Ông chủ Tân Hoàng Minh dốc bầu tâm sự về đạo đức trong kinh doanh bất động sản hạng sang

Ngọc Sơn - 00:00, 19/07/2017

TheLEADERBản lĩnh, đam mê, tâm huyết và trường vốn là những yếu tố cần nhưng chưa đủ để đầu tư bất động sản hạng sang. Đối với ông Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, chỉ khi doanh nghiệp đặt yếu tố đạo đức lên hàng đầu thì mới tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, và chính đạo đức là kim chỉ nam dẫn doanh nghiệp tới thành công trong lĩnh vực kinh doanh đầy thách thức này.

Ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh

Từ khi khởi động đến thời điểm giới thiệu 5 căn hộ mẫu D’. Palais de Louis mới đây, Tân Hoàng Minh đã mất hơn 9 năm triển khai dự án và đối diện với rất nhiều thách thức. Khi bắt đầu bắt tay thực hiện dự án này, ông có hình dung được đầu tư bất động sản hạng sang lại tốn thời gian và nhiều thách thức như vậy không?

Câu hỏi này đã gợi tôi nhớ lại bao nhiêu ngày tháng vất vả để giữ và xây được tòa cung điện D’. Palais de Louis như hiện nay. Chín năm cũng là thời gian của cuộc kháng chiến chống Pháp, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Để xây dựng tòa nhà này, nếu chỉ có đam mê thôi thì chưa đủ, đó chỉ là điều kiện cần. Tôi làm với tinh thần quyết tâm, tận lực, kể cả ngày mai tôi không còn đồng nào. Phải có bản lĩnh thép mới làm được như vậy.

Tôi kinh doanh đã được 35 năm, tôi biết rõ xây tòa nhà 2-3 năm thì thu lợi bao nhiêu và xây 10 năm thì lợi nhuận còn bao nhiêu. Để kinh doanh thành công phải có tình yêu và đam mê. Nhưng có câu: “Có thực mới vực được đạo”. Nhà doanh nghiệp cuối cùng phải tính đến hiệu quả. Tôi yêu, tôi làm, nhưng phải có hiệu quả, đó là triết lý của tôi. Tôi không làm nghệ thuật vị nghệ thuật, mà nghệ thuật vị nhân sinh, vì con người, như thế mới có giá trị.

Khi triển khai tòa nhà này tôi đã trải qua rất nhiều khó khăn, áp lực về tài chính và từ các nhà thầu. Nhiều người hỏi, tiền đâu mà xây dự án lớn thế? Thời gian dài như vậy thì hiệu quả ra sao? Tiền đầu tư [cho dự án] có được từ tích lũy của cá nhân tôi trong quá trình kinh doanh, từ các ngân hàng, các nhà thầu cho trả chậm, các nhà đầu tư và bạn bè. Đã đầu tư làm công trình nhiều năm, tôi không thể không tính đến hiệu quả. Tôi có niềm tin rằng, khi khách hàng hiểu được tôi luôn làm hết sức mình, chắc chắn việc kinh doanh của tôi sẽ có hiệu quả, tuy không nhiều.

Nếu biết lợi nhuận không cao thì tại sao ông vẫn kiên trì đầu tư?

Khoản lợi nhuận mà tôi có được nhiều nhất, hơn cả tiền bạc, đó là sự đánh giá của xã hội, của các chủ nhân của những căn hộ này về công sức mà chúng tôi đã bỏ vào đây cả chục năm. Sẽ không ai làm được tòa nhà như vậy.

Tôi khẳng định chắc chắn rằng, D’. Palais de Louis sẽ là một trong những tòa nhà đẹp nhất ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Tôi đã đi khắp thế giới và đến những tòa nhà đẹp nhất, so sánh sẽ khập khiễng, nhưng tôi có thể khẳng định kể cả tòa nhà khách sạn 7 sao ở Dubai cũng không có những chi tiết lạ, được chau chuốt kỹ lưỡng như ở D’. Palais de Louis.

Và tôi muốn nói, bạn hãy làm hết tâm huyết, tận lực và đạo đức, bạn sẽ thành công.

Động lực nào đã giúp ông dẫn dắt Tân Hoàng Minh vượt qua những thách thức và kiên trì theo đuổi phân khúc bất động sản hạng sang? Có vẻ như ông đang đề cao vấn đề đạo đức hơn là tiền bạc trong lĩnh vực kinh doanh này?

