Nhiều áp lực để giữ mục tiêu lạm phát dưới 4%

Phạm Sơn - 07:13, 07/04/2022

TheLEADERChi phí đẩy có thể khiến tỷ lệ lạm phát tăng cao trong vài tháng tới, tuy nhiên tình hình không quá mức tiêu cực. Điều hành chính sách cung tiền tốt sẽ giúp Việt Nam hạn chế tác động từ cơn "bão giá" này.

Bước ra từ đại dịch Covid-19, các nền kinh tế trên thế giới đều ban hành gói chính sách hỗ trợ phục hồi, bơm một lượng tiền lớn chưa từng có tiền lệ ra nền kinh tế. Ngay từ đầu năm 2021, vấn đề áp lực lạm phát tác động tới trung và dài hạn đã được đưa ra bàn thảo, cân nhắc tới chính sách phục hồi kinh tế nhưng vẫn đảm bảo ổn định vĩ mô của Việt Nam.

Tuy nhiên, khi các gói kích thích tài khóa chưa kịp gây tác động, xung đột giữa Nga và Ukraina bất ngờ nổ ra, kéo theo cuộc khủng hoảng nặng nề về năng lượng tại châu Âu. Cùng với vụ mùa thất thu do hạn hán tại Mỹ và chính sách “zero Covid-19” của Trung Quốc, giá cả nhiều hàng hóa tăng chóng mặt.

Cụ thể, trong 3 tháng qua, giá dầu thô tăng khoảng gần 60%; giá lương thực tăng khoảng 25%, kéo theo nhiều mặt hàng khác cũng tăng giá theo bởi dầu thô và lương thực là đầu vào quan trọng cho nhiều ngành sản xuất.

Một ví dụ dễ thấy ở thời điểm hiện nay là giá phân bón cũng bị đẩy lên mức rất cao, có loại tăng giá đến hơn 100%. Một số ngành khác chịu tác động lớn từ giá xăng dầu có thể kể đến như than; thủy sản; vận tải…

TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết, giá xăng dầu tác động mạnh lên tỷ lệ lạm phát. Mức tăng khoảng 30% trong quý I vừa qua làm tỷ lệ lạm phát tăng lên khoảng 1%. Dự tính cả năm, riêng giá xăng dầu sẽ “đóng góp” khoảng 3% tỷ lệ lạm phát.

Đó là chưa kể đến những yếu tố như “cầu kéo” do việc mở cửa trở lại nền kinh tế khiến nhu cầu tiêu dùng tăng nhanh; các yếu tố “chi phí đẩy” khác như giá dịch vụ logistics… Tất cả đều đe dọa tới mục tiêu duy trì tỷ lệ lạm phát ở mức 4%, qua đó duy trì ổn định vĩ mô như Quốc hội đã đề ra.

Tổn thương thực tế chưa chắc đã bằng tổn thương tâm lý

Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết, trong quý I/2022, mức tăng giá các mặt hàng khá cao, tuy nhiên vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI - thước đo lạm phát) tăng khoảng 1,9%, cao hơn quý I/2021 nhưng thấp hơn cùng kỳ các năm 2017 – 2020.

Con số 1,9% cũng thấp hơn rất nhiều so với mức lạm phát ở một số đối tác quan trọng của Việt Nam như Mỹ, Anh, Đức, Thái Lan, Singapore…

Như vậy, công tác điều hành chính sách, kiểm soát lạm phát được tiến hành tương đối tốt trong quý I/2022. Đây là nền tảng quan trọng để tiếp tục kiểm soát lạm phát khi giá cả thế giới vẫn sẽ rơi vào vòng xoáy tăng cao trong thời gian tới.

“Duy trì mức lạm phát 4% là có thể đạt được nhưng là việc rất khó, cần có những bước đi linh hoạt, dựa trên những kinh nghiệm đã có từ những năm trước”, lãnh đạo Tổng cục Thống kê nhận xét.

Đồng quan điểm, ông Nghĩa cho biết, yếu tố “chi phí đẩy” đang thực sự tăng rất nhanh, cả trong và ngoài nước. Việt Nam và một số quốc gia đang phát triển ở châu Á có thể chịu tác động chậm hơn từ sự tăng này, tuy tác động sẽ kéo dài dai dẳng.

Mặt khác, công tác kiểm soát cung tiền đã được Nhà nước làm tốt suốt thời gian qua, làm hạn chế phần nào yếu tố “cầu kéo” trong lạm phát. Như vậy Việt Nam vẫn có cơ hội duy trì mức lạm phát không vượt quá trần 4%.

Dự báo mức lạm phát năm 2022 khoảng 3,8 – 3,9%, ông Nghĩa nhấn mạnh một công tác quan trọng là đảm bảo yếu tố tâm lý, tránh để người dân hoang mang trước tình hình vật giá.

“Người đi chợ có thể nắm rõ nhưng người không đi chợ lại gặp phải yếu tố tâm lý khi nghĩ vật giá đang leo thang ghê gớm. Thực tế, nhiều khi tổn thương thực tế chưa chắc đã nghiêm trọng bằng tổn thương tâm lý”, nguyên lãnh đạo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết.