Ngọn cờ đào của ông chủ Thép Việt

Kim Yến Thứ ba, 19/11/2019 - 14:20

Sự kiên định, bền chí với “ngọn cờ đào” trong kinh doanh và lý tưởng sống, có trách nhiệm với cộng đồng đã giúp nhà công nghiệp Đỗ Duy Thái, Chủ tịch Tập đoàn Thép Việt, tạo lập được một thương hiệu thép tiên phong hướng đến phát triển xanh.

Nhận xét về ông Đỗ Duy Thái, ông Phạm Phú Ngọc Trai, nguyên Tổng giám đốc Pepsico Đông Dương, Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh toàn cầu GIBC, người đã nhiều công góp sức cho việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà lãnh đạo kinh doanh, đã đánh giá cao vai trò dẫn đầu của một nhà công nghiệp. 

“Trong đội ngũ doanh nhân Việt Nam, có thể nói ít có doanh nhân nào dám đầu tư lớn và có cái nhìn lâu dài với công nghiệp nặng như anh Thái. Trong lúc người ta đổ xô váo đầu tư bất động sản, công nghiệp nhẹ, tiêu dùng, vì thu lợi nhanh mà rủ ro không lớn, anh không chỉ là người tiên phong mà còn là người dẫn đầu trong ngành thép. 

Đồng nghĩa với sự thành công lâu dài và bền vững nhưng cũng lắm gian nan vì sự thay đổi liên tục trong chính sách với thành phần kinh tế tư nhân thời bao cấp. Khi hội nhập kinh tế, các nhà công nghiệp Việt Nam lại đối diện với cạnh tranh bên ngoài, nếu chính sách nhà nước không liền lạc là rủi ro rất lớn.

Lãnh đạo một công ty mà các vị trí chủ chốt đều là người của gia đình quả không đơn giản nhưng anh vẫn giữ được sự đoàn kết anh em trong suốt quãng đường dài, giữ được tính nhất quán và các chuẩn mực trong quản trị doanh nghiệp, và đang gầy dựng thế hệ tiếp nối…”, ông Trai nhận xét.

Ngọn cờ đào của ông chủ Thép Việt
Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch Tập đoàn Thép Việt

Ông Giản Tư Trung, Chủ tịch sáng lập tổ chức giáo dục PACE cũng dành cho ông Đỗ Duy Thái một sự kính trọng sâu sắc: “Anh luôn kết nối được với những chuyên gia, học giả có tầm trong nhiều lĩnh vực để cùng chia sẻ và phát triển. Đây là điều rất hiếm và rất quý ở một người lãnh đạo. Mỗi khi có dịp gặp, anh đều trăn trở: “Thép Việt sẽ là niềm tự hào của ngành công nghiệp nặng Việt Nam”. 

Tôi rất ấn tượng với hoài vọng này của anh, bởi tôi nghĩ, một doanh nhân có tầm vóc thì không chỉ là tạo ra một sản nghiệp, mà còn để lại một sự nghiệp cho đời, và bởi, đằng sau một sản nghiệp lớn là một cống hiến lớn…”

Niềm đam mê công nghiệp

Cuộc đời Đỗ Duy Thái là một chuỗi khát vọng lớn dần theo năm tháng, bắt nguồn từ niềm tin mãnh liệt và xuyên suốt, quyết tâm xây dựng bằng được một doanh nghiệp thép có tên tuổi mang tên Thép Việt.

Từ một xưởng sản xuất cao su nhỏ bé, trải qua hai lần liên doanh để có được nhà máy thép đầu tiên Pomina với công suất 300.000 tấn/năm,sau đó chính thức được gọi tên Thép Việt với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD tại khu công nghiệp Phú Mỹ, nhà máy thép xây dựng với công suất 500.000 tấn/năm và dự án đầu tư xây dựng nhà máy tôn 600.000 tấn/năm…

Con đường ông đi không phải là phép lạ, nó bắt nguồn từ sự nỗ lực không mệt mỏi, dám chấp nhận thử thách, mạo hiểm, chí tiến thủ, tinh thần kiên định, khám phá liên tục của một người đam mê công nghiệp, và tầm nhìn của một người muốn vươn ra thế giới.