Trong sự nghiệp kinh doanh của mình, ở bất cứ lĩnh vực kinh doanh nào, từ khách sạn, taxi, sản xuất đồ nội thất mỹ nghệ, tôi luôn tâm niệm kinh doanh phải đặt yếu tố đạo đức lên hàng đầu. Mình kinh doanh có hiệu quả, có lợi nhuận, nhưng không thể phi đạo đức. Sản phẩm thể hiện đạo đức của người làm kinh doanh.

Nhớ lại thời điểm cách đây hơn 10 năm, khi tôi bắt đầu chuyển hẳn sang đầu tư bất động sản, có nhiều doanh nghiệp đầu tư nhà ở phân khúc trung cấp, cao cấp và siêu cao cấp. Nhưng tôi đến thăm và thấy chủ căn hộ phải sửa ít nhất 30%, thậm chí đập bỏ hoàn toàn bên trong. Đó là sự lãng phí đối với khách hàng và xã hội. Tại sao không làm thật tốt, thật bền, thật đẹp để khách hàng sau khi mua có thể ở ngay? Chính vì thế, tôi quyết tâm tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt nhất.

Triết lý kinh doanh của tôi là: một doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển thì chỉ có con đường duy nhất là phải làm ra sản phẩm chất lượng tốt nhất, nếu nói theo đạo Phật là phải có đạo, có phúc. Sản phẩm đến với người tiêu dùng đầu tiên phải đẹp, vì họ cảm nhận đầu tiên bằng ánh mắt. Cái đẹp là hình thức bên ngoài, còn nội dung, chất lượng bên trong là yếu tố quyết định cuối cùng. Một sản phẩm chất lượng tốt phải vừa đẹp, vừa bền. Sản phẩm đắt tiền, tức sản phẩm chất lượng tốt, phải hội tụ đủ 2 yếu tố là chất lượng và hình thức.

Đó là nói về sản phẩm nói chung, còn cụ thể trong đầu tư bất động sản thì triết lý kinh doanh của ông là gì?

Không phải mong ước hay mong muốn, mà tôi quyết định yếu tố đầu tiên phải quan tâm khi xây dựng tòa nhà là phải an toàn cho cư dân, vì vậy phải tính đến thiết kế nền móng. Tiếp theo là phải làm đẹp cho chủ nhân. Điểm cốt lõi cuối cùng là chất lượng bên trong cái đẹp. Bất cứ chủ nhân căn hộ nào cũng có ba cảm nhận: Một là an toàn, hai là rất đẹp và ba là bền vững. Tôi tin rằng, với tư duy và cách làm này, doanh nghiệp sẽ thành công và trường tồn. Từ đó, tôi kiên định theo đuổi triết lý này trong phát triển bất động sản.

Bài học của các hãng nổi tiếng như Rolls Royce, Mercedes, Hermes, Louis Vuitton cho thấy, họ trường tồn hàng trăm năm bởi sản phẩm đẹp, chất lượng tốt. Ở Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển, sản phẩm cứ bị teo tóp vì hình thức xấu, chất lượng không tốt. Thậm chí hình thức đẹp nhưng bên trong giả. Sự thành công hay thất bại của một doanh nghiệp, một quốc gia là chất lượng sản phẩm. Nói rộng hơn, sự thành công của mỗi quốc gia là chất lượng con người sống trong mỗi quốc gia đó, và chất lượng con người chính là tri thức, giáo dục và đạo đức.

Xét về nội dung và hình thức, D’. Palais de Louis có kiến trúc độc đáo, nội thất đắt tiền và nhiều tiện ích xa hoa. Nhưng, những yếu tố này chưa đủ để tạo ra một dự án siêu sang, dịch vụ mới làm nên và tôn vinh sự sang trọng của chủ nhân. Ông có đồng tình với quan điểm này không?

