Nhận diện điểm yếu du lịch miền Tây

Hoàng Đông - 09:04, 30/03/2024

TheLEADERSản phẩm du lịch đơn điệu, ít có tính sáng tạo và bị trùng lặp giữa các địa phương là trở lực lớn đối với sự phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhận diện điểm yếu du lịch miền Tây
Chợ nổi Cái Răng - biểu tượng du lịch Cần Thơ. Ảnh: Hoàng Anh

Năm 2023, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đạt được kết quả tương đối khả quan, tăng mạnh về cả lượng khách lẫn doanh thu. Đây là kết quả đáng ghi nhận của những hoạt động xúc tiến, liên kết, hợp tác phát triển du lịch của chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với sự đa dạng về hệ sinh thái và nét đẹp văn hóa truyền thống, kết quả năm 2023 vẫn chưa xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh của du lịch Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, nhìn nhận, du lịch miền Tây còn rất nhiều hạn chế chưa được khắc phục. Trong đó, đặc biệt phải kể đến sản phẩm du lịch còn rất giống nhau, không tạo được sự mới lạ cho du khách và không phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Đơn cử như dịch vụ du lịch kết hợp thưởng thức trái cây miệt vườn, nuôi cá biểu diễn hay chèo thuyền trên kênh, rạch được mở rộng khắp 13 tỉnh, thành phố miền Tây, với cách làm giống hệt nhau. Điều đó có nghĩa là chỉ cần ghé một địa phương là du khách có cảm giác đã trải nghiệm được gần hết miền Tây.

Bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ, nhìn nhận, thời gian quan, Đồng bằng sông Cửu Long đã có sự đổi mới về sản phẩm, tuy nhiên vẫn còn chậm và chưa thực sự sáng tạo.

Thực tế, gần đây, nhờ vào sự sáng tạo của bà con cũng như sự hỗ trợ từ cộng đồng doanh nghiệp, miền Tây đã có một số sản phẩm du lịch mới như du lịch sinh thái kết hợp nuôi tôm dưới tán rừng, đi bộ dã ngoại núi Cấm… khá hấp dẫn đối với du khách, song vẫn chỉ mang tính cục bộ.

Theo bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, du lịch là ngành mang tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa rất cao, do đó cần phải phát huy thế mạnh của mỗi địa phương để xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, tránh gây nhàm chán cho du khách.

Để làm được điều này, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, Nhà nước cần hỗ trợ cho nghiên cứu, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch thuận theo xu thế mới và nhu cầu mới, đặc biệt khai thác những giá trị sẵn có của miền Tây.

Đồng quan điểm, bà Thy đề xuất tổ chức nhiều hoạt động lễ hội, thể thao, triển lãm để giới thiệu nét đẹp của miền Tây tới đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Còn theo TS. Trần Hữu Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, một trong những nguyên nhân để xảy ra thực trạng nói trên là liên kết du lịch chưa thực sự có cơ chế, mới chỉ dừng lại ở nỗ lực từ phía các địa phương.

Do đó, ông Hiệp đề xuất thành lập ban điều phối phát triển du lịch riêng cho vùng để tạo cơ chế chung giúp các địa phương phối hợp nhịp nhàng, phát huy thế mạnh về bản sắc văn hóa cũng như nét đẹp tự nhiên. Đây cũng là cách nêu bật những giá trị truyền thống văn hóa sông nước như đờn ca tài tử, từ đó tạo ra thương hiệu du lịch cho miền Tây.

Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông cần phải được phát triển để tạo thuận lợi cho hoạt động du lịch. Chất lượng nhân lực phục vụ ngành du lịch cũng cần được nâng cao sao cho tương xứng với cơ hội và tiềm năng.