Nguyên tắc nào khi tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường?

Gia Bảo - 20:05, 26/04/2019

TheLEADERViệc tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội cho Việt Nam nhưng ẩn chứa không ít rủi ro cần sự tỉnh táo.

TS. Huỳnh Thế Du, Giảng viên Chính sách công Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright nhận định việc tham gia vào Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc mang lại thêm cơ hội tăng quan hệ kinh tế, thương mại với nền kinh tế đông dân nhất thế giới.

“Đây là một thị trường khổng lồ nên có nhiều cơ hội phát triển cho kinh tế Việt Nam”, ông Du trả khẳng định.

Trong khi không ít người cho rằng sáng kiến của Trung Quốc mang lại rủi ro, ông Du nhận định điều này sẽ buộc Việt Nam phải sử dụng các dự án, các khoản vay hiệu quả hơn, tính toán để việc tham gia tránh được các vấn đề nhạy cảm.

Việt Nam được cho là cần nhìn thấy rõ lợi ích và khi tham gia, “nguyên tắc duy nhất là lợi ích của Việt Nam”.

Bên cạnh Sáng kiến Vành đai và Con đường, Việt Nam cũng đang đứng trước Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Mở và Tự do do Mỹ thúc đẩy. TS. Huỳnh Thế Du nhận định Việt Nam dựa trên nguyên tắc tham gia tất cả, “giống quan điểm đối ngoại hay quan điểm kinh tế của là có thể làm bạn với tất cả”.

Theo đó, không phân biệt là sáng kiến nào mà cần xem xét trên cơ sở mang lại lợi ích cho Việt Nam.

Ông Du cho rằng trong thời gian tới có khả năng đầu tư nước ngoài gia tăng vào cơ sở hạ tầng của Việt Nam bởi cả hai chiến lược trên đều tăng cường đầu tư, tăng cường phát triển các dự án cơ sở hạ tầng.

Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng nhưng vấn đề lớn nhất là “làm sao sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí” và tính toán dựa trên lợi ích quốc gia.

“Bất kỳ trường hợp nào cũng cần ý thức được về lợi ích quốc gia để lựa chọn dự án, lựa chọn đối tác và các vấn đề liên quan. Tham nhũng, trục lợi có thể khiến Việt Nam lựa chọn một dự án bất lợi”, ông Du nhấn mạnh.

Lần đầu tiên được đề cập bởi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào đầu tháng 9/2013, Sáng kiến Vành đai, Con đường khi hoàn thành sẽ tạo ra mạng lưới kinh tế thương mại rộng lớn với 66 thị trường.

Khu vực này sẽ sở hữu hơn 30% GDP toàn cầu, 62% dân số và khoảng 75% dự trữ năng lượng, theo World Bank.

Trước không ít ý kiến trái chiều được đưa ra về việc tham gia sáng kiến này thời gian qua, ông Tập trong lễ khai mạc hội nghị thượng đỉnh mới đây khẳng định Sáng kiến Vành đai và Con đường phải xanh và bền vững, mang lại tăng trưởng chất lượng cao cho các nước tham gia.

Phát biểu khai mạc, nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết Vành đai và Con đường phải thúc đẩy bảo vệ môi trường, “bảo vệ ngôi nhà chung mà chúng ta đang sống”, Reuters đưa tin.

“Xây dựng cơ sở hạ tầng có chất lượng cao, bền vững, chống rủi ro và giá cả hợp lý sẽ giúp các quốc gia phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực", ông Bình nhấn mạnh.

Vành đai và Con đường được nhận định sẽ mở ra các cơ hội phát triển cho Trung Quốc trong quá trình mở rộng cánh cửa kinh tế ra thế giới.