Tốt nghiệp đại học sư phạm nhưng ông lại khởi nghiệp kinh doanh với một xưởng chuyên sản xuất vỏ lốp xe Honda. Xuất thân trong một gia đình bình dị, cha mẹ ông là người kinh doanh nhỏ với một trại chăn nuôi và xưởng sản xuất trà mang tên Thiên Hương. 

Từ đồng vốn nhỏ của gia đình, ông gầy dựng sự nghiệp, làm đủ mọi thứ từ lốp xe lam, xe Honda, nút chai cho ngành y tế, đến rulo chà lúa cho máy xát gạo… bởi ông thấy nhu cầu tiêu dùng của người dân thời đó cái gì cũng thiếu.

Niềm say mê công nghiệp bắt đầu lớn dần khi kinh doanh ngày một phát triển. Trong thời điểm rất khó khăn của cơ chế bao cấp, ông phải chia nhỏ xưởng của mình ra ở nhiều quận khác nhau để không bị… “kết tội” là “con buôn”, là “tư sản”.

Một kỷ niệm mà ông nhớ đời là lần nghiên cứu làm rulo chà lúa. Hồi đó làm gì có rulo ngoại nhập, rulo “nhái” làm hạt lúa bị bể hết. Chìm trong dầu mỡ, máy móc, ông mày mò cả năm trời mà không tìm ra nguyên nhân. 

Loay hoay mãi không được, ông tìm đến hai ông thầy để làm cố vấn cho mình, đó là tiến sĩ Phước và tiến sĩ Lành. Nhờ sự tiếp sức của hai người thầy, ông phát hiện ra rulo không sử dụng cao su nguyên chất, mà phải làm bằng cao su nhân tạo.

Thức suốt đêm ép ra cục rulo mới, đến 4 giờ sáng ông nóng lòng mang ra nhà máy chà lúa Phú Lâm. Ngồi chờ đến hơn 6 giờ sáng nhà máy mở cửa, đưa vào thử nghiệm. Một tiếng sau người thợ trả lời: “Giống như rulo của Nhật!”. Tự nhiên nước mắt ông chảy tràn! Mọi người trong xưởng lúc đó đều ngạc nhiên “Trời ơi thành công rồi sao ông lại khóc?”.

“Thật sự người làm công nghiệp phải rất “máu” mới cảm nhận được hết niềm vui làm được điều mình muốn. Tuổi trẻ của tôi đã trôi qua trong những rủi ro liên tục. Suốt 10 năm đầu tôi đã phải thông qua liên doanh, mất quá nhiều thời gian, mà thời gian là vàng bạc. 

Chân lý này tôi đã học được từ người anh, người thầy của mình, đó là nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông hấp dẫn tôi bởi luôn nhìn rất rõ khó khăn của ngành công nghiệp nặng, nhưng vẫn mạnh mẽ đi tới bằng sự dũng cảm và một tâm hồn lớn, chấp nhận hy sinh quyền lợi cá nhân để phục vụ cho đất nước, gầy dựng nền sản xuất thép để đủ lương thực cho ngành công nghiệp.

Tôi còn rất nhớ một lần ông bị bạo bệnh, tôi đã rất lo lắng, cất công tìm mua thuốc bổ quý và đến thăm ông. Khi gặp ông, hai thầy trò đã nói chuyện say sưa và rất tâm huyết về nhiều chủ đề khiến tôi lúc đó đã quá ngại ngùng là có nên đưa cho ông món quà nhỏ là gói thuốc mình đã chuẩn bị hay không.

Có những con người mà cái thần và cách cư xử của họ khiến mình không thể làm bất cứ điều gì, dù ít, dù nhỏ, dù đó là sự chăm sóc chân thành nhưng có thể trở nên là khuất tất. Bởi vậy cho đến giờ tôi vẫn giữ mấy gói thuốc đó như lời nhắc nhở về nhân cách con người”, ông trầm ngâm hồi tưởng.