Siêu sang không phải là những vật vô tri vô giác được cẩn vàng, nạm ngọc, dát kim cương. Bạn có thể nhìn thấy một chiếc ghế đẹp, nhưng nếu chiếc ghế đó được bày cạnh một chiếc bàn xấu, một trần nhà không có thẩm mỹ, nó không còn đẹp và sang trọng nữa. Sang trọng ở đây phải được hiểu là cảm xúc con người được nhận, được mọi người tôn trọng, vinh danh. Giống như khi vào khách sạn 5 sao, từ cái bàn, cái đĩa, đôi đũa, cách bày biện món ăn, cách phục vụ, trang phục và thái độ phục vụ, tất cả tổng hòa nên một bữa ăn sang trọng, đắt tiền.

D'. Palais de Louis được thiết kế dành cho chủ nhân xứng tầm

Ở D’. Palais de Louis cũng thế. Chúng tôi không xây dựng một tòa cung điện vô hồn. Mỗi phiến đá, bức tượng đều có ý nghĩa giá trị. Tôi theo đạo Phật và tôi hiểu rằng, Phật coi chúng sinh không có nghĩa chỉ có động vật và con người, mà cây cỏ hay phiến đá cũng được coi là chúng sinh và có đời sống riêng. Người nào hiểu được điều này sẽ thấy rằng, cái ghế, cái bàn, cốc nước có giá trị và đời sống riêng. Vì thế, sự sang trọng, cảm xúc sang trọng ở đây bao gồm cả yếu tố tinh thần, thậm chí yếu tố tinh thần còn nhiều hơn vật chất.

Trong tòa nhà D’. Palais de Louis, chúng tôi thiết kế dịch vụ và tiện ích đúng với đẳng cấp của chủ nhân, xứng đáng với số tiền mà họ bỏ ra. Tòa nhà không chỉ là chốn đi về, mà chúng ta vui, buồn, sống với nó, hòa mình trong không gian sống. Tạo nên cảm xúc đó chính là dịch vụ và con người mang đến dịch vụ đó. Nói đến thiết kế chúng ta nói về kiến trúc, kết cấu. Nhưng không, ở D’. Palais de Louis, chúng tôi thiết kế dịch vụ theo đẳng cấp của chủ nhân như cha ông ta hay nói: “Xiêm y xứng kỳ đức”.

Dịch vụ là yếu tố vô hình mà chỉ có thể khẳng định khi dự án đi vào hoạt động. Còn hiện tại, yếu tố hữu hình là vị trí của dự án D’. Palais de Louis cũng gây nhiều tranh cãi. Có ý kiến cho rằng, vị trí trên đường Nguyễn Văn Huyên không phải là vị trí trung tâm độc đáo dành cho bất động sản hạng sang, vậy tại sao ông vẫn lựa chọn để xây dựng D’. Palais de Louis?

Khi quyết định xây dựng tòa nhà D’. Palais de Louis, tôi đã tưởng tượng và hình dung được quy hoạch của Hà Nội. Lõi trung tâm thành phố hiện nay là Bờ Hồ và khu phố cổ rất chật hẹp, đã xây dựng được hàng trăm năm cho vài chục nghìn dân ở. Nay Hà Nội có gần chục triệu dân, khu vực trung tâm đã trở nên quá nhỏ. Trung tâm thành phố thực sự sau này không phải ở bờ Hồ mà nằm ở khu vực Tây Hồ Tây, và D’. Palais de Louis nằm ở vị trí trung tâm của trung tâm.

Ý tưởng xây dựng tòa nhà D’. Palais de Louis xuất phát từ cảm hứng và tiêu chí của Cung điện Versailles ở Paris. Cung điện Versailles không nằm ở trung tâm mà cách Paris 20 km. Các bậc đế vương và người giàu có không muốn ở trung tâm vì đường phố chật chội, thiên nhiên và cảnh quan không có. Làm việc ở trung tâm thì tiện lợi, nhưng sống ở trung tâm rất ngột ngạt. Quan niệm của chúng ta xưa nay là ở trung tâm để tiện đi xe máy, ăn phở, uống cà phê, mua mớ rau… Nhưng quan niệm đó đã lỗi thời vì bây giờ mọi thứ có thể được phục vụ tận nhà.

