Ông Mai Hữu Tín: 'Chỉ ra đấu trường quốc tế khi đam mê và áp lực đủ lớn'

Quỳnh Như - 09:49, 10/04/2018

TheLEADERAi cũng có thể đi ra ngoài kia hòa mình với dòng chảy kinh tế thế giới nhưng chỉ doanh nhân có đủ đam mê và áp lực đủ lớn mới thành công.

Ông Mai Hữu Tín: 'Chỉ ra đấu trường quốc tế khi đam mê và áp lực đủ lớn'
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư U&I Mai Hữu Tín.

Những trải nghiệm thương trường của doanh nhân Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư U&I hay ông Dato Damien Chua  - CEO của JD Resources Ltd (Malaysia) cho thấy, chiến lược xuất ngoại của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cần được tính toán kỹ lưỡng. 

Với kinh nghiệm tích lũy sau 30 năm trên thương trường Việt Nam cũng như thế giới, gầy dựng và kinh qua 52 công ty trong cả hai vai trò trong Ban giám đốc và Hội đồng quản trị, ông Mai Hữu Tín đã gợi ý những điều kiện cần và đủ để các doanh nghiệp xuất ngoại. 

"Phong trào xuất ngoại đang sôi sục trong cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam. Tuy nhiên, trước khi quyết định chạy theo chúng bạn, các doanh nhân trẻ nên ngồi lại, trả lời hai câu hỏi sau. 

Đầu tiên, tự vấn bản thân xem khả năng/năng lực của mình đến đâu, có thể bơi ra biển lớn hay không? Thứ hai, chúng ta có thật sự muốn bước lên vũ đài quốc tế hay không, chúng ta có cần phải làm hay không? 

Bởi, công việc kinh doanh luôn vô cùng vất vả, kinh doanh ở môi trường quốc tế càng thế, phải thực sự đam mê mới có thể trụ nổi. Hoặc nhiều công ty muốn phát triển nhanh, tăng trưởng từ 20% đến 30%, thì buộc phải đi ra khỏi biên giới Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp ra đấu trường quốc tế chỉ khi đam mê và áp lực đủ lớn", ông Mai Hữu Tín nói.

Sau khi trả lời được hai câu hỏi trên, chúng ta mới bắt đầu bắt tay vào chuẩn bị về vốn, chiến lược, con người, cách thực thi chiến lược. Một ý tưởng tốt chưa đủ để thành công, nó phải kèm theo chiến lược tốt cộng với những con người thích hợp để thực thi chiến lược đó. 

Theo ông Tín, muốn tìm ra chiến lược tốt phải có đủ lượng kiến thức trong lĩnh vực mà mình kinh doanh cũng như tình hình thị trường nước bạn. Chúng ta cần phải biết: nhu cầu của thị trường nước đó và nếu mình đến đó, thì phải cạnh tranh với đối thủ nào?

Tốt nhất, chúng ta hãy trực tiếp đến điều nghiên thị trường mới, đừng chỉ trông chờ vào các công ty nghiên cứu thị trường hay để cho nhân viên của mình đến làm vài điều tra đơn giản… Muốn thành công, chúng ta nhất định phải "nhúng chân xuống nước", đừng làm theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa", để sau này khóc lóc hối hận không kịp.

Sau khi cảm thấy đã am hiểu thị trường muốn chinh phục, tùy vào thị trường hoặc mục đích của bản thân, chúng ta có thể bước vào thị trường theo 4 cách: qua vài đại lý, chỉ chọn một đại lý độc quyền, liên doanh với một đối tác bản địa, tự làm. 

Ông Tín kể, nhiều doanh nghiệp Việt muốn đưa đồ gỗ vào Nhật Bản, vì những quy định của nước này như: phải có sẵn hàng trong kho và có quá trình hậu mãi sau bán hàng, họ buộc phải chọn một đại lý trung gian.

Minh họa rõ nét cho các bước tiến hành trên là cách ông Dato Damien Chua (Malaysia) - CEO của JD Resources Ltd, đối tác tiếp thị của Hindustan Zinc Ltd (nhà sản xuất kẽm lớn thứ 2 trên thế giới) thâm nhập thị trường Việt Nam.