Ngọn cờ đào

Đối diện với biết bao biến động, khủng hoảng kinh tế, sóng gió liên tục từ thời đất nước còn bao cấp, để nuôi “giấc mộng dài”, ông đã không ít lần tưởng chừng như mất trắng. Nói về Thép Việt, ông Đỗ Duy Thái khẳng định một khát vọng, “Tất cả đều bắt nguồn từ một 'ngọn cờ đào', sức mạnh tinh thần ấy đã giúp tôi tập hợp được lực lượng, và cuốn chúng tôi đi với một nỗ lực bất khuất.

Ngọn cờ đào của Thép Việt là nỗ lực đóng góp cho đất nước những sản phẩm thép chất lượng cao, công nghệ tiên tiến và trách nhiệm bảo vệ môi trường cao nhất, hướng đến những giá trị nhân văn, đến sự hoàn thiện dịch vụ, tăng khả năng cạnh tranh nhằm thỏa mãn cao nhất yêu cầu của khách hàng.

Năm 1999, Pomina ra đời. Sở dĩ ở thời điểm này ông không dám gọi tên là Thép Việt là bởi lúc ấy trong suy nghĩ nhiều người, từ “con buôn” vẫn còn ám ảnh. Chuyện đầu tư mấy chục triệu USD cho một nhà máy luôn bị đặt dấu hỏi “lấy tiền đâu ra?”. Trên bình diện xã hội lúc đó, hình ảnh doanh nghiệp tư nhân chỉ là những kẻ bóc lột, ăn chơi trác táng. Ông phải nghĩ ra cái tên khác, để lỡ có mất đi thì tên “ruột” vẫn còn.

Tham khảo nhiều ý kiến chuyên gia kinh tế lúc đó, ai cũng khuyên ông chưa nên đầu tư lớn, vì chưa đúng thời điểm. Vụ án Minh Phụng lúc đó đã làm tắt đi ngọn lửa của bao doanh nghiệp mới được nhóm lên. Nhưng ông vẫn quyết định phải làm, phát triển dựa trên nhưng suy tính chắc chắn. Quyết định này là sự chấp nhận rủi ro rất lớn cùng với sự thuyết phục không mệt mỏi với các cổ đông.

Công nghệ chủ lực của Pomina là công nghệ luyện Consteel bằng lò điện EAF, chú trọng tái tạo nguồn nguyên liệu tái chế với hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn tuần hoàn kép, không thải ra môi trường, mà được tái sử dụng lại.

Pomina đã nhập khẩu từ châu Âu toàn bộ dây chuyền công nghệ, thiết bị hiện đại, tiên tiến để trang bị cho nhà máy tôn, trong đó có 1 dây chuyền tẩy rỉ, 2 dây chuyền cán nguội, 2 dây chuyền mạ kẽm, 1 dây chuyền mạ màu. Giai đoạn 1 của dự án được khởi công trong năm 2017 với công suất 200.000 tấn/năm. Giai đoạn 2 dự kiến đưa vào hoạt động vào năm 2020 nâng tổng công suất nhà máy lên 600.000 tấn/năm.

"Nhưng khó nhất với ngành thép là xử lý rác thải công nghiệp, bởi chi phí rất cao, khiến cho giá thành đội lên rất nhiều. “ISO 14001 đối với ngành thép là rất khó, bởi nó đòi hỏi một hệ thống rất hiện đại từ xử lý nước thải, bụi công nghiệp, chi phí bảo vệ môi trường… chiếm đến 50% giá thành. Tôi không cho phép nhà đầu tư công nghiệp làm sai, có hại cho môi trường, cho dân, cho nước về lâu dài. Chính vì vậy, trong dự án làm nhà máy tôn nguội của tôi có tổng vốn đầu tư 100 triệu USD, có tới 8 triệu USD dành cho khâu xử lý nước thải”, ông Thái cho biết.

Ngọn cờ đào của ông chủ Thép Việt 1
Lò luyện thép

Ông hiểu rằng ở đất nước nào cũng vậy, nếu gạo là lương thực của toàn dân, thì thép chính là lương thực của ngành công nghiệp, là đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trải qua hai lần phải làm “anh hùng núp”, phải mãi đến năm 2005, ngọn cờ đào mang tên Thép Việt mới được công khai phất lên.