Cung điện như Versailles phải có vườn, cảnh quan thiên nhiên xung quanh, đường dẫn đi qua khu rừng. Vì thế tôi chọn xây D’. Palais de Louis ở đường Nguyễn Văn Huyên. Tuy nó không giống 100% Cung điện Versailles mà chỉ tương tự một phần nào đó, nhưng có thể thấy toàn bộ trục đường Nguyễn Văn Huyên không có nhà dân nào mà chỉ có công sở, bảo tàng. Trước mặt dự án là thảm cỏ, công viên cây xanh và hồ nước, đường rộng như đại lộ. Giao thông đi về các hướng đều thuận lợi. Đây là vị trí rất đắc địa và rất trung tâm, phù hợp với tiêu chí của D’. Palais de Louis. Có thể giá đất ở đây rẻ hơn nhiều khu vực xung quanh Bờ Hồ, nhưng với tôi, không thể xây được một cung điện ở trung tâm phố cổ vì cảnh quan không phù hợp, đất không có.

Đây là một công trình mà ông cho là “Kiệt tác vượt thời gian”, nhưng không nhiều người hiểu tại sao lại có người sẵn sàng bỏ ra hàng chục tỷ đồng để mua căn hộ tại D’. Palais de Louis. Với số tiền như vậy, họ có thể mua một căn biệt thự đẹp, vậy tại sao họ vẫn mua D’. Palais de Louis?

Đây là một câu hỏi rất hay, nhưng nếu tôi trả lời thì người ta nói tôi quảng cáo để bán hàng. Tôi chỉ muốn nêu ra một thực tế để mọi người chiêm nghiệm.

Bạn có thể chỉ ra có công trình nhà ở nào ở Việt Nam mà thời gian xây dựng kéo dài suốt 10 năm trời như D’. Palais de Louis? Tại sao phải làm trong 10 năm? Bởi chúng tôi làm kỹ lưỡng, chi tiết, tỉ mỉ. Chúng tôi phải thay đổi bản vẽ tới 80 lần để có được một bản vẽ hoàn hảo, mặt bằng không sai đến 1cm. Giá trị ở đây là chúng tôi làm với một thời gian rất dài, với sự kỹ lưỡng, cẩn trọng tới từng chi tiết, và rất nhiều chi tiết làm bằng tay. Tất cả đồ nội thất đều được bảo hành hàng chục năm. Khi bán hàng, tôi sẽ ký bảo hành cho các chủ nhân không phải 10 năm, 20 năm mà là suốt đời, bởi tôi tin sản phẩm này.

Khách hàng mua căn hộ D’. Palais de Louis không chỉ để ở, mà để tận hưởng văn hóa. Tất cả 240 chủ nhân đều có cùng đẳng cấp, cùng nền tảng văn hóa, biết yêu và trân trọng cái đẹp, trân trọng công sức lao động của người khác, không phải là văn hóa nhiều tiền.

Điểm tiếp theo mà tôi chắc chắn là: từ nay trở đi tôi sẽ không thể làm được công trình thứ 2 như thế này. Chưa tính đến tâm huyết, động lực hay đam mê, làm công trình này tôi phải trải qua 10 năm lao tâm khổ tứ, khó có thể lặp lại.

Còn nhiều lý do nữa tạo nên sự khác biệt cho chủ nhân của các căn hộ D’. Palais de Louis. Đi khắp thế giới bạn cũng không thể tìm được chung cư nào có nhạc nước ở giữa lòng tòa nhà để đón chào những chủ nhân khi trở về hoặc chuẩn bị đi ra. Không chủ đầu tư nào bỏ ra gần 500 m2 xuyên suốt 27 tầng tòa nhà để làm giếng trời, như thế phải hy sinh lợi nhuận quá lớn. Cũng không tìm đâu ra 6 thang máy lên xuống giữa khung cảnh nhạc nước như những vì sao. Không ai dám đầu tư, vì chi phí mỗi thang máy là 300.000 USD. Còn nhiều thứ để nói về tòa nhà này.

Tôi tin rằng, nếu chủ nhân chuyển vào đây ở thì giá trị của tòa nhà sẽ tăng lên từng tháng, từng năm. Tôi nghĩ, tòa nhà này sẽ trở thành một trong những tòa nhà đắt tiền nhất và ít người bán lại nhất. Tôi không có ý đánh bóng, thực tế là tòa nhà đã hiện hữu. Chỉ ba tháng nữa bể bơi và đại sảnh sẽ hoàn thành, lúc đó khách hàng sẽ cảm nhận được chúng tôi đã thiết kế một hệ thống tiện ích, dịch vụ và sự sang trọng như thế nào.

Cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị!