Kong thật tuyệt nhưng quá đắt đỏ. Đời sống tinh thần thì không thể bằng trong nước, dù nhiều khi tôi vẫn phải thoát ra ngoài để không bị tụt hậu.

Về nước, tôi luôn đem theo ngọn lửa nhiệt tình và kinh nghiệm bản thân để truyền đạt lại cho lớp trẻ những bí quyết thành công “Kỹ Tây, hồn Ta” - học hỏi và sử dụng kỹ thuật phương Tây hoà vào bản sắc dân tộc Việt Nam.

Để giữ ngọn lửa đó trong môi trường gay gắt như FPT, trong môi trường phức tạp như kinh doanh ở Hà Nội là không dễ, và dễ bị coi là “hâm”… Mặc kệ họ, tôi vẫn cặm cụi đi con đường của mình và thích được gọi thân mật là “Người đi ươm những giấc mơ Việt Nam”.

Từng tham gia nhiều doanh nghiệp tư nhân đầu tàu của nền kinh tế, vì sao ở tuổi này, anh lại quyết định đầu quân cho VNPT, một tập đoàn Nhà nước? Kỳ vọng của anh như thế nào để tạo sự đột phá cho Việt Nam?

Nguyễn Hữu Thái Hòa: VNPT thật sự là một khám phá và trải nghiệm thú vị với tôi khi làm “người nhà nước” đi “xe biển xanh”. Một tập đoàn công nghệ thông tin hùng mạnh từ thời Bưu chính viễn thông đáng mơ ước của tôi và cả thế hệ sinh viên thập niên 80.

Vị trí của VNPT sau 2 thập kỷ chậm lại do sự bứt phá của Viettel và các doanh nghiệp khác là một cơ hội quá tốt cho chúng tôi và những chuyên gia mong chờ cách mạng trong thời đại công nghệ lần 4 này. 

Kỷ nguyên số và quyền lực của giải pháp thông minh, của CNTT là tuyệt đối quan trọng cho Việt Nam có thể bắt kịp chuyến tàu cuối cùng hội nhập thế giới văn minh. 

VNPT là ngọn cờ đầu và phải lãnh trọng trách đó, như cách chúng tôi đang viết tầm nhìn 2030 cho Tập đoàn “New DIGITAL HUB of Asia” – Một cổng giao dịch số của Châu Á.

Nói như anh Trương Đình Tuyển, người anh đáng kính của nhóm Think Tank chúng tôi “CNTT là ánh sáng cuối đường hầm hy vọng cho nền kinh tế Việt Nam”.

Cách thức xây dựng hệ thống quản trị luôn là một ẩn số với bất cứ lãnh đạo chiến lược nào, bằng cách nào anh có thể triển khai công việc của mình ở FPT thành công, và bây giờ là VNPT? Khó khăn nào lớn nhất anh thường vấp phải, và bài học là gì?

Nguyễn Hữu Thái Hòa: (1) Con người, (2) Con người & (3) Con người.

Khó khăn lớn nhất là phải chống lại những con người không chịu thay đổi, không tích cực và kém tài, kém đức. Nếu không may trong một tập thể họ lại nắm quyền lực thì cuộc chiến sẽ vô cùng khốc liệt. 

Một hệ thống quản trị minh bạch kiểu BSC (Balanced Score-Card) là điều đàu tiên phải làm để tăng tính chuyên nghiệp và rạch ròi giữa “Right People” đúng người – đúng việc và phần tiêu cực kia… Còn lại chỉ là quyết tâm chính trị của người đứng đầu để loại bỏ - điều kiên quyết phải làm trong mọi tổ chức.

Khởi nghiệp hiện đang là chủ đề được quan tâm, nhất là trong bối cảnh Việt Nam bắt đầu hội nhập quốc tế sâu rộng hơn thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, Hiệp định tự do thương mại (FTA) thế hệ mới… Giấc mơ “quốc gia khởi nghiệp” theo anh có còn xa?

Nguyễn Hữu Thái Hòa: Hiện nay hầu hết các dự án startup ở nước ta đẩy hết trách nhiệm này cho các bạn trẻ tự ngồi nghĩ ra ý tưởng rất lãng mạn nhưng không xuất phát từ kinh tế thị trường và ít được hỗ trợ của giới khoa học. Startup bằng sự thông minh lãng mạn như thế sẽ cầm chắc thất bại. 

Trên thực tế các tập đoàn hùng mạnh, các quốc gia phát triển không làm như thế. R&D phải luôn gắn với thị trường và xuất phát từ đặt hàng của thị trường qua các cộng đồng doanh nghiệp & các tập đoàn, nhà đầu tư và sự hỗ trợ của cả một hệ thống vườn ươm khởi nghiệp bài bản.

Đề án chi 100 tỷ đồng để startup trong 5 năm cho một TP. HCM rộng lớn là một con số dù có nhiều hơn mọi năm nhưng vẫn rất hình thức và thiếu đánh giá đúng tiềm năng của TP. HCM. 

Khởi nghiệp với dự án ngắn là những bước chạy đà thông minh và giúp thế hệ trẻ tránh bớt ảo tưởng làm tỷ phú ngay qua một đêm và đóng góp thực chất thiết thực vào nền kinh tế. Nhưng ít ai biết khởi nghiệp còn là con đường ngắn nhất để tiếp cận tri thức và đưa vào cuộc sống ít tốn kém nhất.

Quốc gia khởi nghiệp chính là quốc gia dám đầu tư cho hoạt động đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh, sẵn sàng đầu tư cho những ý tưởng sáng tạo cho dù không đảm bảo chắc chắn nó sẽ thành công. 

Israel được gọi là quốc gia khởi nghiệp, mỗi người dân là một sự tổng hợp “3 trong 1” của tinh thần công dân: Nông dân, Chiến binh và Doanh nhân. Thay vì ngồi nghĩ về những thất bại, người Israel luôn chú trọng tìm kiếm cơ hội của tương lai. Văn hóa của họ nằm ở 3 yếu tố then chốt: có sáng kiến, chấp nhận rủi ro và tốc độ.

Trong điều kiện, hoàn cảnh hiện tại, có lẽ chỉ đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, Việt Nam mới hy vọng tăng tốc để phát triển đất nước - đây là con đường duy nhất để chúng ta sớm đạt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tương lai không xa. Nếu chúng ta vẫn phát triển với một tốc độ như hiện nay, chúng ta có thể trở thành nước công nghiệp vào năm 2050. 

Muốn trở thành quốc gia khởi nghiệp, Việt Nam phải thay đổi tư duy từ gốc rễ các khái niệm khởi nghiệp, tránh làm theo phong trào và nghiêm túc từ việc tạo lập và vận hành Hệ sinh thái khởi nghiệp là điều bắt buộc và không dễ dàng, nhất là khi chúng ta còn đang chập chững bước vào nền kinh tế thị trường.

Anh cũng vừa ra mắt cuốn sách viết về đời mình, và tham gia tích cực vào các hoạt động của cộng đồng doanh nhân, anh gửi gắm điều gì từ những lời nói và việc làm của mình?

Nguyễn Hữu Thái Hòa: Trong suốt câu chuyện kể về khởi nghiệp trong cuốn sách, tôi luôn nhấn mạnh về niềm tin khi nhắc nhở các bạn trẻ rằng: “Khởi nghiệp cuối cùng là vượt khó để biến cái không thành có, thiếu niềm tin thì ta khó đi đến tận cùng để thành công. Chỉ cần có niềm tin từ những nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm thực tế sẽ biến giấc mơ quốc gia khởi nghiệp thành sức mạnh đi tới cho Việt Nam”. 

Niềm tin chính là bạn đường, giúp tôi có thể bước qua thử thách và chạm đến giấc mơ của mình. Thông qua từng con chữ, tôi muốn mang niềm tin đến với người đọc – dù còn ít phần trăm hy vọng đến đâu cũng không được nản chí buông xuôi. Đó chính là lý do cuốn sách này sẽ cần thiết với thế hệ trẻ, những người đang tìm kiếm con đường cho chính mình, những con đường đang rất chông chênh về niềm tin.

Ca hát có là một “đời sống thứ hai” của anh? Anh luôn xuất hiện cùng ca sĩ Hồng Hạnh trong những chương trình giao lưu, sự đồng điệu của hai người đã giúp anh điều gì?

Nguyễn Hữu Thái Hòa: Hồng Hạnh là một tri kỷ, chúng tôi dựa vào nhau trong mọi chia sẻ của cuộc sống đôi khi quá mệt mỏi này. Nhờ nhũng ca khúc, những chuyến lưu diễn và vui buồn trong “đời sống thứ hai” đã giúp chúng tôi còn nghị lực tiếp tục cống hiến. 

Sự đồng điệu đôi khi đến từ sự khác nhau về cả tính cách lẫn cách hát, tuy nhiên quan trọng nhất trong mọi mối quan hệ là sự trân quý lẫn nhau. Chúng tôi là một cặp “tri kỷ” và đang rất hạnh phúc vì điều đó.

Yêu nhạc Trịnh Công Sơn, những triết lý sống nào của anh Sơn đã giúp anh một nghị lực sống mạnh mẽ để biến giấc mơ Việt nam thành hiện thực, khơi dậy một tinh thần mới cho giới trẻ Việt Nam?

Nguyễn Hữu Thái Hòa: Tôi thích câu trích dẫn trong một phỏng vấn của một đài truyền hình cộng đồng Việt kiều từ California: "Tôi chắc chắn một điều là tất cả Việt kiều đang về nước như tôi, hay còn ở ngóng trông bên kia, đều mong một điều là đất nước Việt Nam ngóc đầu lên được." – tôi yêu nhạc Trịnh và học được ở Trịnh Công Sơn triết lý yêu nước, yêu đồng loại đứng trên mọi biên giới của lòng thù hận.

Những người bạn đường nào đã đồng hành với anh trên con đường tạo dựng giấc mơ Việt nam?

Nguyễn Hữu Thái Hòa: Năm 2017 sẽ là năm bản lề của mọi thay đổi tư duy và đột phá của tôi trong chặng đường biến Giấc mơ Việt Nam thành hiện thực. Những người đồng hành trẻ tuổi của tôi có thể gọi chung là “Doanh nhân Số - Khởi nghiệp Số” là tên tập 2 của bộ sách Quốc gia khởi nghiệp tôi đã ấp ủ nhiều năm qua, tôi tin chắc sẽ có hàng vạn người đồng hành trẻ trên con đường này và rất tin tưởng vào thành công sắp tới của mình trong kỷ nguyên số.

Xin cám ơn anh về buổi trò chuyện thú vị!