Nặng lòng với công nghiệp Việt

Lấy bài học của Hàn Quốc, Nhật Bản là kinh nghiệm quý để lựa chọn cho mình một con đường đầu tư dài hạn, ông Thái cho rằng Việt Nam muốn phát triển trước hết phải thay đổi tư duy của nhà đầu tư, thay đổi cái nhìn của Chính phủ về công nghiệp nặng.

“Một xã hội chỉ đầu tư tiêu dùng, không đầu tư sản xuất thì sẽ đi về đâu? Đó là câu hỏi nhức nhối nhất với những ai có tâm huyết với nền công nghiệp, là trách nhiệm của người điều hành đất nước. Hãy nhìn Nhật Bản hay Hàn Quốc ở những ngành công nghiệp chủ lực, họ đều có thương hiệu nội địa mạnh như Toyota, Samsung, Hyundai… nhờ ý chí xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ của chính phủ.

Ở Hàn Quốc thời ông Park Chung Hee và những nhiệm kỳ sau ông luôn gặp phải sự chống đối mạnh mẽ của phe phái đối lập khi dồn năng lực của đất nước cho công nghiệp, nhưng họ vẫn cương quyết đi theo con đường chỉ cho nước ngoài đầu tư lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước không làm được. Nhờ vậy có Hàn Quốc hôm nay. Đây là bài học kinh nghiệm quý và rất thực tế.

Thứ hai trong bài toán phát triển thì nông dân phải khá giả. Vì nông nghiệp là bàn đỡ để công nghiệp phát triển. Nước ta gần 70% dân số là nông dân, trong đó số quá nghèo chiếm tỷ trọng không nhỏ. Đất trồng lúa giảm sút nghiêm trọng, mất đất, nông dân càng nghèo đi. Khoảng cách giàu nghèo quá lớn dẫn đến bất công quá lớn, người nông dân không có năng ực tự bảo vệ. Có lẽ phải xem đây là thất bại lớn trong xây dựng đất nước…. 

Nông dân quá nghèo làm sao công nghiệp hóa được? Phải có chính sách làm giàu cho nông dân, nông nghiệp. Nếu chúng ta không có những giải pháp mang tính chiến lược thì chắc chắn Việt Nam sẽ biến thành thị trường tiêu dùng hàng nước ngoài, mà chắc chủ yếu là hàng Trung Quốc”, ông nhận định.

Từng trải thương trường và rất hiểu những bất cập trong chính sách, ông Thái cho rằng: “Bất ổn lớn nhất là sự cạnh tranh không lành mạnh, mất cân bằng giữa đầu tư trong và ngoài nước. Thay vì cứ tự hào 'vốn FDI năm sau cao hơn năm trước'. Hãy chuyển niềm tự hào ấy sang vốn nội địa. Trong thời đại công nghệ, trí tuệ nhân tạo, chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ những công nghệ tiên tiến nhất để phát triển công nghiệp thông minh, bảo vệ môi trường với giá thành hạ và chất lượng cao hơn. 

Đó là cơ hội nếu chịu đầu tư công nghệ tiên tiến nhất. Nhưng thật đáng buồn, có quá nhiều công ty đầu tư công nghệ Trung Quốc. Và điều buồn hơn là cơ hội ấy đang bị tước mất do chính sách bất hợp lý về công nghiệp!

Nhìn vào bức tranh nền kinh tế, nếu nguồn lực tài chính lớn đổ dồn hết vào bất động sản thì tương lai công nghiệp sẽ đi về đâu? Làm sao có được những thương hiệu thép toàn cầu? Nếu tư duy về đầu tư chưa thay đổi thì đất nước sẽ phải trả giá rất đắt trong tương lai.

Và thực tế chúng ta đã phải trả giá quá đắt. Formosa là một nỗi đau dài đến giờ vẫn chưa thể nguôi ngoai, và còn đó những nhà đầu tư công nghệ lạc hậu, gây tổn thất vô cùng lớn đến đời sống người dân quanh vùng…”, ông Thái bày tỏ nỗi băn khoăn của mình.

