Những tín hiệu đáng lo ngại của kinh tế cuối năm 2019

An Chi - 09:05, 31/05/2019

TheLEADERTrước thực trạng tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ có dấu hiệu chậm lại, ngành nông nghiệp trong nước gặp khó khăn, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, diễn biến của tăng trưởng kinh tế cuối năm 2019 sẽ đáng lo ngại.

Những tín hiệu đáng lo ngại của kinh tế cuối năm 2019
Phiên thảo luận của Quốc hội tại hội trường về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội sáng 30/5.

Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), mặc dù kinh tế năm 2018 là một bức tranh đẹp và toàn diện với 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch tổng thu ngân sách sau ba năm ngân sách hụt thu, song, cần thẳng thắn nhận định mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, còn phụ thuộc nhiều và yếu tố đầu vào thay vì đổi mới công nghệ.

Đặc biệt, khu vực nông nghiệp tăng trưởng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu bền vững. Nội lực của nền công nghiệp còn yếu, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực dịch vụ phát triển còn hạn chế, chưa thể hiện vai trò chủ đạo dẫn dắt tốc độ tăng trưởng kinh tế. 

Ông Hàm cho rằng, quý I năm 2019, tốc độ tăng trưởng đang có dấu hiệu chậm lại so với cùng kỳ và thấp hơn so với Chính phủ đặt ra. Lĩnh vực công nghiệp là động lực chính, quan trọng cho tăng trưởng năm 2018 đang giảm tốc như sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học chiếm tỷ trọng lớn trong công nghiệp chế tạo chỉ tăng 1,9% trong khi cùng kì tăng 23,6% giảm 21,7%. 

Bên cạnh đó, thu hút khách du lịch nước ngoài, nhân tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng du lịch dịch vụ tính chung 4 tháng tăng 7,6%, giảm 22 điểm phần trăm so với cùng kỳ. 

Chỉ ra những yếu tố đáng lo ngại đối với tăng trưởng kinh tế, tại phiên thảo luận của Quốc hội tại hội trường về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cho rằng, lạm phát là một yếu tố cần quan tâm.

Tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu bền vững của kinh tế cuối năm 2019
Đại biểu Nguyễn Thị Yến

Theo bà Yến, chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân bốn tháng đầu năm 2019 tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là chỉ tiêu thấp nhất trong ba năm qua, tuy nhiên, bắt đầu từ nay đến cuối năm 2019 sẽ có những vấn đề rất đáng lo ngại. Giá điện, giá xăng dầu tăng sẽ tác động nhiều đến kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp đến tăng chỉ số giá tiêu dùng.

Cụ thể, giá điện tăng 8,36% vào thời điểm cuối tháng ba đã tác động đến chỉ số tiêu dùng CPI tháng 4/2019 tăng khoảng 0,29% so với tháng 3/2019. Bên cạnh đó, thuế môi trường cũng đã tăng. Với mức tăng thuế này, giá xăng dầu bình quân chung năm 2019 dự kiến tăng khoảng 5% so với năm 2018.

Một diễn biến khác đáng chú ý theo bà Yến là ẩn số giá thực phẩm trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát ở 42 tỉnh thành trong cả nước. Tuy rằng chỉ số đàn lợn giảm khoảng 5% - 6% nhưng cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc cung, cầu, giá thực phẩm. Cung giảm, cầu tăng sẽ đẩy giá tăng cao hơn nữa. Kéo theo đó là chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng sẽ ảnh hưởng đến lạm phát tăng.

Về vấn đề này, đại biểu Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn) cũng cho rằng, từ đầu năm 2019, những tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, tình hình dịch bệnh đã gây thiệt hại không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp. Qua đó ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì các tiêu chí về phát triển kinh tế - xã hội, thu nhập và đời sống của người dân.

Riêng dịch tả lợn châu Phi là khó khăn lớn nhất của ngành chăn nuôi làm giảm sản lượng thịt lợn, giảm đàn ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng ngành, thu nhập và đời sống của người nuôi. 

Theo báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tính đến ngày 12/5/2019, bệnh dịch nguy ghiểm này đang xảy ra ở 2296 xã của 204 huyện tại 24 huyện, tỉnh thành phố. Các địa phương đã phải tiêu hủy 1,2 triệu con lợn chiếm khoảng 4% tổng đàn lợn cả nước.

Trước thực trạng kinh tế trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu xem xét cụ thể giải pháp thiết thực để giữ ổn định phát triển kinh tế xã hội.

Theo đó, cần cải cách thủ tục hành chính tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Trong những năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt chỉ đạo cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tổ chức quốc tế, kết quả cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam vẫn còn rất chậm và chưa đi vào thực tế. 

Thực chất nhiều nội dung sửa đổi điều kiện kinh doanh chỉ nhằm mục đích tránh gây sự chú ý chứ không phải cắt giảm thực sự. Vậy nên, mức độ cải thiện về mội trường kinh doanh theo đánh giá mới chỉ đạt khoảng từ 40% - 50% so với trước kia, nhiều nơi đã đạt hoặc vượt chỉ tiêu cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh nhưng nội dung cắt giảm cũng như hiệu quả cắt giảm vẫn là vấn đề doanh nghiệp lo ngại. 

Ông Thế đề nghị Chính phủ cần tạo điều kiện quyết liệt hơn về vấn đề này. Trong đó cần chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn liền, áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân, xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu sự quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan. Qua đó, giúp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.

Trong khi đó, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) đề nghị Chính phủ cần phải rà soát chính sách đối với doanh nghiệp FDI hiện nay để bảo đảm công bằng với các doanh nghiệp trong nước trước thực trạng doanh nghiệp FDI được ưu đãi nhiều nhưng hoạt động chủ yếu ở lao động lắp ráp, sử dụng nhiều lao động nhưng giá trị gia tăng không cao, tỷ lệ nội địa hóa thấp. Do đó, cần phải có đánh giá về hiệu quả đầu tư tăng trưởng do khối này mang lại để điều chỉnh chính sách cho phù hợp.