Nhìn từ câu chuyện vải thiều: Chấm dứt tư duy ‘giải cứu’ nông sản

Phạm Sơn - 19:43, 07/07/2021

TheLEADERGặp muôn vàn khó khăn nhưng công tác tiêu thụ vải thiều năm 2021 vẫn đạt được thành công lớn, thay vì phải giải cứu ồ ạt như chuối, thanh long, dưa hấu… ở những năm trước.

Nhìn từ câu chuyện vải thiều: Chấm dứt tư duy ‘giải cứu’ nông sản
Vải thiểu Bắc Giang, Hải Dương tiêu thụ thành công trong bối cảnh dịch bệnh. Ảnh: VTV.

Cách thời điểm thu hoạch vải thiều ít ngày, dịch bệnh Covid-19 bất ngờ bùng phát mạnh mẽ tại Hải Dương và Bắc Giang. Đỉnh điểm, có ngày Bắc Giang ghi nhận tới gần 400 ca nhiễm, đẩy toàn tỉnh rơi vào tình trạng khẩn cấp.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn gọi đây là “thách thức chưa từng trải qua” đối với quả vải của Hải Dương và Bắc Giang. Người dân cả nước thậm chí đã chuẩn bị sẵn sàng tinh thần để giải cứu vải thiều.

Tuy nhiên, ngay từ đầu vụ vải, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã có công văn gửi tới các cơ quan thông tấn báo chí, đề nghị không sử dụng từ “giải cứu” đối với vải thiều cũng như các loại nông sản khác.

Lý giải về tư duy “nói không với giải cứu”, ông Toản cho biết đây là tinh thần nhằm tôn trọng giá trị của quả vài. Nông sản nếu cần phải giải cứu thường là giá cả đi xuống và xảy ra tình trạng ế, thừa. Những thông tin như vậy tạo ra cái cớ để thương lái ép giá, gây thiệt hại cho bà con nông dân, đồng thời đánh mất hình ảnh nông sản Việt Nam trên trường quốc tế.

“Giờ chỉ cần ngồi một chỗ tra google thôi là ở bên nước ngoài họ cũng đã biết được thông tin về nông sản Việt Nam”, lãnh đạo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản lý giải.

Thêm vào đó, những đợt giải cứu nông sản là cơ hội cho một bộ phận đối tượng xấu lợi dụng nhằm tiêu thụ sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng và đánh mất hình ảnh nông sản Việt ngay tại thị trường trong nước.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng từng nhận định, cần phải bỏ từ "giải cứu", thay vào đó là các hành động thiết thực và cụ thể hơn.

Thực tế cho thấy, dù trong tình cảnh khó khăn, không cần phải kêu gọi giải cứu, vải thiều đã được tiêu thụ rất thành công. Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, với mục tiêu đặt ra là tiêu thụ hết 280.000 tấn vải, tính đến hết tháng 6 đã thực hiện được gần 90%.

Trong đó, lượng vải thiểu xuất khẩu đạt 35,2% tổng số lượng tiêu thụ. Sản lượng quả vải chế biến khô đạt tới 68.700 tấn cũng là một con số đáng mừng, bởi vải sấy khô có thể tạo ra giá trị gia tăng cao hơn và tiếp tục được tiêu thụ vào những tháng sau.

Bên cạnh thị trường truyền thống là Trung Quốc, năm nay quả vải vùng Bắc Giang và Hải Dương tiến vào những thị trường có phần khó tính hơn như Nhật Bản, Úc, Đức, Hà Lan, Pháp, Mỹ…

Thành công của vụ vải thiều 2021 là minh chứng cho thấy nông sản Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua những gian nan, thách thức để chinh phục thị trường, đem lại giá trị bền vững cho người nông dân.

Để đạt được thành công ấy, theo ông Toản, yếu tố đầu tiên cần được nhắc tới là sự xác định và chuẩn bị kỹ lưỡng. Ngay từ đầu năm 2021, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã vào cuộc, hỗ trợ bà con chăm sóc tốt cây vải, thực hiện chuẩn hóa các quy định của thị trường, đồng thời chuẩn bị lực lượng hỗ trợ công tác tiêu thụ.

Khi dịch bệnh bùng phát, công tác tiêu thụ vải vẫn được thực hiện theo kế hoạch, với thông tin cũng như kịch bản được cập nhật hàng ngày. “Bài học kinh nghiệm là bất cứ sản phẩm nào, kế hoạch sản xuất và tiêu thụ cần phải ăn khớp”, ông Toản nhấn mạnh.

Bên cạnh công tác lập kế hoạch, hoạt động logistics cũng được rà soát và tăng cường, đặc biệt là thủ tục thông quan và hạ tầng bến bãi, dịch vụ kèm theo tại nơi trung chuyển.

Yếu tố thứ hai là tinh thần vượt khó một cách sáng tạo nhờ vào ứng dụng các công cụ số, đa dạng hóa phương thức vận chuyển và bán hàng. Những sáng kiến như bán hàng qua phát trực tiếp (livestream), kết hợp với Grab để giao vải tới tận tay người tiêu dùng đã cho thấy hiệu quả đáng kể.

Khâu tuyên truyền, truyền thông cũng là yếu tố đóng vai trò quan trọng. Từ đầu vụ vải, nhờ sự đồng hành của các đơn vị truyền thông, cơ quan thông tấn, báo chí, thông điệp “nói không với giải cứu” đã lan tỏa một cách mạnh mẽ, góp phần duy trì và bảo vệ hình ảnh, thương hiệu của vải thiều Hải Dương, vải thiều Bắc Giang.

“Vụ vải thiều vừa qua là minh chứng cho sự vượt khó, sáng tạo, làm bài bản, có sự đồng hành của người dân, của doanh nghiệp, các địa phương toàn ngành nông nghiệp và các Bộ, ban, ngành có liên quan”, ông Toản đúc kết,

Bài học kinh nghiệm từ câu chuyện quả vải có thể áp dụng cho nhiều loại nông sản khác, để hiện tượng giải cứu nông sản sẽ không còn lặp lại, giúp bảo toàn lợi ích cho người nông dân.