Bản lĩnh, kiên định và…

Việc quyết định lấy ngày 13/10 hàng năm làm “Ngày doanh nhân Việt Nam” từ năm 2004 đã tạo ra những thay đổi sâu sắc trong cách nghĩ, cách nhìn của cộng đồng về nhà doanh nghiệp, về doanh nhân. Điều này đã được cộng đồng doanh nhân vui mừng đón nhận.

Nhìn lại một thời gian khó, một kỷ niệm mà ông còn nhớ mãi. Ngày đó đồng tiền mất giá mỗi ngày, sau khi thanh toán hợp đồng, nếu không mua vàng ngay rồi mới bán từ từ để mua vật tư trở lại sẽ mất cả vốn lẫn lời, mà quy định của Nhà nước lúc đó lại cấm mua bán vàng.

Một hôm, mới 2 giờ sáng, công an kinh tế ập vô công ty lập biên bản thu hết hơn 800 cây vàng. Đó là tài sản của bà con, anh em, những người cùng làm ăn với ông chứ đâu phải riêng ông. Bàng hoàng trước nguy cơ mất trắng, ông cương quyết tranh luận với công an, trình bày với họ mình trữ vàng vì công việc chứ không phải là mua bán, đây chỉ là cách bảo vệ đồng tiền của mình để phục vụ kinh doanh.

Biên bản tịch thu lại chỉ ghi “kim loại màu vàng”, ông đấu tranh bằng được để họ phải ghi là “vàng”. Suốt một tháng trời gõ cửa giải trình và cầu cứu khắp các nơi, cuối cùng ông cũng lấy lại được tài sản của mình.

"Tôi biết, mỗi thời điểm lịch sử đều có những khó khăn riêng của nó, chứng kiến hết sự thăng trầm của kinh tế đất nước cũng đào luyện cho mình tính kiên định, sức chịu đựng, để không dễ 'chào thua' trước khó khăn. Nhưng tôi vẫn tin rằng mình là người làm đàng hoàng nên sẵn sàng đấu tranh cho lẽ phải và mình có thể làm được”, ông nói.

Kinh nghiệm từ những năm tháng lăn lộn với những ngành sản xuất nhỏ, hiểu từng bulon, đinh ốc trong một cỗ máy, cảm nhận chính xác về chọn lựa đầu tư ban đầu đã giúp ông rèn luyện được lòng kiên nhẫn, bền chí, xuất phát từ niềm vui nghề nghiệp. Chính niềm vui nghề nghiệp đã giúp ông dâng hiến được nhiều hơn.

“Tôi cũng học được bài học hợp tác với ai là rất quan trọng. Phải xem quan điểm người đó có phù hợp với mình không, cả về trí tuệ, nội lực và tầm nhìn. Đau khổ nhất là khi bỏ tiền hùn hạp làm ăn mà người ta chỉ nghĩ cá nhân mình sẽ nhận được bao nhiêu tiền.

Nói về giàu có mà chỉ nghĩ đến vật chất là điều sai lầm. Mục tiêu của tất cả mọi người là sống và nỗ lực đạt được điều mình muốn, và điều đó có ích cho xã hội, cho con người, cho môi trường, đó mới là giàu có thực sự. Xã hội nào đặt tiền bạc lên trên vị trí cao nhất thì không thể phát triển lành mạnh và hạnh phúc được.

Người đi tu hay nhà giáo, công chức mẫn cán cũng hạnh phúc như nhau bởi họ tìm thấy ý nghĩa cuộc đời mình, tìm thấy thiên đường ngay trần gian, mà đâu phải cần nhiều tiền. Nghĩ thế thì dù đời sống có khó khăn đến đâu cũng vẫn vui, vẫn lạc quan, yêu đời…”, ông cho biết.

Còn nhớ khi hiện tượng cá chết hàng loạt ven biển miền Trung từ Hà Tĩnh đã lan tới Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng đặt ra nhiều nghi vấn về nguồn thải độc từ công nghiệp, nhất là từ sản xuất thép gây ra, ông đã cùng những doanh nghiệp thép làm ăn chân chính trong Hiệp hội Thép TP.HCM gửi thư cho Thủ tướng Chính phủ, cảnh báo thẳng thắn về việc khuyến khích công nghệ lò cao khi cho thuế xuất quặng tới 40%.

