Nhận diện rủi ro về thuế trong bối cảnh mới

Quỳnh Chi - 10:01, 21/06/2022

TheLEADERTheo ông Lê Khánh Lâm, Phó chủ tịch câu lạc bộ Giám đốc tài chính CFO Việt Nam, các doanh nghiệp trong và ngoài nước hiện đang phải đối mặt với 5 vấn đề lớn về thuế.

Nhận diện rủi ro về thuế trong bối cảnh mới
Ông Lê Khánh Lâm, Phó chủ tịch CFO Việt Nam, Chủ tịch HĐTV RSM Việt Nam

Chuyển giá tiếp tục được xem là vấn đề tạo ra nhiều rủi ro thuế nhất

Việc đòi hỏi giao dịch liên kết phải tuân thủ nguyên tắc giá thị trường (không có yếu tổ chuyển giá) đang trở thành yêu cầu ngày càng khắt khe của các cơ quan thuế ở mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Do hướng dẫn về việc tuân thủ nội dung này liên tục được cập nhật và thay đổi và đòi hỏi phải so sánh vị thế tuân thủ thuế của doanh nghiệp với các công ty tương đồng ngoài thị trường nên quá trình nghiên cứu, hiểu và vận dụng đúng những khái niệm mới này đang tạo ra thách thức, đi kèm với rủi ro thuế, rất lớn cho doanh nghiệp

Các rủi ro thuế mới do tác động từ đại dịch Covid-19

Trong các năm đại dịch, Chính phủ liên tục có các chính sách hỗ trợ về thuế như giãn nộp thuế, giảm thuế, cho khấu trừ các chi phí liên quan đến việc hỗ trợ, phòng chống Covid-19…

Tuy nhiên, do các chính sách được ban hành rất nhanh để kịp thời đối phố với những tình huống khẩn cấp trong đại dịch, việc hiểu và vận dụng đúng tinh thần của Chính phủ cho từng ngành nghề, từng giai đoạn luôn tạo ra những câu hỏi lớn về tình phù hợp của việc áp dụng. Chính điều này âm ỉ tạo ra những rủi ro về thuế trong việc áp dụng mà phải cần thời gian mới có thể phân định và có câu trả lời rõ ràng.

Ảnh hưởng từ thay đổi của chính sách thuế quốc tế (BEPS)

Từ cuối năm 2015, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã giới thiệu 15 hành động lớn để chống lại hiện tượng xói mòn cơ sở tính thuế và dịch chuyển lợi nhuận (Based erosion and profit shifting – BEPS) và yêu cầu các nước thành viên chính thức (G20+) và các nước thành viên quan sát, trong đó có Việt Nam, nghiên cứu lộ trình áp dụng.

Việc áp dụng từng phần và tiến tới toàn phần các hành động về BEPS sẽ dẫn đến việc thay đổi các chính sách thuế nội địa, trong đó có việc cập nhật các quy định về chống chuyển giá và tham gia ký kết các hiệp ước/hiệp định chung về cam kết thực thi các nguyên tắc mới.

Việt Nam đang rà soát lại các ảnh hưởng từ các thay đổi này và có lộ trình cam kết áp dụng các thay đổi theo khuynh hướng toàn cầu.

Cải cách thuế và số hoá hoạt động quản lý thuế từ cơ quan thuế

Một trong những trọng tâm cải cách thuế mà toàn cầu và Việt Nam đang khẩn trương áp dụng là việc ứng dụng công nghệ và số hoá các hoạt động quản lý thuế.

Việc bắt buộc áp dụng khai, nộp thuế điện tử, áp dụng bắt buộc sử dụng hoá đơn điện từ (từ 1/7/2022) và yêu cầu truyền dữ liệu về cho cơ quan thuế… là những động thái mạnh mẽ về chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước của ngành thuế.

Cơ quan thuế đã nhận diện thêm rất nhiều khu vực cần chuyển đối số và cần kết nối trao đổi thông tin. Lộ trình thực hiện các công việc này cũng đã được văn bản hoá và có lộ trình áp dụng cụ thể cho từng năm.

Bên cạnh lợi ích mà công nghệ đem lại, việc chuyển đổi trên quy mô lớn cũng sẽ tạo ra các thách thức, rủi ro trong quá trình thay đổi tư duy, nền tảng ứng dụng.

Vấn đề lưu trữ, tổ chức tài liệu và cung cấp dữ liệu doanh nghiệp cho cơ quan thuế

Đi cùng với việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ, phương pháp truyền, nhận dữ liệu, tổ chức lưu trữ, bảo mật và truy xuất dữ liệu tạo ra nhiều thách thức mới cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế.

Các trao đổi gần đây về việc định dạng lưu trữ dữ liệu, trách nhiệm của các bên (bao gồm người nộp thuế, đơn vị cung cấp giải pháp điện tử và cơ quan thuế) trong việc nhận, xử lý, lưu trữ, bảo mật và truy xuất vẫn chưa có hồi kết.

Các rủi ro bị tin tặc tấn công, virus xâm nhập, mất cắp hoặc rò rỉ dữ liệu đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều bên, đặc biệt là từ phía doanh nghiệp – đơn vị có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho cơ quan thuế trong các đợt thanh – kiểm tra thuế trong tương lai.