Doanh nhân Mai Hữu Tín: Hãy ra đấu trường quốc tế chỉ khi đam mê và áp lực đủ lớn
Ông Dato Damien Chua, CEO của JD Resources Ltd

Theo ông Dato Damien Chua phân tích, muốn vào thị trường nào, đầu tiên chúng ta phải hiểu văn hóa thị trường đó. Năm 2006, ông đã trải qua 3 tháng học tiếng Việt ở khoa Việt Nam học tại trường RMIT. Trong quãng thời gian đó, ông đã kết giao được rất nhiều bạn bè ở Việt Nam, chính họ đã chia sẻ cho ông đâu là thách thức, nhu cầu… của thị trường Việt.

"Sau khi đã hiểu phần nào văn hóa thị trường, tôi đã chọn một đại lý tại Việt Nam để phân phối hàng của công ty mình. Tuy nhiên, sau vài năm, khi nhu cầu với sản phẩm của công ty tôi tăng lên, đại lý đó không thể kham nổi công việc, tôi liền thành lập công ty tại đây", ông Dato Damien Chua nói.

Về nguồn nhân lực, nhiều người hay quan niệm con người là tài sản quan trọng nhất của doanh nghiệp nhưng điều đó chỉ chính xác khi chúng ta chọn được những con người đúng.

"Tuy nhiên, chuyện đúng ở đây cũng tùy thuộc vào nhiều vấn đề. Ví dụ, tôi từng nói chuyện với CEO của công ty General Electric của Mỹ. Ông ấy cho biết, ông từng phân loại nhân viên công ty General Electric theo thứ hạng A, B, C, D. Người xếp từ hạng C trở xuống, sẽ cho nghỉ việc nhưng những người hạng C ở General Electric có thể là hạng A ở những công ty khác", ông Tín nhìn nhận.

Từ kinh nghiệm của mình, ông Tín cho biết, chọn được đúng người đã khó, giữ họ còn khó hơn, thứ giữ được người tài tốt nhất, không phải là lương thưởng cao mà chính là khả năng lãnh đạo của chủ doanh nghiệp.

"Chìa khóa là bạn phải làm người lãnh đạo tốt, chúng ta phải biết chia sẻ tầm nhìn - tham vọng của bản thân, phân quyền phù hợp với từng vị trí - năng lực của nhân viên, đối xử với nhân viên như những người thân trong gia đình… thì mọi người mới theo mình.

Có hai kiểu lãnh đạo: kiểu thứ nhất khiến người ta cảm thấy nhỏ bé, như là đồ vô dụng khi đứng cạnh, kiểu thứ hai khiến người ta cảm thấy tự tin vào bản thân khi đứng cạnh, giúp sinh sôi ra nhiều người có khả năng lãnh đạo và kinh doanh như mình. Chúng ta nên đi theo kiểu thứ hai, có như thế mới tìm ra được đúng người đồng hành cùng mình", ông Tín khẳng định.

Về thực thi chiến lược, trong tất cả, chuyện thực thi chiến lược đóng vai trò quan trọng nhất, chiếm 50% thành công, trong khi vốn và chiến lược chiếm mỗi thứ 15%, nguồn nhân lực chiếm 20%.

Chúng ta cần ưu tiên giải quyết vấn đề gì, mục tiêu như thế nào thì hợp lý để tạo ra năng lượng và động lực cho nhân viên (thấp quá hay cao quá đều không tốt)…

Để giúp kiểm soát tốt công việc kinh doanh cũng như thúc đẩy công ty luôn tiến về phía trước, chúng ta cần thiết lập 3 điều sau: có con số đo lường được như data, KPI..; nhịp họp như thế nào: lên lịch cụ thể những cuộc họp hàng ngày, tháng, năm quý… như thời gian, địa điểm, nội dung, ai báo cáo; khả năng/năng lực làm việc nhóm.

"Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ, chúng ta hãy mạnh dạng xông pha. Tôi luôn tâm đắc câu nói đừng bao giờ đánh giá thấp chính mình và cũng đừng bao giờ đánh giá thấp niềm tin của bản thân", ông Tín nói.