“Chính phủ Trung Quốc đã và đang nỗ lực đóng cửa hàng loạt các lò cao luyện thép từ quặng công nghệ cũ. Trong khi đó, chính sách của Việt Nam lại vô tình khuyến khích và dành ưu đãi bất hợp lý cho doanh nghiệp theo đuổi công nghệ ô nhiễm này. Các doanh nghiệp đi đúng hướng đầu tư công nghệ hiện đại như các nước phát triển cảm thấy họ không còn cơ hội phát triển.

Hơn nữa, khi thế cạnh tranh trong môi trường kinh doanh bị phá vỡ, các đơn vị trong ngành không còn phát triển dựa vào năng lực nội tại mà chỉ dựa vào chính sách, làm giảm năng suất và năng lực cạnh tranh trong ngành thép, từ đó giảm năng lực cạnh tranh quốc gia.

Chúng tôi chỉ có một mong muốn đơn giản, đó là được kinh doanh trong một môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh. Đó là cơ chế và động lực giúp chúng tôi yên tâm bỏ gia sản của mình vào kinh doanh và đóng góp cho xã hội để tiếp tục phát triển dựa trên chính năng lực của bản thân, góp phần tạo sự phát triển bền vững và thịnh vượng cho xã hội Việt Nam”, ông Thái cho hay.

Hỏi ông làm thế nào để tạo nên những thương hiệu phát triển bền vững cho ngành thép nói riêng và ngành công nghiệp nói chung, ông bộc bạch rằng: “Phải có lòng tự trọng, tinh thần dân tộc và một quyết tâm đưa đất nước thoát khỏi nghèo đói mới giúp chúng ta cùng nhau đoàn kết xây dựng vương quốc hùng mạnh…

Nhà nước, chính phủ phải có biện pháp bảo vệ thị trường trong nước bằng luật chơi minh bạch, có cạnh tranh và tiệm cận được với thông lệ quốc tế để hội nhập. Cộng đồng doanh nghiệp rất vui khi nhận thấy những thông điệp mạnh mẽ của “Chính phủ kiến tạo” đang trở thành hiện thực, mở ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp. Cũng chính từ đó Pomina mới quyết tâm đầu tư đầu tư tiếp nhà máy công suất 600 ngàn tấn tôn mạ kẽm, mạ màu và nhà máy 500 ngàn tấn thép xây dựng”.

Quản trị công ty bài bản hơn

Ông Thái cho biết đã tìm hiểu rất nhiều về kinh nghiệm quản lý kinh doanh từ các doanh nhân nước ngoài, tìm sự đồng cảm và niềm động viên của họ, để từ đó xây dựng con đường mình đi. Gia đình ông có 12 anh em, tất cả đều làm việc trong công ty, và giữ nhiều vị trí chủ chốt. Ở một tầm vóc mới, Thép Việt đang chuyển từ quản trị gia đình sang quản trị công ty một cách bài bản, khoa học.

Trong Thép Việt, mọi thành viên hội đồng quản trị đều quyết tâm cùng nhau xây dựng một môi trường không cho phép bất cứ ai tư lợi vì mục đích cá nhân. Nếu chỉ vì mục đích cá nhân thì không thể nào là ngọn cờ đào, đây là điều khó nhất, và cũng là một nét đẹp trong văn hóa công ty. 

Suy nghĩ “cùng nhau” đã giúp Thép Việt quy tụ được nhiều đội ngũ chuyên gia kinh tế, kỹ sư lành nghề, nhà quản lý cấp cao giỏi để làm nên nghiệp lớn. Hiện thế hệ thứ hai sau khi du học nước ngoài về cũng đang bổ sung vào đội ngũ kế thừa, tạo nên một luồng sinh khí mới cho Thép Việt.

