Giá xăng dầu đắt đỏ khiến CPI tháng 3 tăng tiếp 0,7%

Nhật Hạ - 12:23, 29/03/2022

TheLEADERGiá xăng chạm mức lịch sử gần 30.000 đồng mỗi lít trong tháng 3. Điều này đã gây áp lực lớn lên lạm phát, CPI tháng 3 tăng tiếp 0,7% sau khi đã tăng 1% trong tháng 2 và 0,19% trong tháng 1.

Giá xăng dầu đắt đỏ khiến CPI tháng 3 tăng tiếp 0,7%
Giá xăng dầu trong nước tăng 48,81% so với cùng kỳ năm trước

“Giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá nhà ở thuê tăng trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu”.

Đây là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2022 tăng 0,7% so với tháng trước, theo Tổng cục Thống kê.

Cụ thể, 10 nhóm hàng trong tháng này đã tăng giá so với tháng trước; riêng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm giá.

Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 4,8% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá vào ngày 01/3/2022, 11/3/2022 và 21/3/2022 làm chỉ số giá xăng dầu tăng 13,44% (tác động CPI chung tăng 0,48 điểm phần trăm).

Bên cạnh đó, giá vận tải hành khách bằng đường bộ tăng 0,8% so với tháng trước, giá vận tải hành khách bằng taxi tăng 1,26%, vận tải hành khách bằng xe buýt tăng 2,22%, dịch vụ giao nhận hàng lý ký gửi tăng 1,32% do một số đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện kê khai tăng giá khi giá xăng dầu tăng.

Giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 1,03%; phí thuê ô tô, xe máy tự lái tăng 0,53%; phí học bằng lái xe tăng 0,44%.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,49% do giá dầu hỏa tăng 18,18%; giá gas tăng 9,33%; giá thuê nhà tăng 3,26%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,56%; giá điện và nước sinh hoạt lần lượt tăng 1,51% và tăng 0,12% do nhu cầu sử dụng điện, nước trong tháng tăng cao.

Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,46% chủ yếu do giá nhóm đồ trang sức tăng 5,17% theo giá vàng trong nước; dịch vụ cắt tóc gội đầu tăng 0,98%; vật dụng và dịch vụ về cưới hỏi tăng 0,79%; vật dụng và dịch vụ thờ cúng tăng 0,25%.

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,21% do các hoạt động trên cả nước đang trở về trạng thái “bình thường mới” sau nhiều tháng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá du lịch trọn gói tăng 0,61%; vé thuê chỗ chơi thể thao tăng 0,31%; khách sạn, nhà khách tăng 0,29%; xem phim, ca nhạc tăng 0,27%; thiết bị, dụng cụ thể thao tăng 0,06%.

Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,12% do giá xăng dầu và chi phí sản xuất tăng. Trong đó, giá vải các loại tăng 0,32% so với tháng trước; mũ nón tăng 0,2%; giày dép tăng 0,11%; dịch vụ may mặc tăng 0,4%; dịch vụ sửa chữa giày dép tăng 0,58%.

Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,19%. Nhóm giáo dục tăng 0,1% (trong đó dịch vụ giáo dục tăng 0,09%).

Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,06% do chi phí vận chuyển tăng, trong đó đồ uống không cồn tăng 0,1%; rượu bia tăng 0,07%; thuốc hút tăng 0,02%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,06%. Nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,02%.

Mặt khác, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,27% (tác động CPI chung giảm 0,09 điểm phần trăm).

Trong đó, lương thực tăng 0,17% (tác động CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm); thực phẩm giảm 0,48% (tác động làm CPI chung giảm 0,1 điểm phần trăm); ăn uống ngoài gia đình tăng 0,08% (tác động làm CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm).

Ở mặt hàng lương thực, giá gạo tăng 0,08% theo giá gạo xuất khẩu và giá vật tư phân bón, các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh thu mua để dự trữ. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào, giá cước vận chuyển tăng tác động đến giá các mặt hàng lương thực chế biến khác (giá mỳ sợi, mỳ, phở, cháo ăn liền tăng 0,95; bột mì tăng 0,65%; bột ngô tăng 0,56%; ngũ cốc ăn liền tăng 0,25%; bánh mì tăng 0,23%).

Còn các mặt hàng thực phẩm, giá thịt lợn giảm 2,72% (tác động CPI chung giảm 0,09 điểm phần trăm) do quy luật tiêu dùng sau Tết Nguyên đán, giá trở về mức bình thường khi nguồn cung được đảm bảo (giá thịt quay, giò, chả giảm 0,81%; mỡ động vật giảm 0,43%); giá thịt gia cầm giảm 0,31%; giá hải sản tươi sống giảm 0,43%; giá quả tươi và chế biến giảm 0,4%.

Ở chiều ngược lại, giá dầu thực vật tăng 2,1%; đường mật tăng 0,34%; bánh, mứt, kẹo tăng 0,31%; sữa, bơ, phô mai tăng 0,24%; đồ gia vị tăng 0,21%; giá rau tươi, khô và chế biến bình quân tăng 0,99%.

Giá xăng dầu đắt đỏ khiến CPI tháng 3 tăng tiếp 0,7%

CPI bình quân quý I/2022 tăng 1,92% so với cùng kỳ năm 2021. CPI tháng 3/2022 tăng 1,91% so với tháng 12/2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021.

CPI quý I năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước do 4 nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất, giá xăng dầu trong nước tăng 48,81% so với cùng kỳ năm trước; giá gas tăng 21,04%;

Thứ hai, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 8,08% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào.

Thứ ba, giá gạo tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước do giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán và Rằm tháng Giêng tăng cao.

Bên cạnh đó, 3 nguyên nhân làm giảm CPI trong quý I năm 2022 gồm giá các mặt hàng thực phẩm giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giá thịt lợn giảm 21,55%, mỡ ăn giảm 22,6%; theo đó giá thịt chế biến giảm 4,63%;

Thứ hai, giá dịch vụ giáo dục giảm 4,24% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí từ học kỳ I năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thứ ba, giá thuê nhà ở giảm 15,14% so với cùng kỳ năm trước do nhiều hộ gia đình giảm giá hỗ trợ người thuê nhà trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Lạm phát cơ bản tháng 3/2022 tăng 0,29% so với tháng trước, tăng 1,09% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý I/2022, lạm phát cơ bản bình quân tăng 0,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,92%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.