Ô nhiễm không khí giảm nhẹ trong thời gian cách ly xã hội

Hoài An - 10:38, 10/05/2020

TheLEADERMức bụi mịn và lượng khí thải NO2 tại Hà Nội và TP. HCM giảm không đáng kể dù cách ly xã hội.

Theo báo cáo mới đây của Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA), nồng độ bụi mịn PM2.5 ở Hà Nội và TP.HCM trong thời gian giãn cách xã hội giảm so với ba tháng trước đó, nhưng xu hướng ô nhiễm giảm sau Tết này hoàn toàn không có gì bất thường so với cùng kỳ ba năm trước.

Tính đến đầu tháng 5, ngưỡng bụi mịn vẫn vượt quá giới hạn khuyến nghị của Tổ chức y tế thế giới. Trong giai đoạn từ 16/2 đến 1/5, mức PM2.5 trung bình của Hà Nội tăng gần 40%, trong khi của TP.HCM tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù vậy, giãn cách xã hội đã giúp giảm lượng khí thải NO2 tại Hà Nội (giai đoạn 13/2 – 5/5) với mức giảm khoảng 10% so với cùng kỳ kể từ giữa tháng 2. Báo cáo nhận định mức giảm này khá khiêm tốn, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông. TP.HCM (giai đoạn 1/3 – 30/4) ghi nhận mức giảm khoảng 15% nồng độ khí thải NO2.

Ô nhiễm không khí giảm rất ít dù cách ly xã hội
Lượng khí thải NO2 tại Hà Nội từ ngày 13/2 – 5/5 của năm 2020 (trái) và năm 2019 (phải).

Đáng chú ý, ở các tỉnh phía Đông và Nam Hà Nội nơi tập trung nhiều cụm công nghiệp và tổ hợp nhà máy nhiệt điện than, nồng độ NO2 không những không giảm mà còn tăng lên trong thời gian chống Covid-19.

Ngay bên ngoài hai thành phố lớn, ô nhiễm không khí từ những nhà máy nhiệt điện than vẫn còn. 

Tác động hạn chế của giảm khí thải từ giao thông đối với mức PM2.5 chung chỉ ra rằng các yếu tố khác, bao gồm dân cư, điện và công nghiệp, là những nguồn quan trọng cần được giải quyết để có thể cải thiện đáng kể chất lượng không khí.

Isabella Suarez, nhà phân tích tại Trung tâm CREA, cho biết nghiên cứu chỉ ra rằng ô nhiễm không khí ở đô thị được tích lũy từ nhiều nguồn khác nhau, từ phương tiện và hoạt động giao thông, các hoạt động công nghiệp cho đến các nhà máy điện than gây ô nhiễm cao.

Nói một cách đơn giản, kiểm soát mức độ ô nhiễm từ tất cả các nguồn này sẽ giúp hạn chế ô nhiễm, có nghĩa rằng phổi sẽ khỏe mạnh hơn và tạo ra ít áp lực hơn cho các dịch vụ y tế vào thời điểm quan trọng này.

Để đối chiếu với các kết quả trên, Media Climate Net trực quan hoá dữ liệu bụi mịn PM2.5 tại trạm quan trắc Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội (trên đường Hai Bà Trưng) và trạm quan trắc Lãnh sự quán Mỹ tại TP. HCM (trên đường Lê Duẩn).

Các biểu đồ cho thấy ô nhiễm bụi mịn ở TP.HCM có giảm xuống mức an toàn (dưới 50 µg/m3 theo quy chuẩn Việt Nam) trong thời gian chính thức giãn cách xã hội (1/4/-22/4). Tuy nhiên ở Hà Nội, ô nhiễm bụi mịn chỉ giảm nhẹ so với sáu tháng trước và vẫn thường xuyên ở mức có hại.

Cũng cần lưu ý số liệu của một trạm quan trắc ở khu vực trung tâm Hà Nội và TP. HCM như trên không đại diện cho toàn thành phố. Các khu vực khác tập trung nhiều nhà máy, khu công nghiệp, lưu lượng giao thông lớn, nhiều công trình xây dựng có thể ô nhiễm hơn và cũng có những khu vực có thể ô nhiễm ít hơn.

Nhiều thành phố trên thế giới ghi nhận ô nhiễm không khí giảm đáng kể khi thực hiện giãn cách xã hội, theo báo cáo của IQAir hồi đầu tháng 4. Ví dụ, bụi mịn ở New Delhi trung bình chỉ còn 32,8 µg/m3 (23/3-13/4), giảm tới 60% so với cùng kỳ 2019. Thành phố Vũ Hán ghi nhận mức 35,1 µg/m3 (3/2-24/2), giảm 44% so với cùng kỳ 2019.

Tuy nhiên, không phải thành phố nào cũng có trải nghiệm tương tự. Cùng với Hà Nội, Singapore và Jakarta đều là những thành phố ghi nhận tình hình ô nhiễm không khí ít thay đổi.