Cách dạy con của ông Đỗ Duy Thái cũng rất khác biệt. Ông cho rằng quyết định thông minh nhất của Bill Gates là chỉ dành cho con ngân sách đủ để học hết đại học. "Cái chết của hai đứa con trai ông chủ Huyndai là một bài học đau xót với tất cả doanh nhân. Nếu chúng ta để lại cho con cái quá nhiều của cải mà không chuẩn bị cho con bản lĩnh sống để có thể chịu đựng những cơn bão giật cấp 10, cấp 12 như chúng ta, thì con sẽ “bung” ngay. Đôi khi gia tài để lại cho con lại là một lời nguyền cay đắng. Cách để con trưởng thành là dạy con biết lao động, biết đổ mồ hôi để tạo nên chất xám”, ông nói.

Hiện con gái ông, Đỗ Duy Hiếu, sau khi du học nước ngoài về đã kế nghiệp cha trong vai trò giám đốc điều hành. Sau một thời gian dài đi từ vị trí thấp nhất, đến nay có thể tự tin nói rằng Hiếu đã là “hậu duệ tử tế” đầy tự hào của ông.

Hiếm thấy một chủ doanh nghiệp nào xác định cho mình văn hóa nền tảng rõ ràng, mạnh mẽ, quyết liệt như ông chủ của Thép Việt. Xây dựng tinh thần đoàn kết, tôn vinh, trọng thị đối với người giỏi, coi trọng giá trị đạo đức chuẩn mực, tinh thần tích cực của toàn đội ngũ. Ông luôn nhấn mạnh chữ “trọng thị người tài”, xây dựng một cơ chế minh bạch cao trong công ty, để tạo nên một doanh nghiệp đạo đức, có trách nhiệm với môi trường, với xã hội.

Cơ chế và hệ thống nào cũng có những kẽ hở, ông chủ trương lấp đầy những kẽ hở ấy bằng những con người có đạo đức thực sự, biết đặt quyền lợi cá nhân sau quyền lợi đất nước, công ty, muốn thế, phải phất lên ngọn cờ đào. Ông bộc lộ phẩm chất này trong cả cách làm, cách hành xử với cuộc đời, với nghề nghiệp, và với chính mình.

Bên cạnh đó, Thép Việt cũng định hướng xây dựng doanh nghiệp với sứ mệnh hướng thiện cùng cộng đồng, tạo ra những con người biết dâng hiến. Chương trình “Ngôi nhà mơ ước” kéo dài nhiều năm trên HTV của Thép Việt đã mang lại cho bao nhiêu gia đình nghèo khó một căn nhà - mái ấm tình người. Chương trình “Thép đã tôi” cũng là những nỗ lực rất ý nghĩa của một doanh nghiệp trong việc thể hiện trách nhiệm công dân, tình yêu thương con người, đồng hành với ý chí vươn lên của từng số phận bất hạnh.

Nhìn những giọt nước mắt của người dân khi cầm chiếc chìa khóa bước vào “Ngôi nhà mơ ước”, ông không dấu nổi niềm hạnh phúc: “Tình yêu là cho đi, là dâng hiến. Chính khi dâng hiến bạn cảm nhận được niềm hạnh phúc”.

Ông cho rằng cuộc sống thực sự chỉ có ý nghĩa khi mình có giấc mơ đẹp. Chính con đường đi đến giấc mơ ấy làm mình bay bổng, thấy cuộc đời có ý nghĩa hơn. Phải nỗ lực từ những việc nhỏ nhất mới mong tạo dựng sự nghiệp lớn.

"Đam mê, cần cù, yêu con người, yêu việc mình làm, mới có thể tìm ra những giá trị gia tăng cho từng sản phẩm. Người làm công nghiệp không trông chờ vào một cá nhân thiên tài. Quan trọng là công ty phải là một tập thể những con người cùng một giấc mơ, cùng nỗ lực hết mình trong từng ngày sống…”, ông thổ lộ.

Bài học kế nghiệp thành công của 'thế hệ F1' nhà Thép Việt, Gốm sứ Minh Long

Bài học kế nghiệp thành công của 'thế hệ F1' nhà Thép Việt, Gốm sứ Minh Long

Leader talk -  6 năm

Để có thể tiếp nhận cuộc chuyển giao thế hệ trong các doanh nghiệp gia đình nghìn tỷ, những "công chúa, hoàng tử" cần chuẩn bị cả kinh nghiệm quản trị và kinh nghiệm sống.

Ngành thép Việt lo ngại nguy cơ Mỹ áp thuế cao

Ngành thép Việt lo ngại nguy cơ Mỹ áp thuế cao

Tiêu điểm -  6 năm

Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, thông tin cho rằng 90% thép Việt Nam vận chuyển sang Hoa Kỳ được sản xuất tại Trung Quốc là không chính xác.

Hiệp hội Thép: 'Sẽ khởi kiện ra WTO nếu Mỹ vẫn quyết đánh thuế trừng phạt thép Việt'

Hiệp hội Thép: 'Sẽ khởi kiện ra WTO nếu Mỹ vẫn quyết đánh thuế trừng phạt thép Việt'

Leader talk -  6 năm

Kết luận áp thuế trừng phạt của Bộ Thương mại Mỹ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp sản xuất thép của Việt Nam, điều này sẽ gần như tạo ra một hàng rào chặn đứng việc xuất khẩu các sản phẩm thép của Việt Nam vào Mỹ.

Đánh thuế trừng phạt thép Việt Nam: 'Mỹ đã đi ngược lại thông lệ của chính mình'

Đánh thuế trừng phạt thép Việt Nam: 'Mỹ đã đi ngược lại thông lệ của chính mình'

Tiêu điểm -  6 năm

Bộ Công thương khẳng định, việc Mỹ áp dụng mức thuế trừng phạt 265% đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam với lý do có liên quan đến nguyên liệu từ Trung Quốc là đi ngược lại thông lệ của chính Mỹ đưa ra.

Chiến lược trẻ hóa đội ngũ ở PNJ

Chiến lược trẻ hóa đội ngũ ở PNJ

Diễn đàn quản trị -  1 giờ

Trong quá trình chuyển giao thế hệ, PNJ vẫn giữ được bộ gen của doanh nghiệp, đồng thời tạo ra sự tươi mới với những cá tính mới và phương pháp làm việc mới.

Đón làn sóng đầu tư mới giá trị gia tăng cao

Đón làn sóng đầu tư mới giá trị gia tăng cao

Tiêu điểm -  1 giờ

Việt Nam đang thu hút mạnh mẽ làn sóng đầu tư mới giá trị cao, đánh dấu sự phát triển trở thành một trung tâm sản xuất, logistics và kỹ thuật số của khu vực.

Mảng nông nghiệp tái tạo của Mekong Capital thăng hoa

Mảng nông nghiệp tái tạo của Mekong Capital thăng hoa

Doanh nghiệp -  1 giờ

Startup nông nghiệp tái tạo Husk dù mới về tay Mekong Capital chưa lâu, nhưng đã ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực và trở thành điểm sáng của năm 2024.

Doanh nghiệp TP. HCM lo ngại tiền thuê đất tăng cao

Doanh nghiệp TP. HCM lo ngại tiền thuê đất tăng cao

Tiêu điểm -  1 giờ

Nhiều doanh nghiệp sẽ phải trả thêm chi phí vì tiền thuê đất tăng theo bảng giá đất mới điều chỉnh của TP.HCM.

Chạy nước rút giải ngân hơn 300.000 tỷ đồng vốn đầu tư công

Chạy nước rút giải ngân hơn 300.000 tỷ đồng vốn đầu tư công

Tiêu điểm -  1 giờ

Thời gian giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 không còn nhiều, nhưng vẫn còn đến hơn 47% lượng vốn chưa được giải ngân.

Thương mại Việt Nam - Trung Quốc: Lịch sử, cơ hội và thách thức

Thương mại Việt Nam - Trung Quốc: Lịch sử, cơ hội và thách thức

Hồ sơ quản trị -  1 giờ

Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam bắt đầu và liên tục từ 20 năm nay. Cơ hội đang nhiều hơn, song thách thức cũng lớn hơn.

Ai được lợi từ giá bất động sản tăng cao?

Ai được lợi từ giá bất động sản tăng cao?

Bất động sản -  4 giờ

Giá bất động sản tăng cao, thiếu tính ổn định gây bất lợi cho cả người mua nhà lẫn chủ đầu tư, không ai được lợi.